Lãi suất ngân hàng tháng 8/2022: Tiếp tục xu hướng tăng
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm (lãi suất huy động) tại quầy của các ngân hàng thương mại trong ngày đầu tháng 8 2022 tiếp tục cho thấy xu hướng tăng so với cùng kỳ tháng 7 2022, với mức tăng từ 0,1 – 0,65% tùy kỳ hạn được khảo sát và tùy từng ngân hàng.
Mức tăng dao động từ 0,1-0,6%/năm so với tháng trước
Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa tăng mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng thêm 0,4%/năm, lên mức từ 5,2-6,2%/năm. Lãi suất huy động cao nhất của VPBank cũng tăng lên mức 7%/năm kể từ ngày 1/8/2022, tăng nhẹ 0,1%/năm so với trước và áp dụng cho khoản tiền gửi online từ 50 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 36 tháng. Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất cũng tăng nhẹ 0,1%/năm lên cao nhất là 6,5%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tăng đồng loạt từ 0,1-0,5%/năm lãi suất cho các kỳ hạn 3, 6,12 và 24 tháng. Trong đó, tăng cao nhất là kỳ hạn 6 tháng với 0,5%/năm, đưa lãi suất huy động tại kỳ hạn này lên mức 5,25%/năm.
Tuy nhiên đó vẫn chưa phải mức tăng cao nhất. Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) còn tăng đến 0,6%/năm cho tiền gửi 1 tháng tại quầy, đưa lãi suất kỳ hạn này lên mức trần 4%/năm. Tại các kỳ hạn khác, KienlongBank cũng điều chỉnh tăng từ 0,3-0,6%/năm với khách hàng cá nhân và từ 0,3-0,8%/năm với khách hàng doanh nghiệp. Hiện tại, các mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại KienlongBank là 7,2%/năm cho kỳ hạn 24 tháng và 7,3%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trước đó đã tăng lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn thêm từ 0,1-0,2%/năm, nâng lãi suất tiết kiệm cao nhất tại Vietcombank lên 5,8%/năm, tăng 0,2%/năm so với trước. Mức lãi suất này áp dụng cho tiền gửi trực tuyến, kỳ hạn 12 tháng. Mức tăng tương tự cũng được áp dụng đối với tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 24 tháng, lên thành 5,6%/năm. Các kỳ hạn ngắn, mức tăng chỉ 0,1%/năm so với trước đó. Lãi suất tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 1 tháng là 3,2%/năm; 3 tháng là 3,6%/năm; lãi suất kỳ hạn từ 6-9 tháng là 4,2%/năm.
Giữa cuộc đua tăng lãi suất tại các ngân hàng
Còn với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất của hầu hết các kỳ hạn đều được Vietcombank điều chỉnh tăng 0,1%/năm.
Cụ thể, kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tăng từ 5,5%/năm lên 5,6%/năm; kỳ hạn 24 đến 60 tháng, lãi suất tăng từ 5,3%/năm lên 5,4%/năm. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam (Agribank) hồi tháng 7/2022 cũng đã có bước điều chỉnh lãi suất tăng nhẹ 0,1%/năm ở các kỳ hạn dài. Lãi suất cao nhất tại 2 ngân hàng này hiện áp dụng ở mức 5,6%/năm.
Trong tháng 8/2022, lãi suất cao nhất hệ thống đang được ghi nhận tại Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) với mức 7,5%/năm cho kỳ hạn 24 tháng; 7,45%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Giữa cuộc đua tăng lãi suất, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) lại điều chỉnh lãi suất nhiều kỳ hạn với mức giảm từ 0,2-0,3%/năm.
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại HDBank hiện là 3,9%/năm; từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5,8%/năm. Các mức lãi suất cao nhất tại HDBank được áp dụng cho kỳ hạn 12 và 13 tháng lần lượt là 7,1 và 7,15%/năm với khoản tiết kiệm tối thiểu từ 300 tỷ đồng trở lên. Nếu gửi dưới 300 tỷ đồng, lãi suất các kỳ hạn này là 6,5 và 6,7%/năm.
MB cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn với mức điều chỉnh tăng từ 0,18 – 0,43%; trong đó kỳ hạn 6 tháng điều chỉnh tăng tới 0,43%, qua đó đưa lãi suất tăng lên 4,87%/năm.
Các ngân hàng khác như: ABBank, ACB, Sacombank... cũng đã có thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất với mức tăng 0,5% ở một số kỳ hạn.
Theo báo cáo mới đây của Phòng Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Everest (EVS), dưới áp lực tăng lãi suất toàn cầu và tỷ giá VND trong thời gian qua, mặt bằng lãi suất huy động từ doanh nghiệp và dân cư đã nhích lên đáng kể so với năm 2021. Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại vì thế cũng đã tăng trong khoảng 30-70 điểm cơ bản từ đầu năm tới nay trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng nhanh. EVS kỳ vọng xu hướng lãi suất huy động sẽ tiếp tục duy trì trong nửa cuối năm 2022 trong khi lãi suất cho vay có thể giảm 25-50 điểm cơ bản nhờ gói cấp bù lãi suất 2% của Chính phủ.
Rút một phần tiền tiết kiệm gửi trước hạn vẫn được hưởng lãi cao
Có hiệu lực từ ngày 1/8, Thông tư 04/2022/TT-NHNN đã điều chỉnh nhiều quy định liên quan đến việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài so với trước đây nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.
Theo đó, Thông tư mới đã làm rõ khái niệm rút trước hạn tiền gửi là trường hợp khách hàng rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước ngày đến hạn, ngày chi trả hoặc ngày thanh toán của khoản tiền gửi. Nếu rút tiền gửi trước hạn, khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất như sau:
Rút trước hạn toàn bộ tiền gửi: Áp dụng lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng theo đối tượng khách hàng và theo loại đồng tiền đã gửi.
Rút trước hạn một phần tiền gửi: Phần tiền gửi rút trước hạn: Áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng theo đối tượng khách hàng và theo loại đồng tiền đã gửi.
Phần tiền gửi còn lại: Áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần.
Như vậy, nếu khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi có kỳ hạn thì chỉ phần rút trước hạn này chịu lãi suất không kỳ hạn thấp nhất, còn phần tiền gửi còn lại vẫn được ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất đang áp dụng. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, khách hàng không được rút một phần tiền gửi mà phải rút toàn bộ sổ tiết kiệm. Một khi đã rút toàn bộ tiền gửi thì khách hàng sẽ chỉ được thanh toán mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất không kỳ hạn thấp nhất tại ngân hàng đó.
Có thể thấy, so với quy định cũ, cách tính lãi khi rút một phần tiền gửi trước hạn đã giúp người gửi tiết kiệm đỡ thiệt hơn rất nhiều.