Hãng bay vận tải hàng hóa: Cần thị trường cạnh tranh

Chuyên gia logistics ủng hộ việc thành lập hãng hàng không hàng hóa và cho rằng, điều quan trọng nhất là phải tạo ra thị trường cạnh tranh.

Vận tải hàng hóa đang giữ vai trò chủ lực và đem lại nguồn doanh thu trợ lực lớn cho các hãng bay, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới vận tải hành khách.

Hiện nay, các hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines) đều triển khai thực hiện các chuyến bay chuyên chở hàng hóa, gồm cả việc chở hàng trên khoang hành khách nhằm tăng thêm năng lực vận chuyển hàng hóa và có thêm nguồn thu để bù đắp thiệt hại do dịch Covid-19.

Đơn cử như Vietnam Airlines đã tháo ghế 5 chở hành khách (bao gồm 2 tàu A350, 3 máy bay A321) để vận chuyển hàng hóa.

Tại đại hội đồng cổ đông năm 2020 vừa diễn ra hôm 14/7, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết hãng này đang xây đề án và hoàn thiện đề án hãng hàng không hàng hóa ngay sau dịch bệnh Covid-19.

Trước đó, Công ty Cổ phần IPP Air Cargo - thành viên của Tập đoàn IPPG do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch - đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo.

Tuy nhiên, ngày 13/7/2021, trên cơ sở tham mưu của Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT kiến nghị chưa cho phép thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay mà sẽ theo dõi tình hình thị trường, ảnh hưởng của dịch bệnh để trình Thủ tướng xem xét (dự kiến là năm 2022).

Trao đổi với Đất Việt, chuyên gia logistics - TS Lê Văn Bảy khẳng định, việc phát triển các hãng bay vận tải hàng hóa là tất yếu khi nhu cầu ngày càng lớn. Tại Việt Nam hiện nay chưa có hãng hàng không nào chuyên vận tải hàng hóa, thị phần vận tải hàng hóa chủ yếu thuộc về các hãng bay nước ngoài. Chưa kể, đối với ngành hàng không hiện nay, nhu cầu vận chuyển hành khách đi xuống, còn vận tải hàng hóa lại tăng trưởng rất nhanh.

Điều này thấy rõ qua doanh thu hàng hóa của các hãng bay đều tăng. Riêng Vietnam Airlines, doanh thu vận chuyển hàng hóa tăng từ 10% lên gần 30% tổng doanh thu của hãng, tháng 6 doanh thu hàng hoá thậm chí vượt doanh thu hành khách.

Dù vậy, TS Lê Văn Bảy cũng lưu ý, việc các hãng hàng không tháo ghế chở khách để chở hàng hóa chỉ là biện pháp tạm thời trong đại dịch, còn trong tương lai đó không phải là biện pháp chiến lược. Hàng hóa hiện nay các hãng hàng không chở trên khoang hành khách thường là hàng hóa nhỏ do móc ở các hàng ghế yếu. Cũng chính vì lý do này nên nếu chở hàng hóa khối lượng lớn, siêu trường siêu trọng thì vô cùng nguy hiểm do khi máy bay đáp xuống đường băng phải thắng lại, không có móc an toàn hàng sẽ lao về phía trước.

Trong khi đó, đối với máy bay vận tải chuyển để chở hàng, thiết kế để đưa hàng vào cũng thuận lợi hơn, trên sàn máy bay có con lăn có thể xoay được. Khi đưa thùng hàng vào, con lăn ấy sẽ giúp đẩy hàng hóa vào trong, không phải khiêng vác như đối với máy bay thương mại, đồng thời có móc cố định hàng hóa, kể cả hàng hóa siêu trường siêu trọng.    

Trở lại với đề xuất thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa của ông Johnathan Hạnh Nguyễn bị từ chối, theo TS Lê Văn Bảy, lý do Bộ GTVT đưa ra là chưa thỏa đáng. Thậm chí, ông thẳng thắn cho rằng, bản thân các hãng bay hiện nay đang có tâm lý sợ cạnh tranh, mất thị phần.

"Không thể nói là lo mất cân đối cung cầu trên thị trường. Dịch bệnh khiến vận chuyển hành khách suy giảm mạnh nhưng thị trường vẫn đòi hỏi hàng hóa cung ứng lớn, đặc biệt là chuỗi cung ứng vaccine bằng máy bay. Cho nên, có thể nói thị trường hàng hóa Việt Nam còn tăng trưởng", vị chuyên gia nhận xét.

Trong đại dịch, doanh thu vận tải hàng hóa của các hãng bay tăng mạnh. Ảnh: Báo Giao thông  
Trong đại dịch, doanh thu vận tải hàng hóa của các hãng bay tăng mạnh. Ảnh: Báo Giao thông  
 

Bên cạnh đó, TS Lê Văn Bảy cũng lưu ý, để thành lập một hãng hàng không không phải "ngày một, ngày hai" là được mà mất cả một thời gian dài, đặc biệt với các thủ tục hành chính ở Việt Nam. Chưa kể, việc này còn liên quan đến thương quyền hàng không, mất thời gian để đàm phán.

"Thương quyền hàng không chính là sự cân bằng, "có đi có lại mới toại lòng nhau", không phải thích là bay được. Cho nên, với đề nghị của IPP Air Cargo, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể cho phép, ban đầu có thể hạn chế tuần bao nhiêu chuyến, sau tăng dần lên.

Hơn nữa, ông Johnathan Hạnh Nguyễn là người có quan hệ quốc tế rất cao nên khi thành lập, đường biển và hàng không tích hợp thì ông rất có thế mạnh.

Thị trường eo hẹp rồi cũng có lúc lên, nếu ngồi đợi đến khi tăng trưởng rồi mới bắt đầu cho phép thì đã quá muộn và chúng ta luôn đi sau", TS Lê Văn Bảy chỉ rõ, đồng thời nhấn mạnh trong kinh tế phải luôn có cạnh tranh thì thị trường mới phát triển được. 

UBND TP.Đà Nẵng vừa gửi văn bản báo cáo Bộ GTVT về chủ trương thành lập Hãng hàng không vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo.

Theo đó, văn bản của UBND TP Đà Nẵng cho biết, Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị ban hành ngày 16/10/2003 về Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có nêu phương hướng, nhiệm vụ phát triển dịch vụ logistics của Đà Nẵng đến năm 2020 là đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế.

Đến năm 2019, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 43 về Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định 1 trong 5 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố để để phát triển kinh tế là cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics.

Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố được HĐND TP Đà Nẵng thông qua đã nêu mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp. Trong đó, dịch vụ logistics đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.

Do đó, UBND TP.Đà Nẵng đánh giá việc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương – IPPG đề xuất thành lập Hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo và đặt Trung tâm điều hành hoạt động bay của IPP Air Cargo tại TP Đà Nẵng là rất phù hợp với định hướng phát triển của thành phố. Đây là cơ hội lớn để thành phố thực hiện thắng lợi Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và là thời cơ mang lại sự phát triển bền vững cho nền kinh tế thành phố trong tương lai.

Từ những vấn đề nêu trên, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ GTVT ủng hộ và sớm có ý kiến đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương thành lập Hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo tại Đà Nẵng.

Thành Luân

Theo Đất Việt