Lãi suất gửi tiết kiệm tiếp tục tăng cao từ đầu tháng 8
Ngay từ đầu tháng 8, đa số các ngân hàng điều chỉnh tăng mạnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 0.1-0.6% ở tất cả các kỳ hạn như DongABank, BVB, OCB, ACB, KienlongBank, HDBank, LPB, …
Lãi suất tiếp tục tăng cao
Đáng chú ý, ''ông lớn'' Vietcombank cũng chính thức gia nhập cuộc đua tăng lãi suất. Sau Agribank và BIDV, kỳ này Vietcombank cũng góp mặt vào danh sách ngân hàng quốc doanh tăng lãi suất. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tăng 0.1 điểm phần trăm lên 3.1%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng lên mức 3.4%/năm và 12 tháng lên mức 5.6%/năm.
Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tính đến đầu tháng 08/2022 phổ biến ở mức 3% đến dưới 4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; từ 4-5.6%/năm với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng.
Tại kỳ điều chỉnh đầu tháng 8, VietCapitalBank tăng từ 3.85% lên 3.9% lãi suất tiền gửi từ 1 – dưới 6 tháng. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm 6 và 7 tháng tăng từ 6.23% lên 6.3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng 0.2 điểm phần trăm, từ 6.61% lên 6.8%/năm.
Theo khảo sát mới nhất đầu tháng 8, KienlongBank điều chỉnh tăng mạnh từ 0.3-0.6 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 12 tháng từ ngày 05/08/2022. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng tăng lên mức 4%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng là 6%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 6.5%.
Ở kỳ hạn 12 tháng, SCB là ngân hàng có lãi suất tiền gửi cao nhất với 7.3%/năm. Xếp ngay đó là Bac A Bank và BVB với 6.8%/năm.
Kể từ ngày 15/07/2022, DongABank tăng từ 0.1-0.2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng lên mức 6.1%/năm, 9 tháng là 6.2%/năm và 12 tháng ghi nhận 6.7%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng là 7%/năm.
Sức nóng của cuộc đua lãi suất đang đến đâu?
Cuộc đua lãi suất năm 2022 giữa các ngân hàng chủ yếu vẫn đang ở vùng lãi suất ngắn hạn và là lãi suất tiền gửi. Một số ngân hàng lớn khá độc lập với cuộc đua này. Bằng chứng là các ngân hàng này chỉ mới thực hiện một bước dự phòng xa cho rủi ro lãi suất thông qua điều chỉnh một vài mức lãi suất dài hạn. Đây cũng có thể xem là một nghệ thuật trong quản trị rủi ro lãi suất mà mỗi ngân hàng có cách vận dụng thích ứng riêng.
Nhìn lại, lịch sử đã ghi nhận các cuộc đua có tính chất tương tự, và thường tự tắt khi tới ngưỡng thanh khoản của mỗi ngân hàng, hoặc sớm tắt nhờ có sự can thiệp, thông thường bằng áp ngưỡng trần.
Tính tương đồng cao nhất có lẽ vẫn là cuộc đua lãi suất diễn ra năm 2015. Tốc độ điều chỉnh nhanh của lãi suất tiền gửi trong hệ thống ngân hàng thương mại cộng với biên độ điều chỉnh khá rõ nét, đã tác động rất nhanh đến hành vi đầu tư và tiết kiệm. Dòng tiền quay rất nhanh, hàng ngàn tỉ đồng đã về nghỉ chân ở dạng tiết kiệm ngắn hạn, chờ sóng mới từ thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, đã ở khá lâu trong trạng thái giằng co.
Ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng nhóm Phân tích thị trường CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) dự báo xu hướng tăng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng sẽ tiếp tục diễn ra, bởi vì cầu tín dụng đang hồi phục lại để hỗ trợ nền kinh tế, cùng với mặt bằng lãi suất đang tăng lại trên thị trường liên ngân hàng. Do đó, xu hướng tăng lãi suất sẽ tiếp tục được tăng dần lên, không thể hạ thấp hơn nữa.
Đối với lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Ông Khoa dự đoán sức ép từ tỷ giá cũng như hiện tại vẫn có công cụ để tăng trưởng kinh tế, nếu tăng trưởng ít đi thì cầu tín dụng của nền kinh tế cũng yếu đi. Hai yếu tố này sẽ giữ mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm như hiện tại, nhưng sang năm sau khả năng mặt bằng lãi suất điều hành có thể tăng.
Công ty chứng khoán, ACBS dự báo lãi suất huy động tiếp tục tăng thêm khoảng 0.5% để bổ sung nguồn vốn trong nửa cuối năm nay. Con số trên được đưa ra trên giả định các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng và đẩy mạnh cho vay vào dịp cuối năm.
Trong khi đó, SSI nhận định một số ngân hàng sẽ có nhu cầu tăng vốn dài hạn, do mức trần tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn sẽ được điều chỉnh từ 37% xuống 34% và cho vay dài hạn có thể là động lực tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm 2022.
Vì vậy, theo SSI, lãi suất huy động có thể tăng thêm 50-70 điểm cơ bản sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Cả năm 2022, lãi suất huy động có thể tăng 1%-1.5%. Lãi suất cho vay đối với các khoản giải ngân mới sẽ cao hơn 1%-2% so với năm 2021. Trong khi đó, thông thường phải mất từ 1-2 quý để lãi suất cho vay đối với các khoản vay dài hạn cũ điều chỉnh lại hoàn toàn theo lãi suất huy động.
Trong báo cáo vĩ mô triển vọng 6 tháng cuối năm 2022, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, mức độ biến động của lãi suất huy động sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào độ dồi dào của dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng.
VCBS cho rằng, thanh khoản sẽ bị hút đi từ các công cụ Tín phiếu hay Bán ngoại tệ được sử dụng nhằm góp phần giảm áp lực lạm phát. Ngoài ra, với dự báo nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, VCBS dự báo: “nhu cầu huy động của NHTM có thể đi kèm tăng lãi suất huy động trong thời gian tới”.