Lãi suất cho vay xuống thấp kỷ lục, khó có thể giảm thêm
Lãi suất cho vay đã về mức thấp kỷ lục dù lãi suất huy động tăng trở lại. Lãi suất cho vay được dự báo khó giảm sâu trong ngắn hạn nhưng có khả năng duy trì ổn định.
Lãi suất cho vay đã về mức thấp kỷ lục
Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2025, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) chỉ ra rằng lãi suất cho vay đã giảm về mức thấp kỷ lục trong quý III/2024.
Cụ thể, dựa theo dữ liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết, lãi suất cho vay trung bình quý III/2024 đã giảm khoảng 2,7 điểm % từ mức đỉnh của quý I/2023. Theo VCBS, đây là mức lãi suất cho vay thấp nhất trong nhiều năm qua.
Đi vào từng nhóm ngân hàng, VCBS cho biết các ngân hàng thương mại tư nhân ghi nhận lãi suất cho vay giảm mạnh hơn nhóm quốc doanh (giảm 2,4 điểm % so với cuối năm 2023). Đặc biệt, các nhà băng quy mô nhỏ chịu áp lực lớn hơn do phải hạ lãi suất đầu ra để thu hút khách hàng, đồng thời các khoản thoái lãi cũng có xu hướng gia tăng.
Các chuyên viên phân tích của VCBS dự báo dù lãi suất huy động đã điều chỉnh tăng trở lại từ quý II/2024 nhưng lãi suất cho vay sẽ có độ trễ 3-6 tháng. Vì thế, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường kỳ vọng sẽ đi ngang trong quý IV/2024 và tăng thêm 0,5-0,7 điểm % vào năm 2025 trong bối cảnh kinh tế hồi phục và nhu cầu tín dụng mạnh mẽ hơn.
VCBS cho rằng lãi suất cho vay của nhóm ngân hàng quy mô nhỏ sẽ giảm chậm lại trong quý IV/2024 và có thể cải thiện trong năm 2025 khi khách hàng quay lại trả nợ. Trong khi đó, lãi suất cho vay của nhóm ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân lớn có thể cải thiện sớm hơn nhờ chất lượng tài sản tốt.
Theo thông tin mới đây từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7-9,1%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,8%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm).
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ vào ngày 7/12/2024, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết, nguồn vốn huy động năm 2024 đảm bảo hài hoà, lãi suất đầu ra đã giảm tích cực. Tính đến thời điểm hiện nay, lãi suất cho vay bình quân đã giảm 0,96% so với đầu năm (sau khi đã giảm khoảng 2,5 điểm % trong năm 2023).
Theo các chuyên gia, lãi suất cho vay đã giảm đáng kể trong năm 2024, đó là sự cố gắng lớn của các ngân hàng cần được ghi nhận.
Ngành ngân hàng đã nỗ lực duy trì lãi suất cho vay thấp, dù lãi suất huy động đã tăng trở lại bắt đầu từ tháng 4.
Mỗi ngân hàng đã đưa ra các gói vay ưu đãi, được thiết kế phù hợp với từng đối tượng doanh nghiệp. Hiện lãi suất cho vay bắt buộc phải giảm ở một số lĩnh vực ưu tiên như nông - lâm - thủy sản, công nghệ cao,... đặc biệt là các gói tín dụng ưu đãi như cho vay các dự án nhà ở xã hội, cho lĩnh vực xuất khẩu nông - lâm - thủy sản, hay gói tín dụng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Lãi suất cho vay khó giảm thêm
Giới chuyên gia cảnh báo rằng, áp lực tăng lãi suất cho vay vẫn hiện hữu, nhất là khi hệ thống ngân hàng phải đối mặt với bài toán thanh khoản do tín dụng tăng tốc trong những tháng cuối năm.
Các chuyên gia đánh giá nhu cầu vốn cuối năm từ doanh nghiệp và các dự án đầu tư lớn dự kiến sẽ tăng, buộc các ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, phải điều chỉnh tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn tiền.
Số liệu từ NHNN cho biết, đến ngày 22/11, tín dụng toàn hệ thống tăng 11,12% so với cuối năm 2023, cao hơn mức tăng 10,1% của 10 tháng và mức thay đổi theo tháng cũng tốt hơn cùng kỳ.
Nhiều người lo ngại, với động thái tăng lãi suất huy động sẽ khiến chi phí đầu vào của các ngân hàng tăng, tác động đến biên lãi ròng nên có thể sẽ tăng lãi suất cho vay để bù đắp. Việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay là điều rất khó khăn đối với các ngân hàng.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, lãi suất cho vay của ngân hàng từ nay đến cuối năm nhiều khả năng sẽ được giữ nguyên như hiện tại, khó có thể giảm thêm do áp lực về lãi suất tại Việt Nam không quá lớn như trước.
Trong khi đó, TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng, việc một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động thời gian qua chắc chắn sẽ khiến lãi suất cho vay tăng theo.
TS. Võ Trí Thành nhìn nhận, lãi suất huy động cũng như cho vay trước mắt sẽ tăng “một chút” theo chu kỳ kinh doanh, nhất là trong bối cảnh một số ngân hàng thanh khoản chưa tốt, cộng với việc đầu tư dài hạn của các doanh nghiệp chủ yếu vẫn dựa vào vốn vay ngân hàng. Nhưng về lâu dài, lãi suất sẽ giảm.
Dù mặt bằng lãi suất cho vay được đánh giá đang ở mức phù hợp nhưng thị trường vẫn kỳ vọng lãi suất cho vay tiếp tục giảm để hỗ trợ nền kinh tế.
Nhưng theo các chuyên gia, xu hướng tăng nhu cầu tín dụng, tình hình nợ xấu, tỷ giá thời gian tới có thể tiếp tục gây áp lực lên lãi vay. Cùng với đó, chi phí đầu vào của ngân hàng đang tăng theo lãi suất huy động cuối năm khiến lãi suất cho vay khó có thể giảm thêm.
Nhìn vào diễn biến hiện tại, có thể thấy, lãi suất cho vay khó giảm sâu trong ngắn hạn, nhưng khả năng duy trì ổn định vẫn là mục tiêu ưu tiên của NHNN. Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng cuối năm tăng cao, việc kiểm soát tốt lãi suất cho vay là yếu tố quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn cao điểm sản xuất kinh doanh.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng chia sẻ, việc điều hành lãi suất cho vay hiện gặp không ít khó khăn do áp lực từ thị trường quốc tế và tình hình trong nước. Biến động của USD thời gian qua cùng những căng thẳng về cung, cầu ngoại tệ đã khiến NHNN phải ưu tiên ổn định tỷ giá. Nếu lãi suất cho vay giảm mạnh, tỷ giá có nguy cơ tăng cao, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô và tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư nước ngoài.
Thêm vào đó, tỷ lệ nợ xấu gia tăng cũng làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng. Để bảo đảm hoạt động, các ngân hàng buộc phải trích lập dự phòng rủi ro, làm giảm lợi nhuận và hạn chế khả năng tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Tuy vậy, NHNN khẳng định, sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động để giữ ổn định hoặc giảm nhẹ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.