'Kẹt dòng tiền có thể loại nhiều doanh nghiệp ra khỏi thị trường'
Trao đổi với, VietnamFinance, Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Hoàng Hiệp cảnh báo: Chi phí đầu vào tăng cao, chi phí tài chính gia tăng, nợ đọng và nhất là vấn đề “kẹt” dòng tiền có thể loại nhiều doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực ra khỏi thị trường trong thời gian tới.
Ông Đặng Tất Thắng kể lần thăm cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: 'Chờ anh ra nhé'
PV: Chuẩn bị bước vào năm 2023, theo nhận định của nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia, tình hình kinh tế Việt Nam hiện có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, là tín hiệu tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng sẽ nhiều thách thức, khó khăn trong thời gian tới. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
TS. Nguyễn Hoàng Hiệp: Như dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 dự kiến trên 7.5%, như vậy khả năng vượt mục tiêu kế hoạch được Quốc hội quyết nghị là 6-6,5% và Chính phủ phấn đấu là 6,5% là rất khả thi. Điều này chứng tỏ nền kinh tế đang phục hồi khá tốt.
Mặt khác, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s, sau 4 năm, đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, trở thành quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia hiếm hoi trên toàn thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Đây là sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực duy trì tăng trưởng của Việt Nam, một động thái có thể nói là rất tích cực.
Trong 10 tháng năm 2022 chỉ số IIP của Việt Nam đạt 9% tương đương năm 2019 và tỷ số nợ tín dụng trên vốn ở mức cao 1,7 cũng cho thấy hoạt động các doanh nghiệp đang phục hồi và mở rộng sản xuất.
Doanh nghiệp đang thích ứng tốt với tình hình mới, số lượng doanh nghiệp mới tăng cao khi cả nước có 125,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, có tổng số vốn đăng ký gần 1.379,2 nghìn tỷ đồng, tăng 34,3% về số doanh nghiệp, tăng 5,7% về vốn đăng ký và tăng 18% về số lao động so với cùng kỳ 2021.
Tuy nhiên trong bối cảnh lạm phát thế giới đang gia tăng và Việt Nam là nước có độ mở nền kinh tế cao, chắc chắn sẽ có nhiều thách thức cho kinh tế nước ta trong giai đoạn từ năm 2023 trở đi.
- Như vậy, kinh tế năm 2023 sẽ có khó khăn do yếu tố lạm phát trên toàn cầu. Theo ông, điều này sẽ tác động như thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp nào sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất?
Xung đột Nga – Ukraine tiếp tục chưa có lối ra, Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách Zero Covid và chia rẽ nội bộ trong lòng nước Mỹ có thể dẫn đến gia tăng lạm phát, nguy cơ đi vào suy thoái kinh tế là những yếu tố vĩ mô chính.
Xung đột Nga – Ukraine tiếp tục kéo dài là một trong những nguyên nhân đẩy giá năng lượng gia tăng trong thời gian qua và có xu hướng tăng mạnh khi mùa Đông đang đến gần; chính sách của Trung Quốc hiện nay góp phần gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; và các quyết sách của tổng thống Biden có thể bị hạn chế bởi Hạ viện Mỹ khi đảng Cộng hòa giành chiến thắng tại cuộc bầu cử giữ kỳ vừa qua, có khả năng gián đoạn kế hoạch kiềm chế lạm phát kinh tế Mỹ, ảnh hưởng đến toàn thế giới vì đa số các nước sử dụng dự trữ quốc gia bằng USD.
Việt Nam cũng trong xu thế bị ảnh hưởng tiêu cực khi khả năng giải cứu tỷ giá từ nguồn dự trữ ngoại hối sẽ dần hạn hẹp trong tương lai.
NHNN đã rất nỗ lực trong thời gian qua khi kiềm chế khá tốt lạm phát thông qua chính sách tiền tệ linh hoạt. Tuy nhiên, điều này cũng không hỗ trợ được cho một số lĩnh vực, ví dụ như bất động sản đang phải “tự cứu” dù dòng tiền của lĩnh vực này rất lớn trong nền kinh tế. Từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp phụ thuộc vào địa ốc như: thi công xây dựng, vật liệu xây dựng, thiết bị cơ điện công trình, trang trí nội ngoại thất…
Chi phí đầu vào tăng cao, chi phí tài chính gia tăng, nợ đọng và nhất là vấn đề “kẹt” dòng tiền có thể “loại” nhiều doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực ra khỏi thị trường trong thời gian tới.
Chính vì lẽ đó, các doanh nghiệp nghiệp có quy mô nhỏ, vốn ít thì rất dễ “tổn thương”, khả năng “cầm cự” trên thị trường là rất hạn hẹp. Điều tôi muốn nói đến chính là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), là đối tượng chiếm số đông sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
- Vậy đâu là vấn đề “cấp bách” cho đối tượng này khi trước khi bước vào năm 2023?
Các doanh nghiệp đều cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh; tình trạng thiếu hụt lao động trong một số ngành, địa phương và tăng mức lương tối thiểu vùng cũng tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp; hay biến động tỷ giá và đứt gãy chuỗi cung ứng khiến doanh nghiệp ảnh hưởng.
Và như đã nói ở trên, doanh nghiệp SME có khả năng chịu đựng rất hạn chế. Trong bối cảnh biến động như vậy, vốn sẽ là động lực chính để doanh nghiệp SME trụ vững. Tuy nhiên, hiện khả thi nhất là vốn tín dụng thì SME đang ‘vướng’, con số dư nợ của đối tượng này chỉ chiếm khoảng hơn 20% trong tổng dư nợ của toàn ngành kinh tế đã ghi nhận điều này.
Báo cáo “Cập nhật đánh giá quốc gia 2021” của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy các doanh nghiệp SME Việt Nam gặp khó khăn trong tiếp cận tài chính thuộc nhóm cao nhất trong khu vực. Cho nên rất cần thêm các chính sách về cơ chế mang tính đặc thù, chính sách tài chính, tài khóa, nguồn vốn tín dụng ưu đãi… để doanh nghiệp SME duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo tôi được biết, vừa qua, NHNN đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng về tăng trưởng tín dụng năm 2022. Theo đó, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 11,5%, so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định năm 2022 khoảng 14%, vẫn còn dư địa để các tổ chức tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp góp phần hỗ trợ kinh tế. Việc tiếp tục giải ngân tín dụng vào các tổ chức kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là doanh nghiệp SME là hết sức cần thiết.
Vừa qua, các tổ chức tín dụng cũng được phép nới room 2% cho các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tuy nhiên với doanh nghiệp SME như thế là chưa đủ, cần thêm các hỗ trợ khác như: hỗ trợ lãi suất, nới lỏng tín dụng riêng cho doanh nghiệp SME… Nguyên do, khối này đóng góp khoảng 45% GDP và 31% vào tổng số thu ngân sách. Ngoài ra, đây cũng là nơi sử dụng lên đến 70% lực lượng lao động nên ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động, giải quyết an sinh xã hội là yêu cầu “cấp bách” hiện nay.
Có thể nói, giải quyết vấn đề vốn, nhất là vốn vay là yếu tố then chốt để doanh nghiệp SME vượt qua biến động được dự báo khó lường trong năm 2023. Vì vậy, ngoài sự chủ động ứng phó của doanh nghiệp SME trong chiến lược kinh doanh cũng rất cần những giải pháp và chính sách tháo gỡ hơn nữa từ cơ quan chức năng, tổ chức tín dụng để doanh nghiệp SME “vượt khó”.
- Xin cảm ơn sự chia sẻ của ông.