Khu thương mại tự do: Cơ hội vàng cho Đà Nẵng bứt phá

Việc Quốc hội cho phép thí điểm thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng được kỳ vọng là cơ hội mới để thành phố bứt phá.

Đà Nẵng dám nghĩ, dám làm

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết trước đây Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 119 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Đà Nẵng.

Sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 119 cho thấy bước đầu thành phố thu được kết quả đáng ghi nhận, tích cực, tuy nhiên cũng có rất nhiều khó khăn. Trong các cơ chế đặc thù, có một số cơ chế Đà Nẵng không thực hiện được. Bên cạnh đó, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố không đạt được rất nhiều mục tiêu, chỉ tiêu mà Trung ương và Bộ Chính trị đặt ra cho Đà Nẵng. Chính vì vậy, Thành ủy, HĐND, UBND TP. Đà Nẵng nhận thấy, nếu thành phố không tìm một hướng mới, một động lực mới thì rất khó phát triển mạnh mẽ.

Với sự quan tâm của Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội, vừa qua Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.

Khu thương mại tự do: Cơ hội vàng cho Đà Nẵng bứt phá - Ảnh 1

Theo ông Nguyễn Văn Quảng, có 5 chính sách hoàn toàn mới mà Đà Nẵng đề xuất được Quốc hội đánh giá rất cao, trong đó có thí điểm thành lập khu thương mại tự do.

“Đây là một trong những đột phá và cũng là dám nghĩ, dám làm trong việc thử nghiệm một mô hình đã được thế giới khẳng định nhưng chưa có tiền lệ, chưa có thực tiễn ở Việt Nam. Đà Nẵng xác định việc này có rủi ro nhưng chấp nhận. Nếu thành công, đây sẽ là nền tảng nhân rộng cho cả nước, còn rủi ro thì thành phố sẽ gánh chịu", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói.

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI miền Trung – Tây Nguyên, cho hay việc Quốc hội thông qua Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng được kỳ vọng là “tấm áo mới” tạo động lực mới, không gian phát triển mới cho kinh tế - xã hội của thành phố trong giai đoạn tới.

Đối với việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng, đây là mô hình mới tại Việt Nam nhưng không mới với thế giới. Trên thực tế, các khu thương mại tự do đã được hình thành, phát triển cách đây hàng chục năm ở các nước trong khu vực và cũng như trên thế giới Singapore, Malaysia, UEA, Trung Quốc, Hoa Kỳ... Mô hình này đã được chứng minh rất thành công ở một số quốc gia và ở cả những nước đã phát triển và đang phát triển.

Các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia, nhà khoa học đã nhìn nhận Đà Nẵng hội đủ những điều kiện tối ưu, lợi thế so sánh lớn để hình thành khu thương mại tự do và được kỳ vọng là cú hích cho phát triển kinh tế của thành phố và cả khu vực miền Trung trong thời gian tới.

“Với lợi thế của người đi sau, hy vọng khu thương mại tự do Đà Nẵng khi được hình thành sẽ là tích hợp của những kinh nghiệm, mô hình thành công của thế giới, có cơ chế và tiện ích vượt trội... tạo động lực tăng trưởng mới cho Đà Nẵng nói riêng, khu vực miền Trung nói chung”, ông Quang kỳ vọng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho hay, việc phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng nhằm tạo động lực phát triển mới, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, đồng thời là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.

Thu hút nhà đầu tư lớn, du khách đến tiêu tiền

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để khu thương mại tự do Đà Nẵng trở thành động lực phát triển, tăng khả năng cạnh tranh của đất nước thì quy mô phải đủ lớn. Nếu chỉ làm khu phi thuế quan là không phù hợp, không đáp ứng với yêu cầu hiện đại.

“Khu thương mại tự do phải có công nghiệp, có logistics, gắn với sân bay, gắn với cảng biển. Đà Nẵng có sân bay, cảng biển thì khu thương mại tự do phải nối được cả sân bay và cảng biển”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh và khuyến nghị khu thương mại tự do Đà Nẵng nên hướng tới thu hút các "đại bàng", những tập đoàn kinh tế có vai trò dẫn dắt, như vậy giá trị mở đường trong quá trình thí điểm mới cao được.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP. Đà Nẵng, cũng nhận định việc thí điểm khu thương mại tự do sẽ tạo nguồn lực, dư địa mới cũng như cột mốc mới cho Đà Nẵng.

Khu thương mại tự do: Cơ hội vàng cho Đà Nẵng bứt phá - Ảnh 2

Đối với ngành du lịch, khu thương mại tự do sẽ thúc đẩy ngành này phát triển nhanh hơn. Ông Dũng phân tích, thứ nhất, khu thương mại tự do sẽ có khu phi thuế quan, trong đó có các điểm mua sắm miễn thuế, thu hút một lớn du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Nơi đây sẽ trở thành điểm đến mua sắm đẳng cấp. Khách du lịch ở khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, ngoài việc tham quan còn đến để mua sắm, giúp Đà Nẵng tăng trưởng bền vững.

Thứ hai, khu thương mại tự do sẽ hình thành tuyến du lịch tây bắc Đà Nẵng. Lâu nay, ở Đà Nẵng, phía tây có Bà Nà, phía đông có Sơn Trà, phía nam có Ngũ Hành Sơn, khu vực trung tâm cũng rất hấp dẫn. Còn phía bắc và tây bắc chưa hình thành tuyến. Việc có khu thương mại tự do sẽ hình thành được tuyến du lịch cho khu vực này.

Thứ ba, khu thương mại tự do sẽ thu hút các ngành hỗ trợ du lịch gồm logistics, sản xuất, xuất nhập khẩu, có một lượng nhà đầu tư rất lớn đổ về đây, tăng sức mua, tăng nhu cầu, tăng nguồn cung. Du lịch được hưởng lợi khi hình thành khu thương mại tự do. “Đương nhiên phải tùy thuộc vào việc chúng ta kêu gọi nhà đầu tư đúng tầm, đúng định hướng, đúng cam kết, có năng lực, đảm bảo vệ phát triển bền vững và môi trường”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, cho hay bài học kinh nghiệm cho thấy, về mục tiêu thành lập, ngoài các mục tiêu chiến lược như thu hút FDI, tạo ra nhiều việc làm, tăng trưởng xuất khẩu và tăng nguồn thu ngoại tệ… Chính phủ các quốc gia cần cân nhắc các lợi ích gián tiếp từ việc thành lập khu thương mại tự do để định hình mục tiêu và chức năng phát triển của các khu thương mại tự do cho phù hợp như: hình thành nền kinh tế trụ sở chính, đổi mới khoa học kỹ thuật công nghệ, thu hút nhân tài, đổi mới thể chế mang lại tác động to lớn đối với nền kinh tế xã hội của nước sở tại.

Thứ nhất, hình thành được nền kinh tế trụ sở chính khu vực của các công ty đa quốc gia tại các địa phương như: Singapore, Dubai, Thượng Hải. Thứ hai, đổi mới khoa học công nghệ: Singapore, Thượng Hải, Thanh Đảo, Dubai, Incheon, Busan đều là những “Hub” về các ngành công nghệ cao như y sinh, AI, năng lượng hydrogen, vi mạch điện tử…. Thứ ba, thu hút nhân tài cấp cao của thế giới trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ tài chính, vận tải biển, logistics đến các ngành công nghiệp sản xuất công nghệ cao, mà việc làm này chỉ có doanh nghiệp mới thực hiện được. Thứ tư, đổi mới thể chế, quản lý nhà nước và môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cấp môi trường đầu tư kinh doanh trong nước đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Khánh Hồng

Theo VietnamFinance