Kỳ vọng Luật đất đai sửa đổi là điều kiện quan trọng để khai thác nguồn lực hiệu quả
Theo luật sư Phạm Thanh Tuấn - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, trọng tài viên Trung tâm trọng tài Thương mại và Công lý Việt Nam (VietJac), những đổi mới trong các quy định về tài chính đất đai, giá đất tại dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ là điều kiện quan trọng để khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả.
Theo luật sư Phạm Thanh Tuấn, Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp đang diễn ra. Dự kiến các đại biểu Quốc hội "bấm nút" trong phiên họp Quốc hội ngày 18/1. Đây là đạo luật giữ rất nhiều kỷ lục về số lượng ý kiến góp ý đối với dự thảo luật (hơn 12 triệu lượt ý kiến), về độ bền bỉ trong hoạt động xây dựng pháp luật của một dự án luật (được xem xét, thông qua tại 4 kỳ họp Quốc hội).
“Là một người theo dõi quá trình xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhiều năm nay, tôi kỳ vọng luật mới sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho tất cả các chủ thể: từ mỗi cá nhân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng xã hội”, ông Tuấn bày tỏ.
Cũng theo ông Tuấn, tại dự thảo mới nhất, nhiều quy định mới của Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 mang đến những kỳ vọng cho các cá nhân, người dân sử dụng đất. Dự thảo luật mới đã giải quyết được 2 tồn tại của luật cũ trước đây về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình cá nhân đang sử dụng ổn định nhưng không có giấy tờ về đất đai và hoàn thiện hơn nữa cơ chế bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định không có giấy tờ về đất đai đã được quy định từ trước tại Luật Đất đai năm 1993, 2003, 2013. Sau đó, mỗi lần sửa luật đất đai sau này chúng ta lại kéo dài mốc thời gian cấp giấy chứng nhận. Đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 đã tiếp tục điều chỉnh thời gian sử dụng đất.
Theo đó, những người dân không có giấy tờ về đất đai nhưng đã sử dụng ổn định, không có tranh chấp từ trước ngày 1/7/2014 sẽ được cấp giấy chứng nhận. Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu chính đáng của người dân trong việc cấp giấy chứng nhận, góp phần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận trong cả nước.
Chính sách bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất cũng đã có sự thay đổi theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường về đất cho người dân. Luật đất đai 2013 quy định Nhà nước thu hồi đất gì thì sẽ bồi thường bằng loại đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền. Thực tế, nhiều trường hợp thu hồi đất, nhất là đất nông nghiệp giá đất bồi thường xác định chưa phù hợp dẫn đến tình trạng người bị thu hồi khiếu nại, khiếu kiện phức tạp.
Những đổi mới trong các quy định về tài chính đất đai, giá đất sẽ là điều kiện quan trọng để khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả.
Khắc phục những bất cập trên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 đã quy định người dân có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác, thậm chí bằng nhà ở.
Thu hồi đất nông nghiệp ngoài việc được bồi thường bằng tiền, bằng đất nông nghiệp cùng loại thì tới đây có thể được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tùy thuộc vào điều kiện cụ thể tại mỗi địa phương. Những chính sách trên tạo kỳ vọng sớm tạo sự đồng thuận của người có đất bị thu hồi, qua đó đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng.
Những điểm nghẽn về tiếp cận đất đai cho các doanh nghiệp thực hiện dự án cũng đã được giải quyết trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 2024. Dự thảo đã có quy định chi tiết các trường hợp, điều kiện giao đất theo từng hình thức cụ thể như các trường hợp nào sẽ giao đất thông qua đấu thầu, đấu giá; trường hợp nào được giao đất không phải thông qua đấu giá, đấu thầu. Đây là một nội dung quan trọng góp phần tăng cường tính minh bạch cho thị trường bất động sản, góp phần tạo ra tính công bằng trong tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp.
Tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, phân tán phổ biến từ trước đến nay có thể có những thay đổi trong thời gian tới. Dự thảo luật mới đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp yên tâm hơn trong việc đầu tư tập trung, tích tụ đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiện đại và hiệu quả.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 cũng "củng cố" niềm tin trong hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai.
Thời gian qua rất nhiều quan chức, cán bộ các địa phương vướng vào lao lý phần nhiều do liên quan đến đất đai. Sai phạm đất đai thường chủ yếu liên quan đến không đấu giá, đấu thầu khi lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất hay tính tiền sử dụng đất không đúng, gây thất thoát cho ngân sách.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 đã quy định rõ từng điều kiện, tiêu chí cụ thể các trường hợp giao đất thông qua đấu thầu, đấu giá, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, là điều kiện quan trọng cho cơ quan thực thi áp dụng. "Điểm nghẽn" về xác định giá đất trước đây cũng kỳ vọng được khơi thông khi dự thảo Luật mới quy định cụ thể 4 phương pháp xác định giá đất và điều kiện, tiêu chí áp dụng từng phương pháp xác định cụ thể.
“Những đổi mới trong các quy định về tài chính đất đai, giá đất sẽ là điều kiện quan trọng để khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả, hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Khắc phục các vi phạm trong xác định giá đất dẫn đến mất cán bộ", ông Tuấn nhấn mạnh.