Hàng loạt sai phạm tại các dự án BT của Bitexco, 319, Bất động sản Hồng Ngân, Trung Nam Group...
Kết quả kiểm toán 17 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) trong năm 2017 đã lộ ra hàng loạt sai phạm.
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước 2016 gửi các đại biểu Quốc hội. Theo văn bản này, kết quả kiểm toán 17 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) trong năm 2017 cho thấy nhiều vi phạm.
Gần như toàn bộ dự án BT là vốn Nhà nước
Kiểm toán Nhà nước nhận thấy các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách Nhà nước nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành.
Ngoài ra, hầu hết dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực. Tại TP. Hà Nội, 5/5 dự án BT được kiểm toán là chỉ định thầu. Tại TP. Đà Nẵng là 3/4 dự án. Tại Bắc Ninh và Hà Nam là 2/2 dự án…
KTNN cho rằng việc thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách.
“Quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT và thời điểm giao dự án BT còn bất cập, không rõ ràng dẫn đến việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc ngang giá. Việc thanh toán trước trong khi nhà đầu tư chưa phải xuất hóa đơn VAT do công trình chưa hoàn thành thực chất là thanh toán trước tiền thuế VAT cho nhà đầu tư tại thời điểm chưa phát sinh là một điểm bất hợp lý, tạo ra việc chiếm dụng vốn từ ngân sách“, báo cáo nêu.
Vốn đầu tư các dự án BT chủ yếu là vốn vay (khoảng 85%) và được tính lãi, với lãi suất tối đa huy động bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ, dẫn đến thực chất gần như toàn bộ dự án là vốn của Nhà nước hoặc là vốn của Nhà nước đi vay với mức lãi suất cao hơn lãi suất Nhà nước huy động để đầu tư thực hiện dự án.
Cơ quan kiểm toán cho rằng điều này cho thấy việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách.
Bên cạnh đó, chưa có quy định về thời điểm nhà đầu tư phải góp đủ số vốn chủ sở hữu dẫn đến nhà đầu tư không bắt buộc phải góp đủ vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ tối thiểu tại mọi thời điểm nhằm tiết kiệm chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng. Đồng thời chưa có văn bản quy định cụ thể về tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư nên có chênh lệch lớn giữa các hợp đồng (cao nhất 14%, thấp nhất 10% ).
KTNN cho biết nhiều dự án giao cho nhà đầu tư thực hiện từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán và tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát dẫn đến có thể không đảm bảo tính khách quan. Công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao dẫn đến để xảy ra sai sót ở tất cả các khâu, gây thất thoát trong quá trình thi công thực hiện dự án.
Chi phí tài chính chưa hợp lý
Qua kiểm toán cho thấy, nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu chưa đầy đủ và đúng hạn như tiến độ đã cam kết trong hợp đồng. Điển hình như dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân (Hà Tĩnh) đi khu kinh tế Nghi Sơn số vốn góp thiếu so với cam kết 128,82 tỷ đồng.
Việc ký hợp đồng BT nhưng không quy định phần vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư tại dự án dự án Sân vận động Đồng Văn (Hà Nam) và hạ tầng khu đất xung quanh.
Ngoài ra, còn dự án tuyến đường nối Trần Hưng Đạo với đường 42 m thuộc quy hoạch khu đô thị Liêm Chính (TP. Phủ Lý, Hà Nam). Dự án này cũng bị chỉ ra ký kết hình thức hợp đồng không phù hợp, sau đó các bên đã điều chỉnh lại hình thức hợp đồng.
Cũng theo KTNN, việc xác định lãi suất vốn vay còn sai sót, thiếu cơ sở. Điển hình như dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn và dự án công trình nút giao thông khác mức tại nút giao thông ngã ba Huế (TP. Đà Nẵng).
Dự án nút giao thông ngã ba Huế là điểm giao cắt quốc lộ 1A với tuyến đường chính đi vào trung tâm thành phố Đà Nẵng và tuyến đường sắt Bắc – Nam với tổng mức đầu tư 2.689 tỷ đồng, liên doanh giữa Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) và Công ty TNHH Ngã Ba Huế Trung Nam.
Trong khi đó dự án đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn là dự án có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 4.600 tỷ đồng do liên danh nhà đầu tư gồm Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại miền Trung, và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư xác định tổng vốn đầu tư trong phương án tài chính chưa hợp lý, một số chi phí lập cao so với thực tế và quy định; hoặc xác định tổng mức đầu tư không chính xác lập dự án, phê duyệt thiết kế dự toán của hầu hết các dựa án còn sai sót về khối; lượng, định mức đơn giá.
Điển hình là Dự án Đầu tư đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội (do Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư) với tổng mức đầu tư tạm tính không có căn cứ 36,79 tỷ đồng); Dự án xây dựng Khu công viên và Hồ điều hòa khu phía Bắc và phần mở rộng phía Nam nghĩa trang Mai Dịch (tổng mức đầu tư được duyệt cao hơn so với tổng dự toán được duyệt 51,71 tỷ đồng)...
Dự án Công viên – Hồ điều hòa phía Bắc và mở rộng khu phía Nam nghĩa trang Mai Dịch là dự án của Công ty Cổ phần Bất động sản Hồng Ngân với tổng vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng.
Có dự án BT việc xác định tổng mức đầu tư không chính xác. Điển hình là dự án tại nút giao thông ngã ba Huế (TP. Đà Nẵng); dự án đường Kỳ Đồng kéo dài (TP. Thái Bình); dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Dự án BT nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do nhà đầu tư liên danh Xí nghiệp Xây dựng tư nhân Phương Anh và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nam Bắc đề xuất.
Theo Thu Phương / Nhadautu.vn