HoREA: Quy định thu nhập mua nhà ở xã hội còn nhiều bất cập

Theo HoREA, nhiều nhóm đối tượng không phải thu nhập thấp theo quy định hiện tại, nhưng cũng không đủ tài chính để mua nhà ở phân khúc cao hơn.

Theo Chủ tịch HoREA, đã đến lúc điều chỉnh và phân cấp lại đối tượng mua nhà ở xã hội, đồng thời nới một số điều kiện về thu nhập, cư trú để người có nhu cầu dễ tiếp cận.  
Theo Chủ tịch HoREA, đã đến lúc điều chỉnh và phân cấp lại đối tượng mua nhà ở xã hội, đồng thời nới một số điều kiện về thu nhập, cư trú để người có nhu cầu dễ tiếp cận.  

Theo quy định trong Luật Nhà ở 2014, người được mua nhà ở xã hội gồm: người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo, cận nghèo ở nông thôn và đô thị; người thu nhập thấp tại đô thị; lao động tại khu công nghiệp; sĩ quan, quân nhân, công nhân thuộc đơn vị công an, quân đội; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất mà chưa được bồi thường.

Một trong những điều kiện quan trọng để trở thành người thu nhập thấp ở các thành phố lớn là mọi thành viên trong gia đình thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, tức không quá 11 triệu đồng một tháng.

Theo khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) về nhu cầu nhà ở, tính chung cho cả nước, 57% người lao động tham gia khảo sát muốn mua nhà, trong đó tỷ lệ người lao động muốn mua nhà ở xã hội và mua nhà không thuộc diện nhà ở xã hội gần như tương đương nhau, tương ứng là 28% so với 29%.

Nhu cầu về nhà ở xã hội theo đó, cao gấp hơn 1,5 lần so với tỷ lệ người lao động hiện đang ở nhà ở xã hội (18%). Điều này cho thấy chủ trương phát triển 1 triệu nhà ở xã hội mà Chính phủ đang chỉ đạo trọng tâm là chủ trương được xã hội nói chung và người lao động hết sức đón nhận.

Nhưng thực tế cho thấy còn không ít khó khăn khi mua nhà ở xã hội và “điều kiện để được mua nhà ở xã hội hiện là rào cản lớn nhất với 39% người lao động tham gia khảo sát có cùng nhận định này.

Có 3 khó khăn lớn khác ở góc nhìn của người lao động là: Thiếu tài chính sẵn có cho khoản đóng góp ban đầu (33%); khó cạnh tranh suất mua (32%); hồ sơ giấy tờ chứng minh phức tạp (27%).

Theo đó, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân kiến nghị, để đạt hiệu quả trong thực tế triển khai, giúp phần đông người lao động tiếp cận được với nhà ở xã hội, cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh tên chương trình/đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" thành “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở cho người lao động thuộc diện thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, đi liền với việc giảm mạnh lãi suất cho vay và áp dụng cho tất cả đối tượng người lao động mua nhà ở trong chương trình.

Theo Ban IV, thay vì chỉ những người thuộc diện “đối tượng chính sách xã hội” mới được tiếp cận vay với lãi suất thấp tại các ngân hàng chính sách xã hội nên áp dụng cho tất cả đối tượng người lao động mua nhà ở trong chương trình.

“Hiện nay đối tượng công nhân khu công nghiệp muốn mua nhà ở xã hội hầu hết phải vay với lãi suất thông thường của ngân hàng thương mại và đây là bài toán rất thách thức với số đông người lao động vì số tiền trả lãi, trả gốc hàng tháng thậm chí vượt quá 50% thu nhập của công nhân”, Ban IV nêu thực tế.

Ngoài ra, theo Ban IV, Nhà nước có thể xem xét các cơ chế để doanh nghiệp tham gia tín chấp, bảo lãnh cho người lao động trong quá trình vay mua/thuê nhà ở xã hội so với quy trình xét duyệt phức tạp theo diện “đối tượng chính sách” như hiện nay để chủ trương phát triển nhà ở xã hội đi vào thực tiễn….

Theo đó, doanh nghiệp có thể phát huy nhiều hơn trong câu chuyện mua nhà ở xã hội của người lao động, không chỉ xác nhận thu nhập mà còn có thể thay mặt người lao động trả khoản tiền gốc và lãi hàng tháng tương tự cách doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hiện nay.

Đồng thời, một số doanh nghiệp còn có thể bổ sung thêm cơ chế “hỗ trợ một phần tiền” để thực hành chính sách chăm lo đời sống cán bộ nhân viên, giữ chân người lao động, cộng hợp với nỗ lực của Chính phủ trong Đề án quan trọng này.

Để thực hiện được các dự án nhà ở cho công nhân, Ban IV đề xuất cần nghiên cứu, đánh giá nhu cầu nhà ở cho người lao động theo từng địa phương và ưu tiên các địa phương tập trung đông công nhân, người lao động để phân bổ chỉ tiêu phát triển dự án hợp lý, đi kèm với các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù nếu cần.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), quy định thu nhập mua nhà ở xã hội còn nhiều bất cập. Nhiều nhóm đối tượng không phải thu nhập thấp theo quy định hiện tại, nhưng cũng không đủ tài chính để mua nhà ở phân khúc cao hơn.

“Đã đến lúc điều chỉnh và phân cấp lại đối tượng mua nhà ở xã hội, đồng thời nới một số điều kiện về thu nhập, cư trú để người có nhu cầu dễ tiếp cận”, ông Châu nói.

Bộ Xây dựng thông tin, hiện nay, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đã được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6, theo đó tại Điều 73 dự thảo Luật, ngoài những đối tượng đang được quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 đã bổ sung thêm 1 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội: doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu công nghiệp thuê nhà lưu trú công nhân.

Hiện Chính phủ vẫn đang tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong số đó có việc hoàn thiện đề xuất sửa đổi các chính sách liên quan đến quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua, bán; xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội...

Các nội dung này nhằm khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và đảm bảo giá nhà ở xã hội ở mức vừa phải để cán bộ, công nhân, người lao động có thu nhập thấp có điều kiện mua nhà ở, ổn định cuộc sống.

Minh Vân

Theo Chất lượng và Cuộc sống