Khánh Hòa: Dấu hiệu trốn thuế trong giao dịch bất động sản ở Cam Lâm
Huyện Cam Lâm tỉnh Khánh Hoà là địa phương được các nhà đầu tư quan tâm trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển là tình trạng phân lô bán nền trái phép khiến quy hoạch nơi đây bị phá vỡ.
Tràn lan phân lô bán nền trái phép
Thời gian gần đây, trên một số nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok và các trang thương mại điện tử xuất hiện nhiều thông tin chào bán, quảng cáo về các dự án bất động sản (BĐS) đất nền như: Cam Lâm Central Park, Suối Tân Diamond, Cam Lâm Future City, Cam Lâm Sky Lake, Cam Lâm Golden Hill (Meha Group) tại huyện Cam Lâm. Tuy nhiên, trên thực tế, các dự án nói trên chỉ là những lô đất có diện tích lớn được các sàn môi giới tự ý "vẽ" ra trên bản đồ phân lô chi tiết với hàng chục nền đất riêng lẻ. Ngoài ra, để thu hút khách hàng, các công ty phân phối còn đặt tên cho những khu đất là "dự án" với những tên gọi mỹ miều.
Trước tình trạng loạn thông tin về pháp lý của các dự án, trả lời báo chí, lãnh đạo huyện Cam Lâm khẳng định trên địa bàn không có dự án Cam Lâm Sky Lake, Cam Lâm Central Park…, đây là các dự án tự phân lô bán nền.
Nói đến việc tự ý phân lô, bán nền phải kể đến khu đất ven đầm Thủy Triều thuộc các xã Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc, các khu đất này trước đây là đìa nuôi tôm rộng hàng ngàn mét vuông nhưng nay đã bị các chủ đất tự ýsan lấp mặt bằng, cắm cọc và mở đường đấu nối hạ tầng để phân lô, tách thửa. Mỗi lô có diện tích khoảng 80 đến 100m2. Sau khi hoàn tất việc san lấp, phân lô, chủ đất thoả thuận với các sàn môi giới bất động sản rao bán rầm rộ.
Mới đây nhất, sàn giao dịch bất động sản New City (TP Nha Trang) chào bán khu đất của bà Trần Thị Phương Hà (thửa 271, tờ bản đồ 22, xã Cam Hải Tây). Sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất ở, bà Hà đã tách ra 74 lô đất nền rồi chào bán ra thị trường.Đáng nói, chủ lô đất này đã ngang nhiên đấu nối đường từ 74 lô đất ra tuyến đường quốc lộ 1A, bất chấp mọi quy định pháp luật. Thông thường, việc đấu nối đường ra Quốc lộ phải được sự cho phép bằng văn bản của Cục Quản lý đường bộ (trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải).
Điều đáng nói, xã Cam Hải Tây hiện nay đang nóng bởi một số khu đất phân lô bán nền của nhóm chủ đất có tên Lương Công Danh, Lê Văn Trung, Nguyễn Thành Lê tại thửa 772, 774, 779… Các thửa đất này sau nhiều lần “phù phép” đã được chia thành 64 lô và được các sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội như Mai Việt Land (219 Trung Kính), Cen Housing chào bán.
Theo quan sát của phóng viên, những khách hàng có nhu cầu mua đất thì được các nhân viên bán hàng tư vấn và hướng dẫn thanh toán. Các nhân viên này cung cấp số tài khoản để khách hàng chuyển tiền. Tuy nhiên, số tiền thanh toán lại được chuyển vào tài khoản cá nhân mang tên Trịnh Tuấn Đạt (Đống Đa, Hà Nội). Khi khách hàng thắc mắc sao lại chuyển tiền vào tài khoản cá nhân thì được sale trả lời là ôngTrịnh Tuấn Đạt mới là “ông chủ” thật sự của 64 lô đất trên. Còn những người đang đứng tên trên sổ đất chỉ là chủ “hờ”.
Trường hợp khác là khu đất của ông Nguyễn Thuyên Nguyên (ngụ tại xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm) và ông Lê Văn Hòa (ngụ tại huyện Thường Tín, Hà Nội) là chủ củathửa đất số 82, tờ bản đồ số 29 có diện tích 2720,5m2; thửa đất số 253, tờ bản đồ 29 có diện tích 1654,8m2, hai lô đất này đã được“phù phép” thành 33 nền.
Hai chủ đất này uỷ quyền cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Năm Châu (quận Hoàng Mai, Hà Nội, ông Nguyễn Đoàn Việt làm Tổng Giám đốc) “chạy” thủ tục để “vẽ” ra 33 nền. Tập đoàn Năm Châu được quyền ký kết các hợp đồng bán sản phẩm cho khách hàng.
Khi “hợp thức hoá” được việc phân lô, Tập đoàn Năm Châu lại ký kết hợp đồng cho Công ty Cổ phần Imperland (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, ông Đỗ Trọng Kiên làm Tổng Giám đốc) triển khai bán hàng. Sau đó, Công ty Cổ phần Imperland mời thêm Công ty Cổ phần Thương mại Địa ốc Hưng Thịnh Holdings (huyện Hoài Đức, Hà Nội, do ông Trần Xuân Phong làm Tổng Giám đốc) tìm kiếm nhà đầu tư, khách hàng.
Điều đáng nói ở đây, toàn bộ 33 nền đất nêu trên được cán bộ huyện Cam Lâm “hợp thức hoá” ngay trong thời điểm UBND tỉnh Khánh Hoà chỉ đạo thanh kiểm tra. Sổ hồng 33 nền này được đích thân ông Nguyễn Tấn Đạt - Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Cam Lâm cấp ngày 16/9/2021. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng cơ quan chức năng huyện Cam Lâm không quản lý chặt khi để tình trạng phân lô, bán nền diễn ra trong suốt thời gian dài?.
Theo tài liệu phóng viên có được, một số sàn môi giới có dấu hiệu trốn thuế. Các khách hàng mua các nền đất sẽ trả bằng tiền mặt hoặc chuyển tiền vào tài khoản cá nhân mang tên ông Đỗ Trọng Kiên (ông Kiên cũng là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Imperland).
Thanh tra “thủ phủ” phân lô bán nền Cam Lâm
Trước thực trang loạn phân lô bán nền trên địa bàn huyện Cam Lâm, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc. Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa lập đoàn kiểm tra vào tháng 8/2021 về việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực đất đai tại huyện Cam Lâm.
Theo hồ sơ kế hoạch sử dụng đất năm 2021 tại huyện Cam Lâm đối với chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân là 13,97 ha, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Cam Thành Bắc (3,57 ha), Cam Hải Tây (3,4 ha) và thị trấn Cam Đức (3 ha).
Mới đây Kiểm toán Nhà nước đã nêu ra hàng loạt vấn đề và yêu cầu kiểm điểm nhiều cán bộ, trong đó việcUBND huyện Cam Lâm đã cho phép sử dụng một phần đất nông nghiệp làm giao thông là không đúng mục đích sử dụng đất, trái quy định pháp luật tại các lô đất có diện tích lớn tại một số khu vực.
Vấn đề phân lô bán nền tại Khánh Hòa cũng đã bị Chính phủ nhắc nhở và cử đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực đất đai của địa phương. Tuy nhiên, hiện chưa có kết luận chính thức nên địa phương chưa thể tiến hành xử lý các vi phạm trên.