Kịch bản nào cho thị trường đất nền ven đô những tháng đầu năm 2022?

Nếu sau Tết Nguyên đán 2021, thị trường đất nền ven đô liên tục sốt nóng tại nhiều huyện vùng ven Hà Nội thì sau Tết Nguyên đán 2022, đến thời điểm hiện tại, các thị trường ven đô có phần khá im ắng. Hiện thị trường ven đô Hà Nội được nhận định là khó nổi sóng diện rộng trong năm 2022.

Giá đất không nhúc nhích so với 4 tháng trước

Một khảo sát của Batdongsan.com.vn với các thị trường ven đô Hà Nội thời điểm sau Tết Nhâm Dần 2022 cho thấy giá đất nền tại một số khu vực ven Hà Nội vẫn đứng nguyên giá so với thời điểm 4 tháng trước, là thời điểm cuối năm 2021.

Tại Ba Vì, đất vị trí mặt tiền đường khu vực Ba Trại (xã Tản Lĩnh), Thụy An, Cẩm Lĩnh (BaVì) gần khu du lịch Suối Hai vẫn đang được chào giá 6-8 triệu đồng/m2 với diện tích dao động từ 300-1.000m2, đất sâu bên trong có vị trí gần khu du lịch Suối Hai vẫn giữ nguyên mức giá từ 1,2-2 triệu đồng/m2 với diện tích từ 1-3ha và mức 3-5 triệu đồng/m2 với những lô đất diện tích chỉ từ 1.000-2.000m2. Tương tự, tại Sóc Sơn, các lô đất diện tích lớn tại Minh Trí, Quang Tiến, Xuân Giang, mức giá vẫn dao động ở mức 3-4 tỷ đồng/lô.

Đất nền ven đô đang khá lặng lẽ thời điểm đầu năm.  
Đất nền ven đô đang khá lặng lẽ thời điểm đầu năm.  

Tại Hà Đông, giá đất dịch vụ khu vực Đồng Mai vẫn đang được rao bán 30-35 triệu đồng/m2. Một số vị trí đẹp, đắc địa, giá chào bán vẫn dao động phổ biến 40-50 triệu đồng/m2. Đất dịch vụ Dương Nội chạm mức 80-90 triệu đồng/m2. Tại Đông Anh, đất mặt tiền có thể kinh doanh được khu vực Xuân Trạch, Lực Canh, Văn Thượng (Xuân Canh) hay Tiên Hội, Đông Trù (Đông Hội, Đông Anh), Nguyên Khê, Tiên Dương hiện được vẫn được chào bán phổ biến 45-70 triệu đồng/m2. Hay tại Mỹ Nội, Quan Âm, Thượng Phúc (Bắc Hồng), Xuân Nộn, giá chào bán vẫn phổ biến 15-20 triệu đồng/m2. Tại Hoài Đức, giá đất dịch vụ thuộc các thôn Đào Nguyên, thôn Ngự Câu, thôn An Hạ (xã An Thượng) vẫn đang ở mức 29-35 triệu đồng/m2. Tương tự, giá đất dịch vụ An Thọ (An Khánh) vẫn có giá 30-35 triệu đồng/m2.

Sóng đất khó nổi

Thông thường sau kì nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm, thị trường vùng ven đều đón một đợt sốt mới. Nếu không nóng bỏng thì cũng gợn sóng lăn tăn ở một số điểm. Những diễn biến của thị trường bất động sản những năm gần đây đã minh chứng thực tế này. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, thị trường vùng ven Hà Nội khá yên ắng.

Theo nhà đầu tư Đinh Khắc Hoàng (Phương Liệt, Đống Đa, Hà Nội), trừ Gia Lâm là huyện có công trình hạ tầng giao thông lớn thông xe hoặc được triển khai thời điểm cuối năm thì các huyện vùng ven khác của Hà Nội đều không có thông tin tích cực nào mới về quy hoạch hay các công trình trọng điểm. Do đó, thị trường đang thiếu cú huých để môi giới, cò đất, đầu nậu có thể “vin” vào đó để thổi giá thị trường.

Cũng theo ông Hoàng, trên thực tế, thì đợt sốt đầu năm 2021 có thể coi là đợt nóng sốt nhất trong những năm gần đây của thị trường vùng ven Hà Nội. Chính vì quá sốt nóng nên thị trường vùng ven đã tạo một tâm lý cảnh giác đối với những nhà đầu tư đến sau muốn tìm hiểu các thị trường này. “Tâm lý của họ là sợ thị trường đã bị đẩy ảo, sợ thị trường không có thanh khoản sau đợt sốt nóng, sợ mình là người cuối cầm hòn lửa đất trên tay”, ông Hoàng cho biết.

Đồng quan điểm, anh Dương Hùng Thạch, môi giới bất động sản thổ cư tại Hoài Đức và Hà Đông cho biết, sở dĩ thị trường vùng ven khá lặng sóng, không còn sôi nổi như các năm trước bởi sau những cơn sốt đất diễn ra trong 2 năm dịch bệnh, mặt bằng giá đất đã bị đẩy lên rất cao, vượt khả năng tài chính đầu tư của phần lớn các nhà đầu tư trên thị trường.

Mặt bằng giá đất tăng quá cao, vượt xa cả giá trị tiềm năng thực của khu vực, cùng với việc không xuất hiện các thông tin kích thích về quy hoạch, hạ tầng nên thị trường vùng ven hiện không có yếu tố hấp dẫn. Theo anh Thạch, chỉ khi mặt bằng giá được trả về với giá trị thực hoặc xuất hiện các nhân tố mới thì bất động sản vùng ven mới có sự sôi nổi.

Minh Đức

Theo Kinh doanh và phát triển