Lâm Đồng tạm dừng giải quyết các thủ tục tách thửa, phân lô
UBND tỉnh Lâm Đồng có chỉ đạo đến các huyện, thành phố tạm dừng tiếp nhận, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc phân lô, tách thửa, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn.
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản chỉ đạo gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND các huyện thành phố về việc tạm dừng tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc phân lô, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo đó, thời gian qua trên địa bàn tỉnh có một số trường hợp hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn, nhưng thực chất hình thành các khu, điểm dân cư mới và giới thiệu, quảng cáo, giao dịch tương tự các dự án bất động sản mà các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh trong thời gian gần đây, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Để công tác quản lý đất đai nói chung và việc tác thửa, xây dựng nhà ở riêng lẻ nói riêng trên địa bàn tỉnh bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và thực tế tại địa phương, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố tạm dừng toàn bộ việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến tách thửa đất nhưng thực chất là biến tướng để đầu tư dự án bất động sản. Đó là các trường hợp tách thửa đất thành nhiều thửa để chuyển nhượng, xây dựng nhà ở hình thành các khu, điểm dân cư mới tại nông thôn.
Thời gian tạm dừng tiếp nhận, giải quyết các thủ tục liên quan đến tách thửa đất sẽ kéo dài đến ngày 1/3/2022, khi Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực.
UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Sở KH&ĐT và các cơ quan, đơn vị, rà soát kỹ các quy định pháp luật liên quan (Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản), đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo đối với việc tách thửa để xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh cho phù hợp quy định hiện hành. Thời gian trình báo cáo đề xuất cho UBND tỉnh Lâm Đồng trước ngày 12/2/2022.
Ngoài các trường hợp nói trên, các hồ sơ tách thửa khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng sẽ được các sở ngành, địa phương tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật về đất đai.
Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Hiện một số địa phương như TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, huyện Lâm Hà có một số đối tượng và doanh nghiệp lợi dụng chủ trương hiến đất làm đường phục vụ sản xuất nông nghiệp để phân lô, tách thửa trên đất nông nghiệp, đất rừng. Song song đó, các đối tượng này đã “vẽ” lên các dự án bất động sản để bán, thu tiền người mua. Những đối tượng này có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai, gấy thất thoát ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường sinh thái tại đây”.
Hàng loạt khu phân lô bán nền được phù phép bằng những tên gọi mỹ miều mọc lên trên địa bàn TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, Lâm Hà như: dự án Bảo Lộc Sukura Garden và Jade Garden Hill Bảo Lộc (Công ty Cổ phần Alpha Land); dự án Suối Mơ Garden Hill (Công Ty TNHH Đầu Tư Và Phát Triển Bất Động Sản Ruby Holding), dự án The Gems Paradise 2 (Công ty CP Đầu tư và Phát triển Ngôi Sao Đỏ - Redstar Land); dự án Aurora City (Công ty BĐS Trung Tín); dự án Golden City (Công ty Era Holdings); dự án Đam B'ri Ecovill (Công ty Hưng Vượng Real).
Hay dự án Làng Đam B'ri (Công ty Bee Land); dự án Bảo Lộc Greenwich (Công ty Phú Hoàng Investment); dự án 70 Đạm B'ri (Công ty GM Holdings); dự án Kingdom Ecolake Village và Kingdom Hill Village (Tập đoàn Kingdom Corporation - Kingdom Land); dự án Sunrise Village (Công ty We Group Invesment & Development); làng sinh thái An Khê (Công ty T&T Investmet); Biệt thự Kiwuki Village (GM Holdings thuộc GM Property Group)…
Hiện nay, nhiều cơ quan ban ngành tỉnh Lâm Đồng đang vào cuộc xử lý. Theo đó, Công an tỉnh Lâm Đồng đang tiến hành kiểm tra, xác minh tin báo về tội phạm của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng về một số dấu hiệu sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai tại thành phố Bảo Lộc.
Mặc dù năm 2021 thị trường bất động sản trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, tuy nhiên thị trường bất động sản tỉnh Lâm Đồng đã diễn ra rất sôi động. Theo Sở Xây dựng cho biết, trong 2 quý đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận 24.531 giao dịch bất động sản (chủ yếu là đất nền). Đến 2 quý cuối năm 2021, tỉnh ghi nhận 15.101 giao dịch.
Xuất hiện kiểu phân lô bán nền theo Alibaba?
Theo tìm hiểu, địa bàn huyện Bảo Lâm xuất hiện những khu đất nông nghiệp được cá nhân phân lô, thành lập thành dự án rồi bán nền, thu tiền khách hàng. Theo đó, những “dự án” này mang tên Country Dream 1 (Bus Home), Country Dream 2, Country Dream 3 đang được Công ty Cổ phần Đầu tư BĐS Country Land, Công ty TNHH Đầu tư Adamas, Công ty TNHH Phát triển Nhà Bảo Lộc cho nhân viên chào mời khách hàng.
Theo đó, Country Deam 1 (Bus Home) có diện tích hơn 4000m2 được chia làm 5 nền và phần còn lại xây dựng nhà hàng, Bus homestay, có giá bán từ 5,5 đến 6 triệu/m2. Người đứng tên sổ đất Country Dream 1 này là bà Trần Thị Thu Phương (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư BĐS Country Land)
Country Dream 2 có diện tích hơn 27000 m2 tại xã Đam Bri, huyện Bảo Lâm, thuộc đất trồng cây lâu năm, do ông Nguyễn Đình Sơn (trú tại TP Hồ Chí Minh) làm chủ đất. “Dự án” này được vẽ thành 47 nền, hiện nay hạ tầng đã được đầu tư hoàn thiện.
Tiếp đến là “dự án” Country Dream 3 toạ lạc tại xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm. Country Dream 3 có tổng diện tích 3,4ha, quy mô 37 nền (diện tích mỗi nền từ 500 đến 1200m2), có công viên rộng 3000m2, giá tầm 2 đến 2,2 triệu/m2.
Theo những nhân viên sale này tư vấn các dự án Country Dream đang là đất trồng cây lâu năm nhưng đã tách sổ ra được từng nền. Nếu khách hàng mua nền tại đây, Công ty Country Land sẽ cam kết năm 2022 sẽ lên được một phần thổ cư. Nếu không lên được đất ở, công ty sẽ chịu phạt lãi theo hợp đồng đã ký.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho rằng hiện trên địa bàn huyện Bảo Lâm không có dự án bất động sản nào.
Vậy có thể nói Country Dream 1, 2, 3 đang rao bán trên đất nông nghiệp là "dự án ma” và có thể thấy rằng, những dự án này đang rao bán trên thị trường chẳng khác nào vụ việc phân lô bán nền trên đất nông nghiệp mà Công ty Alibaba đã thực hiện trước đó.