Hàng chục nghìn tỷ đổ về Khánh Hòa: Ngân hàng dồn vốn cho năng lượng, bất động sản
Hàng loạt dự án năng lượng sạch, hạ tầng trọng điểm và khu đô thị quy mô lớn tại Khánh Hòa đang thu hút sự nhập cuộc mạnh mẽ của các ông lớn ngân hàng và bất động sản, với tổng giá trị tín dụng cam kết lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Vietcombank dốc vốn cho dự án trọng điểm
Ngày 25/7, tại Hội nghị gặp mặt Doanh nghiệp, Nhà đầu tư năm 2025 tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Quang Vinh – Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, Vietcombank đã và đang đồng hành cùng các doanh nghiệp hàng đầu triển khai loạt dự án trọng điểm, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng bền vững và vốn lưu động cho doanh nghiệp.
Theo ông Vinh, với các kế hoạch phát triển và quy hoạch hiện tại, Khánh Hòa sẽ tiếp tục giữ vai trò là trung tâm năng lượng và năng lượng sạch lớn nhất cả nước. Hiện Vietcombank đã cam kết tín dụng 8.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện trên địa bàn, gồm các dự án Điện lực Vân Phong 1, Điện Sông Giang, BP Solar 1, Thiên Tân Solar… và đang tiếp tục mở rộng tài trợ cho nhiều dự án năng lượng mới đang được triển khai tại tỉnh.

Bên cạnh lĩnh vực năng lượng, Vietcombank cũng tài trợ tín dụng cho nhiều dự án hạ tầng trọng điểm, đặc biệt là các tuyến cao tốc kết nối vùng, các khu đô thị mới, hạ tầng nghỉ dưỡng – du lịch. Hiện ngân hàng đã cam kết tổng giá trị tín dụng lên đến 32.000 tỷ đồng với các doanh nghiệp lớn như: Vingroup, Sun Group, Công ty Đóng Tàu Hyundai...
Không chỉ hỗ trợ các tập đoàn lớn, Vietcombank còn đẩy mạnh tín dụng cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Trong 6 tháng đầu năm 2025, ngân hàng đã tăng cường hỗ trợ vốn cho khu vực tiểu thương, hộ kinh doanh và SME trong lĩnh vực sản xuất, nuôi trồng…, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế bền vững của Ngân hàng Nhà nước.
Vietcombank đã ký kết với UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi và cạnh tranh cho các dự án tại địa phương, với tổng quy mô cam kết lên tới 50.000 tỷ đồng. Việc cấp vốn sẽ được thực hiện trên cơ sở đánh giá hiệu quả dự án, tuân thủ pháp luật hiện hành và quy định nội bộ của ngân hàng.
Ngoài ra, Vietcombank cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Khánh Hòa trong việc nghiên cứu, hỗ trợ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án quy mô lớn trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, hạ tầng, năng lượng, giao thông, cảng biển, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và bất động sản, theo đúng quy định pháp luật và cơ chế tín dụng của ngân hàng.
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết thêm, ngân hàng đang là đối tác tài chính chủ lực cho nhiều dự án FDI và sẵn sàng tăng dư nợ tín dụng tại địa phương thêm 70.000 – 100.000 tỷ đồng trong thời gian tới.
Ngoài vốn trung và dài hạn, Vietcombank cũng triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước như: cho vay nhà ở xã hội, tín dụng nông nghiệp – thủy sản và đặc biệt là gói 500.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng.
Ưu tiên dự án công nghiệp, đô thị, du lịch
Tại Hội nghị “Khánh Hòa: Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương – Đột phá trong kỷ nguyên mới” diễn ra sáng cùng ngày, bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh việc ưu tiên tín dụng cho các dự án động lực, hạ tầng và năng lượng tại địa phương.

Theo Nghị quyết 01-NQ/TU, tỉnh xác định bốn trụ cột kinh tế ưu tiên gồm: công nghiệp, năng lượng, du lịch – dịch vụ và xây dựng đô thị. Các trụ cột này đều được cụ thể hóa bằng định hướng, mục tiêu và giải pháp rõ ràng, phù hợp với lợi thế phát triển của địa phương. Trong đó, nhu cầu huy động và phân bổ nguồn lực tài chính, đặc biệt là vốn tín dụng, được đặt ra cấp thiết.
Trên cơ sở đó, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tín dụng theo định hướng trọng tâm mà tỉnh đề ra. Trước hết, tín dụng sẽ được ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực then chốt gắn với những dự án động lực như: Khu đô thị mới Cam Lâm, nhà máy điện hạt nhân, cao tốc Bắc Nam (đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo), các dự án năng lượng tái tạo, kinh tế biển, logistics, công nghiệp chế biến, dịch vụ và du lịch. Đây là những lĩnh vực vừa khai thác được lợi thế so sánh, vừa có vai trò nâng tầm Khánh Hòa thành trung tâm kinh tế chiến lược khu vực.
Cùng với đó, ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh tín dụng cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và công nghiệp hỗ trợ. Ưu tiên được đặt vào các phương án đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại phục vụ mục tiêu chuyển đổi xanh và chuyển đổi số – yếu tố then chốt quyết định đến năng suất và năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.
Bên cạnh việc cung ứng tín dụng, ngành ngân hàng cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong khâu tiếp cận vốn. Những vướng mắc liên quan đến đất đai, thuế, hạ tầng… cần được giải quyết đồng bộ, tạo nền tảng để các tổ chức tín dụng mạnh dạn cấp vốn cho các phương án đầu tư phát triển.
“Nguồn vốn tín dụng chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi có sự đồng hành từ chính quyền địa phương. Do đó, ngành ngân hàng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa trong việc tháo gỡ rào cản cơ chế, tạo điều kiện để dòng vốn chảy đúng hướng, đến đúng địa chỉ và mục tiêu tăng trưởng”, bà Giang nhấn mạnh.