Hàng triệu tỷ đồng giá trị bất động sản đang thế chấp tại ngân hàng

Lượng bất động sản được thế chấp tại Vietcombank tính đến 30/9/2021 đạt mức 1,119 triệu tỷ đồng, chiếm tới 73% tổng tài sản thế chấp.

Ông lớn ngân hàng "ôm nợ" bằng bất động sản

Tài sản bảo đảm tại các ngân hàng hiện nay rất đa dạng, từ bất động sản, động sản, tiền gửi, vàng, đá quý, giấy tờ có giá, phương tiện vận chuyển, máy móc thiết bị, hàng tồn kho,….Tuy nhiên, tài sản chủ yếu và phổ biến nhất vẫn là bất động sản.

Theo các chuyên gia tài chính, khối tài sản thế chấp, cầm cố là bất động sản đang ngày càng phình to ra ở nhiều ngân hàng, nhưng con số cụ thể thì rất khó đoán định vì phần lớn báo cáo tài chính của các ngân hàng đều không đưa ra con số chính xác, thậm chí là không đề cập đến thông tin này.

Cụ thể, tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021 tại một số ngân hàng quy mô vừa và lớn cho thấy, rất ít nhà băng đề cập tới số liệu về tài sản thế chấp, cầm cố.

Chẳng hạn ngân hàng Techcombank, tính đến 30/9/2021 lượng tài sản thế chấp tăng 17% so với đầu năm lên hơn 756.935 tỷ đồng. Trong đó, bất động sản thế chấp tại Techcombank có giá trị lớn nhất, hơn 458.510 tỷ đồng, tăng 21%, chiếm tới 61% tổng tài sản thế chấp. Ngoài ra, các loại tài sản thế chấp khác như máy móc thiết bị ghi nhận hơn 20.909 tỷ đồng; giấy tờ có giá khác giảm nhẹ 2% ở mức hơn 125.445 tỷ đồng và các tài sản đảm bảo khác tăng 37% lên hơn 151.070 tỷ đồng.

Lượng tài sản thế chấp tại Techcombank tăng 17% so với đầu năm lên hơn 756.935 tỷ đồng.  
Lượng tài sản thế chấp tại Techcombank tăng 17% so với đầu năm lên hơn 756.935 tỷ đồng.  
Tương tự, quán quân lợi nhuận Vietcombank cũng gây choáng với khối tài sản thế chấp, cầm cố. Tính đến 30/9/2021, tài sản thế chấp tại Vietcombank ở mức 1,535 triệu tỷ đồng. Đáng nói, giá trị bất động sản thế chấp ghi nhận hơn 1,119 triệu tỷ đồng, tăng 17% so với thời điểm đầu năm, chiếm tới 73% tổng tài sản thế chấp.

Các loại tài sản thế chấp khác lại giảm như tiền gửi ở mức hơn 103.981 tỷ đồng, giảm 16%;  giấy tờ có giá giảm 45% xuống còn hơn 51.451 tỷ đồng và tài sản thế chấp khác cũng giảm nhẹ 2% xuống còn hơn 260.372 tỷ đồng. Do đó, lượng tài sản thế chấp tại Vietcombank tăng chủ yếu do bất động sản.

Tài sản thế chấp là bất động sản tại Vietcombank ghi nhận hơn 1,119 triệu tỷ đồng tính đến 30/9/2021.  
Tài sản thế chấp là bất động sản tại Vietcombank ghi nhận hơn 1,119 triệu tỷ đồng tính đến 30/9/2021.  
Ngân hàng rao bán loạt bất động sản để thu hồi nợ sau mùa giãn cách

Bất động sản vẫn là loại hình tài sản thế chấp được ưa thích đối với các nhà băng. Tuy không có chi tiết về đối tượng thế chấp cũng như mục đích vay vốn của khối bất động sản thế chấp trên, song đối với thị trường bất động sản, hầu hết các dự án đều được “gửi” ở ngân hàng nhằm đảm bảo cho khoản vay xây dựng, đầu tư của chủ đầu tư.

Có một thực tế, khi tài sản thế chấp bằng bất động sản ngày càng tăng lên thì quá trình xử lý tài sản thế chấp bằng bất động sản lại đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, chất lượng tài sản của các ngân hàng ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.

Từ đầu năm đến nay, việc phát mãi các khối bất động sản giá trị lớn cũng không phải lúc nào cũng dễ dàng, thậm chí còn phải thẩm định, đấu giá liên tục.

Nguồn: Internet.    
Nguồn: Internet.    
Chẳng hạn tại Vietcombank, tháng 7/2021 từng rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Việt Trường Sơn lần thứ 8 với giá khởi điểm 22,8 tỷ. Được biết, tổng dư nợ của Công ty Việt Trường Sơn tại ngân hàng hiện nay là 33,4 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là 5 bất động sản tại TP.Đà Lạt và một bất động sản tại Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Trước đó đã bán đấu giá khoản nợ này liên tục từ tháng 10/2020, nhưng qua 7 lần rao bán và hạ giá, đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư tham gia. Trong lần rao bán đầu tiên, giá khởi điểm của khoản nợ lên tới 38,6 tỷ, cao hơn 70% so với giá khởi điểm hiện tại.

Sau khi nới lỏng giãn cách, từ cuối tháng 9 đến nay Vietcombank liên tục thông báo đấu giá nhiều khoản nợ, tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Trong đó, tài sản bảo đảm là bất động sản được rao bán nhiều nhất. Số lượng tài sản rao bán nhiều hơn hẳn các tháng trước đây.

Chẳng hạn, tháng 11/2021 Vietcombank từng phát mại tài sản bảo đảm khoản nợ của CTCP Phú Tường GSF bao gồm 2 nhà xưởng sản xuất với diện tích xây dựng từ 3.300 - 3.660 m2 nằm tại xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Cùng với đó là dây chuyền máy sạch, tuyển chọn và phân loại ngũ cốc, hệ thống máy móc thiết bị phụ trợ khác phục vụ cho hoạt động của phòng hóa nghiệm và kiểm định chất lượng sản phẩm. Giá khởi điểm của toàn bộ lô tài sản bảo đảm này là hơn 24,5 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm của Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Cỏ Ngọc tại Vietcombank là thửa đất 68,5 m2 nằm tại số 46/2 Đường Trần Quang Diệu, Phường 13, Quận 3, TP HCM cũng được rao bán với giá khởi điểm là hơn 8,5 tỷ đồng. Vietcombank cũng rao bán hai tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và nhà ở của hai cá nhân khác với giá khởi điểm là 12 tỷ và 13,5 tỷ đồng;…

Báo cáo tài chính quý 3/2021 của Vietcombank cho thấy mặc dù dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm mới tăng 11,5%, nhưng dư nợ xấu đã tăng mạnh 108%, qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu nhảy vọt từ 0,62% lên 1,16%. Bên cạnh đó, các khoản phải thu của Vietcombank tính đến 30/9 cũng đã tăng gần 77% lên 11.781 tỷ đồng.

Các chuyên gia của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, có thể Vietcombank sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu trong quý 4 để đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 1% như kế hoạch. Và thực thế nhà băng này đã có hàng loạt động thái tích cực rao bán tài sản bảo đảm từ đầu tháng 10 đến nay.

Ngân hàng Nhà nước đánh giá lĩnh vực bất động sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, do đó trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát chặt chẽ hoạt động cũng như đầu tư, giám sát chặt chẽ dòng tiền chảy vào bất động sản.

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ