Lại “nóng” các cuộc đấu giá đất tại khu vực vùng ven Hà Nội

Từ sau Tết Nguyên đán 2024, thị trường đất đấu giá ở Hà Nội cho thấy sự sôi động nhất định khi nhiều cuộc đấu giá đất ở ngay trong quý I này đã thu hút được nhiều người quan tâm.

Lại “nóng” các cuộc đấu giá đất tại khu vực vùng ven Hà Nội - Ảnh 1

Liên tục tổ chức các cuộc đấu giá đất

Năm 2023 được coi là một năm khó khăn của thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền. Tuy nhiên, với lợi thế có hạ tầng được xây dựng đồng bộ, quy hoạch tại vị trí thuận lợi, pháp lý rõ ràng, đất đấu giá tại nhiều quận huyện của Hà Nội vẫn thu hút được nhiều người quan tâm.

Mới chỉ là thời điểm đầu năm 2024 nhưng nhiều huyện ngoại thành của Hà Nội rầm rộ đăng tải thông tin các cuộc đấu giá đất ở trên địa bàn.

Đơn cử như mới đây, huyện Đông Anh đã phối hợp với Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng các thửa đất trong khu LK6 thuộc Dự án Xây dựng Hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá QSD đất xã Thụy Lâm.

Mục đích sử dụng là xây dựng nhà ở lâu dài, mật độ xây dựng cho phép từ 76% đến 100%; số tầng cao tối đa 5 tầng. Khu đất đưa ra đấu giá có tổng diện 2.872,2 m2 chia thành 33 ô thửa với diện tích từ 80 đến 120,4 m2. Mức giá khởi điểm được đưa ra từ 23,5 triệu đồng/m2 đến 29 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Hình thức đấu giá là trả giá cho từng ô thửa bằng hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp với giá đấu tăng lên.

Kết quả, tất cả các thửa đất đã được đấu giá thành công, trong đó mức trúng giá cao nhất đạt 61 triệu đồng/m2, mức trúng giá thấp nhất là 35 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu về cho ngân sách hơn 143 tỷ đồng, vượt gần 69 tỷ đồng so với giá dự kiến ban đầu đưa ra.

Dự kiến sáng ngày 10/3 tới đây, 50 thửa đất tại khu LK2, LK7 cũng thuộc Dự án Xây dựng Hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá QSD đất xã Thụy Lâm sẽ được đưa ra đấu giá.

Theo đó, 18 thửa đất tại khu LK2 có diện tích dao động từ 81,1 m2 đến 137,6 m2, giá khởi điểm thấp nhất là 23,5 triệu đồng/m2, cao nhất là 24 triệu đồng/m2

32 thửa đất tại khu LK7 có diện tích dao động từ 80 m2 đến 159,34 m2, giá khởi điểm thấp nhất là 23,5 triệu đồng/m2, cao nhất là 29 triệu đồng/m2.

Hay như Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam vừa thông báo đấu quyền sử dụng đất theo ủy quyền của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ.

Cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở 14 thửa đất tại khu Đồng Tre Lỗ Gió, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ sẽ được tổ chức vào ngày 15/3 tới đây. Giá khởi điểm các lô đất này có hai mức là 17,2 triệu đồng/m2 và 18,5 triệu đồng/m2.

Còn tại huyện Hoài Đức, Công ty Đấu giá hợp danh Số 5 - Quốc gia và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 23 thửa đất là tài sản của UBND huyện Hoài Đức vào sáng 18/3.

Các thửa đất đấu giá thuộc Dự án Hạ tầng kỹ thuật để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khu Mả Trâu, thôn Đồng Nhân, xã Đông La, huyện Hoài Đức. 23 thửa đất đấu giá có tổng diện tích 2.441,8m2.

Các thửa đất có diện tích từ 105-131,5 m2/thửa. Giá khởi điểm các thửa đất từ hơn 57 triệu đồng đến trên 66,3 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, tại huyện Mê Linh, Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam phối hợp với Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Mê Linh sẽ tổ chức đấu giá 19 thửa đất vào chiều 16/3. Đây là các lô đất ở, được sử dụng lâu dài.

Theo thông tin đưa ra 19 thửa đất đấu giá thuộc dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh.

Diện tích các thửa đất từ 90 - 101,1m2. Giá khởi điểm từ 23,2-30 triệu đồng/m2; tương đương từ hơn 2 tỉ đồng đến trên 3 tỉ đồng/thửa. Thời hạn nộp hồ sơ tham gia đấu giá đến trước 17h ngày 13/3.

Có nên “xuống tiền” với đất đấu giá thời điểm này?

Các cuộc đấu giá được diễn ra liên tục trong thời gian qua cũng như các huyện tại Hà Nội liên tục thông báo kế hoạch tổ chức đấu giá đất đã cho thấy sự sôi động trở lại của loại hình này, bất chấp thị trường bất động sản chung vẫn còn nhiều khó khăn.

Nếu như so với thời điểm đầu và giữa năm 2023, nhu cầu mua bán bất động sản vẫn ở mức cao khi ghi nhận nhiều dấu hiệu khởi sắc. Chính điều này đã góp phần mang lại không khí tích cực cho thị trường bất động sản vốn đang ảm đạm thời gian dài.

Thực tế, khoảng vài tháng trở lại đây, thị trường đất đấu giá có sự khởi sắc rõ rệt. Bên cạnh nguồn hàng mới đến từ các khu vực chuẩn bị đấu giá ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước thì nhiều khu đất được đấu giá trong các năm trước đó, vốn nằm yên bất động gần 2 năm qua cũng bắt đầu ghi nhận giao dịch trở lại.

Theo chia sẻ từ nhiều môi giới bất động sản Hà Nội, những người có nhu cầu thực vẫn rất ưa chuộng hình thức đấu giá. Họ sẵn sàng chi trả mức giá cao hơn so với giá khởi điểm, bởi quỹ đất trong các phiên đấu giá được xem là sạch, được nhà nước đảm bảo pháp luật và ít rủi ro hơn đối với các vấn đề liên quan đến quy hoạch trong dài hạn.

Ông Phạm Đức Toản – TGĐ CTCP đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) nhận định về đất đấu giá trong thời gian tới sẽ tiếp tục thu hút đối tượng người mua có nhu cầu thật. Ông cho biết, người mua sẽ chưa vội tham gia nếu thấy giá khởi điểm cao mà chờ đấu giá lại để mua được giá thấp hơn.

Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, sau thời gian dài ở mức giá cao thì giá bất động sản đã đồng loạt giảm ở cả những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Người dân ở khu vực đông đúc vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhà ở. Do đó, nhu cầu thực rất lớn và khi có những thông tin tích cực về khả năng phục hồi và sự ấm lên của thị trường đã phần nào kích thích tâm lý mua bán của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ở mặt thận trọng hơn, ông Thịnh cũng lưu ý về khả năng có thể một số người dùng biện pháp đẩy giá. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cũng chia sẻ, việc thổi giá đất thông qua đấu giá để kiếm lời không còn lạ. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức mà nhà đầu tư cần cân nhắc trước khi “xuống tiền”.

An Nhiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống