Hoang vu những dự án 'bán nhà trên giấy' giữa Sài Gòn
Không cơ sở hạ tầng, chưa hoàn thành xong phần móng, pháp lý chưa rõ ràng, nhiều dự án bất động sản tại Sài Gòn đã được chủ đầu tư quảng cáo rao bán rầm rộ, huy động vốn bằng dưới những chiêu bài “bán nhà trên giấy".
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản 2991/BXD-QLN gửi 11 tỉnh, thành phố (bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TPHCM, TP. Cần Thơ, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Đà Nẵng, Khánh Hòa và Thừa Thiên Huế) về việc báo cáo về tình hình thực hiện bảo lãnh trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản.
Trong đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai của dự án gồm: tên ngân hàng cam kết bảo lãnh; hợp đồng/cam kết cấp bảo lãnh của ngân hàng; số lượng chứng thư bảo lãnh đã phát hành đối với từng hợp đồng.
Theo Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định, chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng.
Tuy nhiên, dù đã được áp dụng bằng luật nhưng nhiều chủ đầu tư cho rằng, việc bảo lãnh này sẽ tăng chi phí mà người mua phải trả nên nhiều dự án vẫn còn chưa thực hiện quy định này và "hững hờ" với luật.
Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi cũng cho phép người mua chuyển nhượng hợp đồng mua, bán nhà hình thành trong tương lai khi chưa có nhà hoặc khi chủ đầu tư đã bàn giao nhà mà chưa làm giấy ủy quyền nhà cho người mua. Dù vậy, không ít chuyên gia cho rằng, quy định trên nếu không tính toán kỹ thì khách hàng sẽ là người gánh chịu nhiều rủi ro.
Thực tế, phương thức "mua bán nhà ở được hình thành trong tương lai" mà thị trường hay gọi là "mua bán nhà trên giấy" đã từng để lại trái đắng cho không ít người mua nhà. Cho đến nay, nhiều dự án sau bao năm vẫn "đắp chiếu", người mua nhà thì "tiền mất tật mang".
Rao bán rầm rộ khi chưa đủ điều kiện mở bán nhà ở hình thành trong tương lai, Dự án nhà phố Phú Gia Compound tại số 126 đường Ông Ích Khiêm (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) được cho là 1 trong 9 dự án và 31 nhà công sản liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (còn gọi Vũ 'nhôm') tại thành phố Đà Nẵng đã bị Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng tuýt còi.
Dù vậy, dự án kiểu Vũ 'nhôm' này cũng đang xuất hiện nhiều nơi ở Sài Gòn.
Akari City - Nam Long
Tháng 4/2018, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) đã ký hợp tác với hai nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản là Hankyu Hanshin Properties Corp và Nishi Nippon Railroad để triển khai dự án Thành phố Ánh sáng Akari City
Theo đó, hai nhà đầu tư Nhật Bản nói trên và Nam Long cùng góp vốn theo tỷ lệ 50% - 50% để thực hiện dự án Khu đô thị Akari với tổng vốn đầu tư 7.676 tỷ đồng.
Dự án Khu đô thị Akari City toạ lạc tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, được xây dựng trên khu đất rộng 8,5ha với 4.600 căn hộ, tổng diện tích sàn lên tới 539.000m2.
Đúng 5 tháng sau, đến ngày 20/9/2018, Nam Long và đối tác Nhật chính thức động thổ dự án chung cư Akari City. Tuy nhiên, cũng trong tháng 9, Công ty Cổ phần Nam Long đã chính thức chào bán và nhận giữ chỗ căn hộ Akari City giai đoạn 1. Giai đoạn 1 khu đô thị Akari Nam Long công bố ra thị trường 1800 căn hộ.
Dự án Akari City mới chỉ được dựng rào chắn.
Trước lễ động thổ, Nam Long đã công bố việc chào bán căn hộ Akari City và nhận giữ chỗ đầu từ đầu tháng 9 (lúc bắt đầu khai trương nhà mẫu ).
Mặc dù chưa hội đủ các điều kiện về pháp lý và thực tế xây dựng, nhưng chủ đầu tư đã ồ ạt mở bán, nhận cọc từ khách hàng lên đến hàng trăm triệu đồng.
Trong bảng dự kiến đóng tiền theo tiến độ của dự án Akari City, khách hàng từ khi đặt cọc giữ chỗ đến khi có hợp đồng mua bán phải đóng đến 30% và phải chịu đợi chờ đến 9 tháng mới ra được hợp đồng mua bán.
Trong khi đó, thực tế tại công trường của dự án này vẫn còn là mảnh đất trống mới được rào chắn, mới được động thổ, và chưa biết đến khi nào mới thi công.
Bên trong dự án Akari City vẫn còn đầm lầy, những ngôi mộ, cỏ mọc um tùm.
Dự án The Pagasuite 2 - Bất động sản Phú Gia
Dự án căn hộ The Pegasuite 2, (số 1079 đường Tạ Quang Bửu, phường 6, quận 8, TP.HCM) do Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Phú Gia (Công ty Phú Gia) làm chủ đầu tư và Công ty Phương Việt (PV Invest) làm đơn vị phát triển. Dự án được Ngân hàng Bảo Việt (BaoViet Bank) tài trợ.
Dự án được giới thiệu có quy mô 3.919 m2, tổng diện tích sàn hơn 333 ngàn m2, có 361 căn hộ, dự kiến khởi công vào tháng 10/2018 và bàn giao vào cho khách hàng vào quý II/2019.
Phối cảnh dự án The Pegasuite 2 sau khi hình thành.
Chủ đầu tư đã chính thức mở bán, nhận giữ chỗ căn hộ dự án này từ tháng 5/2018. Dù vậy, đế nay, dự án vẫn chưa được khởi công. Khu vực xung quanh dự án là những căn nhà lụp xụp, hạ tầng, đường sá chưa được đầu tư phát triển.
Dự án Pagasuite 2 vẫn chưa đủ điều kiện khởi công.
Bên trong dự án chỉ là một bãi đất sình lầy, bên ngoài đầy bụi bặm và rác.
Hiện trạng dự án Pagasuite 2 là bãi đất trống với các vũng nước tù đọng, tràn ngập rác thải.
Centa Park - liên doanh chủ đầu tư Seaprodex Saigon và Công ty CP Thanh Niên
Mặc dù được chấp thuận đầu tư từ năm 2014 và nhận tiền đặt cọc, rao bán rầm rộ từ năm 2016, nhưng cho đến nay, dự án khu phức hợp Centa Park tại số 678 Âu Cơ (phường 14, quận Tân Bình, TPHCM) vẫn nằm "đắp chiếu".
Khu đất thực hiện Dự án Centa Park trước đây vốn là nhà kho của Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Saigon, mã CK: SSN). Khu đất có vị trí “vàng” tại quận Tân Bình khi sở hữu tới 4 mặt tiền đường Âu Cơ – Hồng Lạc – Bàu Cát 8 - Đồng Đen và có diện tích lên tới 22.000m2.
Nắm trong tay khu đất có vị trí đắc địa, Seaprodex Saigon đã bắt tay với công ty tư nhân là Công ty Cổ phần Thanh Niên hợp tác đầu tư Dự án Khu phức hợp 678 Âu Cơ tại khu đất trên (sau được chủ đầu tư lấy tên thương mại là Centa Park).
Dự án Centa Park là dự án nằm tại vị trí “vàng” của quận Tân Bình với 4 mặt tiền, được vây lại bằng hàng rào tôn và không có người làm việc bên trong
Năm 2014, Dự án Centa Park được nhiều đơn vị môi giới quảng cáo rầm rộ ra thị trường nhằm thu hút khách hàng mua căn hộ tại đây.
Tuy nhiên, dự án đã dừng thi công ngay từ khi mở bán bởi năm 2016 chủ đầu tư là Công ty Seaprodex Saigon mới được UBND TPHCM chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 4217.
Cho đến đầu tháng 5/2017, chủ đầu tư vẫn chưa chuyển mục đích sử dụng đất. Điều này có nghĩa khu đất này vẫn chưa phải là đất ở, chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, chưa được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng…
Theo thuyết minh báo cáo tài chính của Công ty Seaprodex Saigon cho thấy, số tiền đặt cọc mua căn hộ ở Centa Park cuối năm 2016 là 96,4 tỷ đồng; cuối 2017 số đặt cọc giảm xuống còn 86,67 tỷ đồng; đến cuối tháng 6/2018 là 63,3 tỷ đồng. Còn thuyết minh báo cáo tài chính mới nhất của công ty này ngày 30/9/2018 cho thấy, số tiền đơn vị này còn giữ của khách hàng là hơn 55,6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Nhân Kiệt (đại diện sở hữu cho Công ty Cổ phần Đầu tư Thanh Niên) trở thành cổ đông lớn nhất của SSN với tỷ lệ nắm giữ 51,01% vào năm 2015.
Năm 2016, SSN tiếp tục ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ xây dựng (Traseco) về việc hợp tác đầu tư dự án Centa Park. Theo đó, Công ty sẽ góp bằng quyền đầu tư dự án và các hạng mục công trình với giá tạm tính là 500 tỷ đồng, Traseco góp tiền 500 tỷ đồng. Tên dự án cũng được đổi thành Palacio Garden. Tuy nhiên, dự án vẫn được vây lại bằng hàng rào tôn và không có người làm việc bên trong.
Theo ANH MAI/ Nhà đầu tư