Khu Đông tăng giá, giới đầu tư chớp thời cơ săn BĐS giá hời ở khu Tây Sài Gòn
Trong khi giá nhà đất ở khu Đông TP.HCM gia tăng nhanh chóng, thì BĐS ở khu Tây Sài Gòn ghi nhận mức giá dễ chịu hơn. Tuy thị trường có chút trầm lắng, nhưng đây được xem là thời cơ vàng cho các nhà đầu tư có tầm nhìn.
Điểm nóng mới về hạ tầng
Thời gian qua, bên cạnh cơn sốt đến từ thành phố mới khu Đông thì hạ tầng khu Tây Sài Gòn cũng bắt đầu được chú trọng nhiều hơn. Ngoài các khu vực ghi nhận mức độ quan tâm bất động sản gia tăng như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh… thì tại Long An cũng chứng kiến sự tham gia của nhiều ông lớn trong ngành như Nam Long, Thắng Lợi Group, Trần Anh…
Các chuyên gia đánh giá cao Long An không chỉ bởi quỹ đất rộng, mức giá mềm mà dư địa tăng trưởng còn rất lớn. Với sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, hạ tầng kết nối xung quanh khu vực cũng đã có những biến chuyển đáng kể, nhiều dự án cao tốc trọng điểm đang gấp rút hoàn thành. Điển hỉnh như chủ trương mở rộng tuyến đường QL1A đi qua địa phận TP. Tân An, sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, tạo thuận lợi kết nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ vào TP.HCM.
Hay tuyến metro 3A với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng giúp kết nối 8 quận huyện cũng sẽ một bước ngoặt lớn đối với khu Tây. Sau khi hoàn thành, tuyến metro 3A sẽ kết nối trực tiếp với metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tạo thành một hành lang vận chuyển hành khách công cộng hiện đại, xuyên tâm, kết nối khu vực Đông Bắc và Tây Nam của thành phố, rút ngắn khoảng cách di chuyển từ TP.HCM ra Long An.
Ngoài ra, dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đang gấp rút hoàn thành. Tuyến cao tốc này sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây đi Vũng Tàu, Đồng Nai không cần "quá cảnh" TP.HCM, kết nối với mạng đường cao tốc - quốc lộ, với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, Sao Mai - Bến Đình và với sân bay quốc tế Long Thành.
Một điểm nhấn hạ tầng quan trọng khác là công trình trọng điểm Đường tỉnh (ĐT) 827E với tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ là trục giao thông mang tính chiến lược, góp phần thúc đẩy năng lực vận chuyển hàng hóa, phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch nối các tỉnh vùng duyên hải miền Tây Nam bộ với TP.HCM.
Các chuyên gia cho rằng, công trình trọng điểm ĐT827E sau khi hoàn thành sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông cho các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc cũng như của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Đồng thời, đây cũng là công trình được kỳ vọng không chỉ cho Long An mà còn cho cả khu vực Tây Nam bộ trong phát triển kinh tế - xã hội.
Giới đầu tư tranh thủ chớp thời cơ dịp cuối năm
Thời gian qua, thị trường bất động sản TP.HCM chứng kiến sự gia tăng chóng mặt về giá bán. Đăc biệt là các dự án phát triển ở khu Đông TP.HCM bao gồm: Quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Ngoài ra, các khu vực như quận 7, quận 8, quận 12… hay nhiều địa phương tiếp giáp với TP.HCM như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương… cũng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ về bất động sản trong vòng 2 năm qua. Trong xu thế này, cơ hội tìm kiếm những sản phẩm vừa túi tiền mà đáp ứng đầy đủ nhu cầu về hạ tầng - xã hội - dân sinh sẽ càng thu hẹp lại.
Theo các chuyên gia, mặc dù mức độ phát triển vẫn còn trong giới hạn, nhưng khu Tây lại có những lợi thế như nằm ngay vị trí cửa ngõ chiến lược của Đồng bằng Sông Cửu Long và toàn vùng Đông Nam Bộ. Một trong những điểm nhấn về bất động sản ở khu vực này là tỉnh Long An - nơi ghi nhận mức độ gia tăng nguồn cầu về bất động sản công nghiệp rất lớn trong dịch Covid-19. Đây là địa phương tiếp giáp với TP.HCM, quỹ đất rộng, mức giá mềm và điều kiện kết nối hạ tầng vào khu vực trung tâm khá thuận tiện.
Đặc biệt, Long An giàu tiềm năng công nghiệp, vốn là một lợi thế để phát triển các sản phẩm nhà ở cho chuyên gia. Ngoài ra, theo Đề án quy hoạch TP.HCM, 3 huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa trong tương lai sẽ là đô thị vệ tinh của TP.HCM. Như vậy, nếu trong khoảng tài chính có thể chấp nhận được, nhà đầu tư hoàn toàn có thể về đây để săn tìm các cơ hội đầu tư sinh lời mới.
Long An cũng là tỉnh thu hút nguồn vốn FDI rất lớn trong năm 2020. Tính đến tháng 10/2020, tỉnh này thu hút 1.079 dự án FDI, vốn đăng ký 6.608 triệu USD. Trong đó, 588 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện khoảng 3.624 triệu USD. Các dự án đầu tư nước ngoài đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đài Loan đứng đầu cả về số dự án và vốn đầu tư, tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Mỹ…
Ở góc độ đầu tư, ghi nhận vào dịp cuối năm ở khu Tây Sài Gòn nhộp nhịp hơn với một số dự án lớn manh nha chào hàng. Khi cả thị trường đang đối mặt với thách thức lớn, không ít chủ đầu tư đã chớp thời cơ tung ra nhiều chương trình khuyến mãi. Với mức giá dễ chịu, cộng thêm sự ưu ái của chủ đầu cho thấy đây là thời cơ lớn của các nhà đầu tư bất động sản có tầm nhìn. Điều này cũng phù hợp với quy luật “nước chảy về chỗ trũng”, ở đâu giá còn mềm và nhiều cơ hội tăng giá hơn thì nhu cầu đầu tư cũng sẽ tăng lên.
Dĩ nhiên cơ hội lớn thì thử thách cũng không nhỏ. Nhìn nhận khách quan, các chuyên gia cũng khuyến cáo nhà đầu tư cần có tầm nhìn đầu tư dài hạn, không nên tính chuyện lướt sóng ngay thời điểm này.
Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills, khu vực phía Đông đang tăng giá mạnh nên sẽ hướng đến nhóm đối tượng có thu nhập cao, còn phía Tây bao gồm Củ Chỉ, Hóc Môn, Bình Chánh, Long An… phù hợp cho các đối tượng có thu nhập thấp hơn. Đây cũng là một lợi thế khi đánh đúng đối tượng người mua có nhu cầu nhà ở cấp thiết. Do đó, nếu tạo được sự thuận lợi về cơ sở hạ tầng, công nghiệp, giải quyết bài toán kinh tế đô thị, tạo công ăn việc làm thì nhất định khu Tây Sài Gòn vẫn sẽ có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.