Lãi suất cho vay rục rịch tăng, lãi vay năm 2025 thế nào?

Lãi suất huy động liên tục tăng làm dấy lên lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng. Lãi vay được dự báo sẽ tăng tiếp trong năm 2025 nhưng ở mức thấp chứ không quá mạnh.

Lãi suất cho vay rục rịch tăng

Xu hướng tăng lãi suất huy động xuất hiện trở lại trong những tháng cuối năm 2024. Nhiều người lo ngại, với động thái tăng lãi suất huy động sẽ khiến chi phí đầu vào của các ngân hàng tăng, tác động đến biên lãi ròng nên có thể sẽ tăng lãi suất cho vay để bù đắp.

Theo các chuyên gia, xu hướng tăng nhu cầu tín dụng, tình hình nợ xấu, tỷ giá thời gian tới có thể tiếp tục gây áp lực lên lãi vay. Cùng với đó, chi phí đầu vào của ngân hàng đang tăng theo lãi suất huy động cuối năm khiến lãi suất cho vay có thể tăng theo.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng, việc một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động thời gian qua chắc chắn sẽ khiến lãi suất cho vay tăng theo.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, nhu cầu vốn tăng mạnh vào cuối năm đã buộc các ngân hàng phải nâng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi, từ đó phục vụ nhu cầu tín dụng ngày càng tăng.

Còn TS. Võ Trí Thành nhìn nhận, lãi suất huy động cũng như cho vay trước mắt sẽ tăng “một chút” theo chu kỳ kinh doanh, nhất là trong bối cảnh một số ngân hàng thanh khoản chưa tốt, cộng với việc đầu tư dài hạn của các doanh nghiệp chủ yếu vẫn dựa vào vốn vay ngân hàng. Nhưng về lâu dài, lãi suất sẽ giảm.

Thực tế, lãi suất cho vay đã rục rịch tăng. Một số ngân hàng công bố lãi suất cho vay bình quân trong tháng 11 tăng so với tháng trước đó.

Lãi suất cho vay bình quân tháng 11 của Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) là 7,32%/năm, tăng thêm 0,25% so với tháng 10. Từ tháng 7 đến nay, lãi suất cho vay bình quân của nhà băng này tăng dần đều từ dưới 7%/năm cho đến mức như hiện nay. Chênh lệch lãi suất cho vay bình quân và lãi suất tiền gửi bình quân tại ngân hàng này ở mức 2,15%.

Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), lãi suất cho vay bình quân tháng 11 là 5,67%/năm, tăng nhẹ so với mức 5,62%/năm của tháng 10. Chênh lệch lãi suất (cho vay bình quân - huy động vốn bình quân) đạt 2,69%/năm; chênh lệch lãi suất sau khi trừ đi các chi phí liên quan hoạt động là 1,59%/năm.

Lãi suất cho vay rục rịch tăng, lãi vay năm 2025 thế nào? - Ảnh 1

Tương tự, lãi suất cho vay bình quân tháng 11 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là 6,89%/năm, tăng nhẹ so với mức 6,86%/năm trong tháng 10. Lãi suất cho vay bình quân đối trong tháng 11 với khách hàng cá nhân của Eximbank là 7,54%/năm và với khách hàng doanh nghiệp là 6,03%/năm.

Lãi suất cho vay bình quân kỳ tháng 11 của Ngân hàng TMCP Kiên Long ở mức 8,42%, tăng nhẹ so với tháng 10; chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi bình quân là 3,07%/năm.

Lãi suất cho vay bình quân tại Ngân hàng TMCP Việt Á tháng 11 là 9,43%/năm, tăng thêm 0,17% so với tháng 10. Chênh lệch lãi suất cho vay và tiền gửi bình quân tháng 11 của Việt Á đạt 4,01%, tăng so với mức 3,95%/năm vào cuối tháng 10.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho biết, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7-9,1%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,8%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm).

Lãi suất cho vay năm 2025 ra sao?

Dựa theo diễn biến hiện tại có thể thấy lãi suất cho vay khó giảm sâu trong ngắn hạn nhưng có khả năng duy trì ổn định theo mục tiêu ưu tiên của NHNN.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng mới đây chia sẻ, việc điều hành lãi suất cho vay hiện gặp không ít khó khăn do áp lực từ thị trường quốc tế và tình hình trong nước. Biến động của USD thời gian qua cùng những căng thẳng về cung, cầu ngoại tệ đã khiến NHNN phải ưu tiên ổn định tỷ giá. Nếu lãi suất cho vay giảm mạnh, tỷ giá có nguy cơ tăng cao, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô và tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, NHNN khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động để giữ ổn định hoặc giảm nhẹ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Lãi suất cho vay rục rịch tăng, lãi vay năm 2025 thế nào? - Ảnh 2

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nếu tỷ giá tăng thì mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất cho vay của Chính phủ và NHNN khó đạt được. Thậm chí, một số thời điểm, không loại trừ khả năng NHNN phải nâng lãi suất để hạ nhiệt tỷ giá.

Hơn nữa, tỷ lệ nợ xấu gia tăng cũng làm tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng. Để bảo đảm hoạt động, các ngân hàng buộc phải trích lập dự phòng rủi ro, làm giảm lợi nhuận và hạn chế khả năng tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, áp lực tăng lãi suất cho vay vẫn hiện hữu, nhất là khi hệ thống ngân hàng phải đối mặt với bài toán thanh khoản do tín dụng tăng tốc.

Nền kinh tế dự báo sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ từ cuối năm 2024 sang năm 2025, giúp nhu cầu tín dụng tăng nhanh, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay cũng có thể chịu sức ép gia tăng.

Dự đoán về lãi vay trong năm 2025, nhiều chuyên gia cho rằng lãi vay sẽ tăng tiếp nhưng ở mức thấp chứ không quá mạnh để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN về việc giảm mặt bằng lãi vay, hỗ trợ doanh nghiệp.

Các chuyên gia của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định lãi suất cho vay sẽ tăng thêm 0,5-0,7 điểm % vào năm 2025 trong bối cảnh kinh tế hồi phục và nhu cầu tín dụng mạnh mẽ hơn.

Theo VCBS, việc lãi suất huy động tăng nhẹ sẽ tạo áp lực nhất định lên lãi suất cho vay. Nhưng room tín dụng dồi dào trong thời gian qua làm tăng cạnh tranh tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng và giúp duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp.

VCBS cho rằng lãi suất cho vay của nhóm ngân hàng quy mô nhỏ sẽ giảm chậm lại trong quý IV/2024 và có thể cải thiện trong năm 2025 khi khách hàng quay lại trả nợ. Còn lãi suất cho vay của nhóm ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân lớn có thể cải thiện sớm hơn nhờ chất lượng tài sản tốt.

 

Minh Dũng

Theo VietnamFinance