Khôi phục niềm tin cho TPDN: Giải toả nỗi sợ 'bị mờ thông tin' đang đe doạ thị trường
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, nếu chúng ta biết chúng ta sợ gì thì sẽ bớt sợ, nhưng nỗi sợ rất lớn với thị trường lúc này là chúng ta bị mờ thông tin, đặc biệt là với nhà đầu tư cá nhân.
Trao đổi với VietnamFinance,TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá (Bộ Tài chính) nói, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là kênh huy động vốn trụ cột cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang phụ thuộc lớn vào vốn tín dụng ngân hàng, có thể gây ra những rủi ro hệ thống nếu như các kênh dẫn vốn không phát triển đồng đều. Đó là xu thế chung xuất phát từ nhu cầu tạo lập nguồn vốn dành cho phát triển kinh tế xã hội mà chắc chắn thời gian tới chúng ta cần tập trung phát triển.
Tuy nhiên, ông Ánh nhấn mạnh, cái chúng ta cần là phát triển một thị trường trái phiếu doanh nghiệp ổn định, bền vững, không chỉ giúp cho vấn đề huy động vốn, tạo lập kênh đầu tư, mà còn đóng góp cho sự phát triển bền vững trong cả hệ thống tài chính của nền kinh tế.
- Ông bình luận gì khi mà thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp rơi vào trầm lắng. Không những thế, làn sóng rút trước hạn trái phiếu bất chấp doanh nghiệp tốt hay xấu đang lan sang cả các quỹ đầu tư, quỹ mở trái phiếu?
Đó là một câu chuyện không vui khi chúng ta nhắc tới trong ngày đầu năm nhưng nó lại là một thực tế đáng quan tâm. Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp thường dựa trên uy tín và niềm tin, song thời gian qua, phần nào do sự buông lỏng quản lý nên chưa thể đảm bảo uy tín đối với nhà phát hành khiến niềm tin của nhà đầu tư đổ vỡ.
Thị trường tài chính nói chung có tính liên thông cao, việc đóng băng của giao dịch tại doanh nghiệp này sẽ lan sang doanh nghiệp khác, tại một phân khúc này sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới các phân khúc khác, thậm chí là các thị trường khác. Nếu phần đông nhà đầu tư thiếu thông tin để phân biệt được chất lượng trái phiếu sẽ làm cho ảnh hưởng tiêu cực dây chuyền lan rộng với tốc độ nhanh hơn. Vấn đề của giai đoạn hiện nay là giải quyết bài toán “niềm tin” dành cho thị trường.
Điều này hoàn toàn không dễ bởi cần phải hiểu tâm lý là yếu tố rất quan trọng trên thị trường tài chính. Mặc dù muốn nâng cao trình độ nhà đầu tư, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng đủ tỉnh táo để phân biệt độ tin cậy của hàng hóa là trái phiếu. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp là một kênh đầu tư, không phải kênh tiết kiệm.
Việc không phân biệt rõ vấn đề này dẫn đến không ít nhà đầu tư đang ứng xử với trái phiếu doanh nghiệp tương tự như khoản tiết kiệm giống ngân hàng. Họ hoàn toàn không hiểu rằng nếu là kênh đầu tư, sẽ có mức độ rủi ro nhất định và để hạn chế rủi ro đòi hỏi nhà đầu tư phải tự mình tìm hiểu thông tin, tự chịu trách nhiệm.
- Theo ông giải pháp nào để xây dựng lộ trình củng cố niềm tin cho thị trường nhằm phát triển bền vững và cũng để đến năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP?
Để khôi phục niềm tin bền vững cho nhà đầu tư, cần nhiều biện pháp hơn nữa đến từ cơ quan quản lý. Cần tạo quỹ để xử lý các vấn đề trước mắt liên quan đến thị trường trái phiếu nhằm để giữ vững ổn định thị trường trước các biến cố. Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ mối quan hệ phát hành giữa các công ty mẹ, công ty con. Nghị định 65 đã ban hành có xu hướng siết chặt hơn đối với việc phát hành, phân phối trung gian cũng như cả nhà đầu tư, tuy có ý nghĩa nhiều trong trung và dài hạn nhưng sẽ gây khó khăn cho thị trường trong việc giải quyết các vấn đề ngắn hạn như đáo hạn trái phiếu hay rút trái phiếu trước hạn. Do đó, các giải pháp cấp thiết là vô cùng quan trọng.
Đối với làn sóng rút trái phiếu trước hạn, cần bình tĩnh, phân tích, đánh giá thông tin trước những tin đồn tiêu cực. Nếu như các nhà đầu tư hành xử theo đám đông sẽ ảnh hưởng đến uy tín của các nhà phát hành, các nhà phân phối. Vô hình trung, tình hình bị đẩy lên khi chưa thực sự căng thẳng và gây thiệt hại cho tất cả các bên tham gia vào thị trường. Lúc này, trách nhiệm xử lý khủng hoảng của cơ quan quản lý rất quan trọng.
Thực tế 20 năm qua, có những trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước đã đứng ra để ngăn chặn những tác động tiêu cực từ các tin đồn có thể gây ảnh hưởng đến tính thanh khoản của ngân hàng. Đã đến lúc, chúng ta phải có các cơ quan tương tự như khu vực ngân hàng để xử lý việc xếp hàng rút trái phiếu trước hạn. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống pháp lý chặt chẽ, tạo cơ sở củng cố niềm tin và ứng phó với những rủi ro do hiệu ứng tâm lý đám đông mà các nhà đầu tư phải đối mặt trong quá trình đầu tư.
Nếu chúng ta biết chúng ta sợ gì thì sẽ bớt sợ, nhưng nỗi sợ rất lớn với thị trường lúc này là chúng ta bị mờ thông tin, đặc biệt là với nhà đầu tư cá nhân. Hiện tại, nỗi sợ vô hình rất lớn dù thị trường vẫn có trái phiếu tốt. Do đó, cần phải có những nhóm nghiên cứu và đặt lại tất cả những trái phiếu đang có trên thị trường xem trái phiếu nào rủi ro, trái phiếu nào không có rủi ro, sau đó đưa ra những trái phiếu cần lưu ý để định hình rủi ro.
Măt khác nhà đầu tư có thể kết hợp thông tin tự thu thập với thông tin từ các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp, để lựa chọn danh mục phù hợp với khẩu vị đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm đến những cổ phiếu công khai minh bạch thông tin. Hoặc, có thể chuyển sang đầu tư vào các quỹ mở trái phiếu để được đảm bảo rủi ro. Chỉ khi nhà đầu tư hiểu đúng và đủ về trái phiếu mới tránh được tâm lý hoang mang trước những thông tin bất lợi trên thị trường.
Ngoài ra, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hết sức phức tạp nên việc đầu tư thông qua các quỹ, các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp cần được cổ vũ. Tôi tin rằng, cùng với sự hoàn thiện các quy định liên quan, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phát triển tốt trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!