Ông Johnathan Hạnh Nguyễn thành lập hãng hàng không chở hàng đầu tiên

Công ty cổ phần IPP Air Cargo vừa trình Bộ Kế hoạch Đầu tư và các bộ ngành liên quan xem xét chủ trương thành lập dự án hãng hàng không vận tải hàng hoá. Trong tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng có 30% là vốn chủ sở hữu, còn 70% từ các cổ đông khác.

Thông tin bất ngờ

Công ty cổ phần IPP Air Cargo vừa trình Bộ Kế hoạch Đầu tư và các bộ ngành liên quan xem xét chủ trương thành lập dự án hãng hàng không vận tải hàng hoá. IPP Air Cargo là một doanh nghiệp thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), vừa được lập tháng 3 năm nay, trụ sở tại quận 1, TP HCM. Công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng hoá hàng không.

Chủ tịch IPPG, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng giữ vai trò này tại IPP Air Cargo. Còn người đại diện pháp luật của công ty này bà Lê Hồng Thuỷ Tiên - vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn hy vọng được phê duyệt dự án đầu tư và nhận giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào quý III năm nay; lấy chứng chỉ nhà khai thác tàu bay vào quý IV và thực hiện chuyến bay đầu tiên vào quý II/2022.

Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu Covid-19 hoành hành khiến ngành hàng không "lao dốc", việc ông Johnathan Hạnh Nguyễn muốn lập hãng bay đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Bằng chứng là con số Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) đưa ra cho thấy năm 2020 vận tải hàng không thế giới thiệt hại gần 118,5 tỷ USD. Ước tính năm nay sản lượng hành khách sẽ chỉ đạt 33% so với năm 2019 và tổng mức lỗ là 95 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2022 các hãng hàng không mới hết lỗ. Ở Việt Nam, năm 2020, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không chỉ 66 triệu lượt và 1,3 triệu tấn hàng hóa, giảm tương ứng 43,4% về hành khách và 15,6% về hàng hóa so với năm 2019. Năm nay, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu, lỗ trên 15.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, xét ở góc độ khi đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, và dễ dàng có thể nhận ra tuy nhu cầu vận chuyển hành khách giảm thì nhu cầu vận chuyển hàng hóa lại tăng lên đáng kể. Trên thực tế, thời gian qua khi Covid-19 lây lan khiến khách đi máy bay sụt giảm mạnh, máy bay phải "nằm đất" chiếm số lượng lớn, các hãng đã "bẻ lái" chuyển sang chở hàng hóa trên khoang khách ở trong nước và đi quốc tế.

Mặc dù có 6 hãng hàng không, nhưng Việt Nam vẫn chưa có hãng hàng không chuyên chở hàng hóa riêng biệt. Hơn 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường hàng không ở Việt Nam hiện nay là do các hãng hàng không nước ngoài vận chuyển. So với vận chuyển đường bộ và đường thủy, vận tải hàng không chiếm tỷ lệ rất nhỏ nhưng là phương thức vận tải đặc thù, do hàng hóa vận tải đường hàng không thường có giá trị cao, quãng đường dài, thời gian nhanh.

Nắm bắt thời cơ  
Nắm bắt thời cơ  

Theo báo cáo dữ liệu về các thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không toàn cầu tháng 4/2021 của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tiếp tục cao hơn mức giai đoạn trước Covid-19, tăng 12% so với hồi tháng 4/2019. Tại Việt Nam, trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm, bất chấp tình trạng tàu bay nằm la liệt tại bãi đỗ hay các hãng hàng không thua lỗ lớn, thì mảng vận tải hàng hóa và logistics sân bay vẫn duy trì doanh thu và lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp thậm chí còn có lãi. Điển hình, với Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (Noibai Cargo - NCT), lũy kế cả năm 2020 đạt tổng doanh thu gần 697 tỷ đồng, giảm 21,6% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế của Noibai Cargo đạt 206,75 tỷ đồng giảm 14,6%, nhưng tăng 8% so với kế hoạch đặt ra đầu năm. Bước sang quý 1/2021, doanh nghiệp này thu hơn 166 tỷ đồng và lãi sau thuế 51 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với quý gần nhất.

Năm ngoái, Vietjet Air là hãng bay đầu tiên trong nước áp dụng phương án tháo dỡ ghế hành khách để vận tải hàng hóa. Trong giai đoạn này, lượng hàng hóa hãng vận chuyển đạt hơn 60.000 tấn giữa các nước, doanh thu vận tải hàng hoá tăng 75% so với năm trước. Chỉ trong quý 4/2020, doanh thu bán vận chuyển hàng hóa trong và ngoài nước của Vietjet Air tăng nhanh, đạt 75%, cả năm 2020 tăng trưởng 16%.

Nếu được phê duyệt, IPP Air Cargo sẽ là hãng hàng không chuyên chở hàng hoá đầu tiên hoạt động chuyên nghiệp tại Việt Nam. Chủ tịch IPPG cũng là người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không. Trước đây, ông từng làm thanh tra tài chính của Boeing Subcontractors và Tổng đại diện của Philippines Airlines tại Đông Dương.

Tuy nhiên, chắc chắn sự cạnh tranh trong lĩnh vực vận chuyển hàng không sẽ tăng lên, chính từ những hãng bay nội địa đang tìm cách chuyển mình trong đại dịch. Từ tháng 4/2020, Vietjet Air đã chính thức phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa, là hãng hàng không đầu tiên được phê chuẩn triển khai vận chuyển hàng hóa trên khoang hành khách (CIPC). Một hãng khác cũng có động thái trong lĩnh vực này chính là Bamboo với kế hoạch phát triển Bamboo Airways Cargo. Trước đó, Bamboo Airways cũng đã triển khai và xây dựng bộ tiêu chuẩn vận chuyển hàng hóa theo tiêu chuẩn của IATA, phát triển các đường bay chở hàng định kỳ như tuyến Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc).

Minh Châu

Theo DNVN