Khủng hoảng nguồn thu, doanh nghiệp du lịch khó với tới gói hỗ trợ lãi suất 2%

Theo ông Trịnh Bằng Có, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, gói hỗ trợ lãi suất 2% chỉ giúp cho các doanh nghiệp đang hoạt động trở lại tương đối bình ổn, còn những doanh nghiệp khủng hoảng nguồn thu thì rất khó tiếp cận.

Nhiều khách sạn trên địa bàn TP. Đà Nẵng không có khách, không có nguồn thu nên việc tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% rất khó khăn.
Nhiều khách sạn trên địa bàn TP. Đà Nẵng không có khách, không có nguồn thu nên việc tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% rất khó khăn.

Ông Trịnh Bằng Có, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, cho biết sau đại dịch Covid-19, hoạt động du lịch đã quay lại nhưng khách đến Đà Nẵng chưa ổn định như các năm trước và mang tính thời vụ. Điều đó dẫn đến nguồn thu của các khách sạn, điểm du lịch, các đơn vị vận chuyển du lịch rất thấp. Nói cách khác, dòng tiền không đảm bảo trang trải các khoản vay, quá hạn mà không có khả năng chi trả.

Hiện ở Đà Nẵng chỉ có 70% cơ sở lưu trú mở cửa trở lại và có khoảng 20-30% khách sạn đang rao bán. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp du lịch rất khó để tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Theo ông Trịnh Bằng Có, gói hỗ trợ lãi suất 2% chỉ giúp cho các doanh nghiệp đang có khả năng phục hồi và đang hoạt động trở lại tương đối bình ổn, giúp doanh nghiệp giảm được chi phí lãi vay, tăng cơ hội phục hồi hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, gói hỗ trợ lãi suất 2% không phải là đòn bẩy chính giúp các doanh nghiệp có khoản vay lớn và hiện đang khủng hoảng nguồn thu (do du lịch chưa phục hồi ổn định) hoặc đang vướng nợ xấu ngân hàng.

“Trong những trường hợp này, chính sách giảm 2% lãi suất không giúp được các doanh nghiệp này thoát khỏi khủng hoảng và đảm bảo quay lại phục vụ cho kinh doanh, tìm giải pháp thoát khỏi nợ xấu, giảm tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản”, ông Trịnh Bằng Có nói.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng đề xuất các giải pháp tháo gỡ nút thắt về tín dụng đối với các doanh nghiệp du lịch. Cụ thể, vừa giảm lãi suất theo Nghị định 21 vừa cho khoanh nợ hoặc giãn nợ theo đề nghị của doanh nghiệp mà không làm "rớt" hạng tín dụng của doanh nghiệp, doanh nghiệp không bị chuyển sang nợ xấu, nợ quá hạn. Trường hợp này chỉ có Ngân hàng Nhà nước hoặc Chính phủ mới có thể điều chỉnh chính sách chứ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng không có thẩm quyền. Chính sách này sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm thiệt hại mà không làm ảnh hưởng đến ngân hàng và các tổ chức tín dụng (xét về yếu tố kinh doanh).

“Trong bối cảnh như hiện nay, nếu không có chính sách tín dụng thiết thực thì khó cứu được doanh nghiệp du lịch khỏi cảnh phá sản”, ông Trịnh Bằng Có nói.

Liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 2%, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, cho biết Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn thông tin đến các doanh nghiệp nằm trong đối tượng 17 ngành nghề theo quy định tại Nghị định 31. Những đơn vị nào nằm trong quy định đó, ngân hàng thương mại có trách nhiệm thông báo, doanh nghiệp cảm thấy có nhu cầu cần hỗ trợ liên hệ với ngân hàng thương mại để được hỗ trợ thủ tục cần thiết.

Việc vay vốn phải đáp ứng điều kiện của ngân hàng, theo thông tư 39, trong đó điều kiện cho vay là sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích, có doanh thu, lợi nhuận…

Tuy nhiên, theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, mặc dù đã thông tin rộng rãi nhưng hiện số doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ này rất ít.

“Nếu các doanh nghiệp thuộc đối tượng mà các ngân hàng thương mại thông báo thì đề nghị các doanh nghiệp liên hệ ngân hàng thương mại làm thủ tục để hưởng gói hỗ trợ lãi suất này. Còn nếu doanh nghiệp không có nhu cầu hưởng 2% lãi suất thì nên gửi cho ngân hàng thương mại văn bản để ngân hàng thương mại tập hợp ý kiến khách hàng báo cáo cấp trên nghiên cứu xử lý”, ông Võ Minh nói.

Khánh Hồng

Theo VietnamFinance