Làm đường trên cao vượt Ngã Tư Sở: Vì sao không ổn?

Chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Xuân Thủy đề nghị làm hầm chui qua cầu vượt Ngã Tư Sở, để giải cứu nút giao thông này, không làm đường trên cao.

Đường vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở) chính thức thông xe từ hôm 9/11, tuy nhiên, sau khi thông xe, nút giao thông Ngã Tư Sở càng bị ùn tắc nghiêm trọng, nhất là vào giờ cao điểm. TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định, mật độ giao thông Ngã Tư Sở - Trường Chinh vẫn luôn quá tải, khi thông cầu, lượng phương tiện từ đường Giải Phóng đổ về càng đông hơn, tốc độ các phương tiện từ trên cầu đổ dồn xuống Ngã Tư Sở nhanh hơn khiến nút giao thông này bị kẹt cứng. Đây là kết quả của việc quy hoạch hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, không có sự tính toán tổng thế.

Ùn tắc hướng Trường Chinh - Láng, phương tiện xếp hàng dài di chuyển rất chậm qua ngã tư. Ảnh: Infornet  
Ùn tắc hướng Trường Chinh - Láng, phương tiện xếp hàng dài di chuyển rất chậm qua ngã tư. Ảnh: Infornet  
 

Thực tế trên đòi hỏi các cơ quan quản lý phải nghiên cứu, đưa ra phương án giải cứu cho nút giao thông này, đồng thời hoàn thiện đường Vành đai 2 chạy đến cầu Nhật Tân. Tuy nhiên, chọn phương án "sửa lỗi" thế nào, làm tiếp đường trên cao vượt nút Ngã Tư Sở chạy đến nút Cầu Giấy, hay làm hầm chui, hay phải thiết kế một ngã tư lập thể... theo vị chuyên gia phải nghiên cứu, tính toán cho kỹ.

Trước hết về đề xuất làm đường trên cao vượt nút Ngã Tư Sở và chạy đến nút giao Cầu Giấy, hoàn thiện đường Vành đai 2 chạy đến cầu Nhật Tân, ông Thủy cho rằng nghiên cứu toàn tuyến cho trục giao thông chính từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Nhật Tân là cần thiết nhưng không nhất thiết phải làm đường trên cao vượt Láng.

Vị chuyên gia giải thích, nếu làm đường trên cao vượt Láng thì bắt buộc phải vượt trên cả đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Tuy nhiên, với một tuyến đường vượt cao như vậy thì yêu cầu về kỹ thuật phải đòi hỏi rất cao, chưa nói tới về mặt thiết kế, mỹ quan sẽ rất rối rắm, thiếu an toàn.

Mặt khác, khi làm đường trên cao vượt Láng dẫn thẳng tới Cầu Giấy thì nguy cơ ùn tắc cục bộ giống như Ngã Tư Sở sẽ tiếp tục lặp lại, cứ như thế không thể giải quyết được tình trạng ùn tắc cho Hà Nội. 

"Tình trạng ùn tắc tại nút giao thông Cầu Giấy từ trước tới nay không khá hơn so với nút giao thông Ngã Tư Sở, nếu làm đường trên cao đổ xuống nút giao thông này không khác nào "nước từ trên đỉnh núi đổ xuống con sông hẹp, với khối lượng lớn, vận tốc nhanh, không thể thoát kịp thì sẽ lại ùn tắc"", ông Thủy phân tích.

Vì thế, phương án làm đường trên cao vượt Láng không nhận được sự ủng hộ từ chuyên gia. Ông cho rằng, làm đường trên cao vừa tốn kém vừa không giải quyết được ùn tắc mà chỉ mang ùn tắc từ nút giao thông này sang cho nút giao thông khác mà thôi.

Về trước mắt, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng có thể nghiên cứu làm một ngã tư lập thể tại nút giao thông Ngã Tư Sở, giống như thiết kế với cầu Chương Dương, tức là làm cầu vượt trên cao và cho xe quay đầu ngay tại Ngã Tư Sở. Phương án này sẽ tiết kiệm hơn so với phương án làm đường trên cao vượt Láng và cũng sẽ giúp giải quyết được ùn tắc tại các điểm giao cắt của Ngã Tư Sở. Tuy nhiên, phương án này sẽ gặp khó khăn, không thể mở rộng cầu hoặc khó làm cầu nhiều tầng do vướng đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, như vậy, nguy cơ ùn tắc sẽ tiếp tục lặp lại.

Do đó, phương án tối ưu được vị TS lựa chọn là làm hầm chui nối từ cầu vượt Trường Chinh qua Ngã Tư Sở nối sang Láng. Ông nhấn mạnh, chỉ cần làm cầu vượt qua Ngã Tư Sở, không phải kéo dài vì mật độ giao thông của đường Láng hiện nay đã rất ổn định, không nên can thiệp, thay đổi mật độ giao thông trên tuyến này nữa.

Về lâu dài, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, cần nghiên cứu quy hoạch tổng thể, phân đoạn, lập mô hình quyết định dựa trên các thông tin đầu vào thực tế như lưu lượng giao thông, mật độ dân cư, độ rộng và diện tích đường, các điểm giao cắt... để có thiết kế phương án giao thông cho phù hợp. Ví dụ đoạn nào cần làm đường trên cao, đoạn nào cần làm hầm chui, đoạn nào cần thiết kế ngã tư lập thể, tất cả sẽ được tính toán, thiết kế dựa trên nền quy hoạch tổng thể.

Một điều không kém quan trọng chính là phương án điều khiển giao thông, hệ thống đèn tín hiệu phải rất hiện đại, thông minh. Dựa trên thống kê về mật độ phương tiện, số lượng phương tiện qua từng tuyến đường để điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu giao thông cho linh hoạt, phù hợp, đoạn nào cần phải kéo dài thời gian, đoạn nào phải giảm thời gian tín hiệu đèn chờ, phải được điều khiển bởi một trung tâm điều khiển hiện đại, khoa học.

"Trong bối cảnh phát triển hiện nay, việc phải chấp nhận một hệ thống giao thông tốn kém, phức tạp là khó tránh, vấn đề là chọn phương án nào hiệu quả và tiết kiệm hơn để làm", vị chuyên gia lưu ý.

Thái Bình

Theo Báo Đất Việt