Làm sổ đỏ trước 1/1/2026, chủ đất được hưởng lợi lớn
Từ ngày 1/1/2026, chi phí làm sổ đỏ dự kiến tăng mạnh do bảng giá đất cập nhật hàng năm. Làm sổ đỏ trước năm 2026 có thể tiết kiệm hàng trăm triệu đồng.
Từ 1/1/2026, bảng giá đất sẽ được ban hành hàng năm
Thị trường đất đai đang tồn tại cơ chế 2 giá đất. Một giá đất theo khung Nhà nước ban hành, là cơ sở để tính tiền đóng thuế hoặc tính giá đất đền bù giải phóng mặt bằng. Giá đất thứ hai được gọi là giá trên thị trường, thường cao hơn gấp nhiều lần so với khung giá do Nhà nước quy định.
Luật Đất đai 2024 quy định, từ ngày 1/1/2026, bảng giá đất tại các tỉnh, thành sẽ được cập nhật hàng năm thay vì chu kỳ 5 năm như trước đây.
Bảng giá đất mới sẽ được xây dựng dựa trên giá trị thực tế của thị trường, bỏ qua khung giá đất cố định theo quy định cũ.
Đặc biệt, bảng giá đất mới sẽ được xây dựng chi tiết tới từng khu vực, từng vị trí. Với các khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất, giá sẽ được xác định đến từng thửa đất dựa trên vùng giá trị và thửa đất chuẩn (khoản 2, Điều 159).
Việc xác định bảng giá đất theo phương pháp mới giúp giá đất tiệm cận với thị trường, minh bạch hơn trong tính toán nghĩa vụ tài chính.
Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc chi phí làm sổ đỏ lần đầu - vốn tính theo bảng giá đất có thể tăng mạnh.
Các khoản tài chính chịu tác động trực tiếp bao gồm: tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và lệ phí trước bạ. Trong đó, tiền sử dụng đất thường chiếm tỷ trọng cao nhất.
Những trường hợp áp dụng bảng giá đất từ 1/1/2026
Theo khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai 2024, từ 1/1/2026, bảng giá đất sẽ được áp dụng khi:

- Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân hoặc đất chuyển mục đích sử dụng.
- Tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất thu tiền hàng năm.
- Tính thuế sử dụng đất.
- Tính thuế thu nhập từ việc chuyển quyền sử dụng đất với hộ gia đình, cá nhân.
- Tính lệ phí trong quản lý và sử dụng đất đai.
- Tính tiền xử phạt khi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
- Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý, sử dụng đất đai.
- Tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.
- Tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất với trường hợp đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
- Tính tiền sử dụng đất với trường hợp giao đất không thông qua đấu giá.
- Tính tiền sử dụng đất với trường hợp bán nhà ở thuộc sở hữu của nhà nước cho người đang thuê.
Như vậy, từ 01/01/2026, bảng giá đất sẽ được áp dụng khi tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuế sử dụng đất, tiền thuế thu nhập từ việc chuyển nhượng đất, tiền lệ phí quản lý và sử dụng đất, tiền xử phạt hoặc bồi thường khi vi phạm hoặc để tính giá khởi điểm khi đấu giá quyền sử dụng đất.
3 nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng khi bảng giá đất mới bắt đầu

Dưới đây là 3 nhóm đối tượng được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng rõ rệt khi bảng giá đất mới bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2026:
Người dân xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở
Theo Nghị định 103/2024/NĐ-CP, tiền sử dụng đất trong trường hợp này sẽ được tính dựa trên giá đất tại bảng giá đất do UBND cấp tỉnh công bố.
Tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích được tính bằng diện tích đất nhân với đơn giá đất ở mới. Nếu đất chuyển đổi có nguồn gốc là đất nông nghiệp được giao không thu tiền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng hợp pháp, thì mức tiền phải nộp sẽ căn cứ vào giá đất nông nghiệp hiện hành và giá đất ở sau khi chuyển đổi.
Vì vậy, với việc bảng giá đất từ năm 2026 tiệm cận hơn với giá thị trường, người dân chắc chắn sẽ phải chi trả mức tiền sử dụng đất cao hơn đáng kể so với hiện nay khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư.
Người sở hữu đất thuộc diện “quy hoạch treo”
Đất nằm trong khu vực "quy hoạch treo" từ lâu đã gây nhiều bức xúc khi người dân không thể thực hiện các quyền cơ bản như xin giấy phép xây dựng, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất hay xin cấp sổ đỏ lần đầu. Trong thời gian đất bị "treo", giá đất tại bảng giá Nhà nước vẫn ở mức thấp, nhưng người dân không thể làm thủ tục liên quan.
Đáng chú ý, nếu thời điểm được gỡ quy hoạch trùng với thời gian bảng giá đất mới có hiệu lực thì người dân sẽ chịu thiệt hại kép. Họ vừa mất cơ hội thực hiện quyền sử dụng đất suốt nhiều năm, lại vừa phải nộp tiền sử dụng đất với mức giá mới - thường cao hơn gấp nhiều lần so với bảng giá cũ.
Người xin cấp sổ đỏ lần đầu
Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) lần đầu cũng là một thủ tục yêu cầu người dân nộp một khoản tiền sử dụng đất dựa trên bảng giá đất. Các khoản phải nộp bao gồm: tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp giấy chứng nhận và các chi phí thẩm định hồ sơ.
Trong đó, tiền sử dụng đất chiếm tỉ trọng lớn nhất, có thể lên đến hàng trăm triệu đồng tùy theo diện tích và khu vực. Với việc giá đất trong bảng mới được điều chỉnh để gần hơn với giá thực tế giao dịch trên thị trường, người xin cấp sổ đỏ sau ngày 1/1/2026 có thể sẽ phải trả chi phí cao hơn rất nhiều so với thời điểm hiện nay. Những ai đang có kế hoạch làm thủ tục cấp sổ đỏ cần đặc biệt lưu ý để tránh phát sinh chi phí đột biến.
Do vậy, nhiều luật sư khuyến nghị người dân nên khẩn trương hoàn thiện hồ sơ xin cấp sổ đỏ trước ngày 1/1/2026 để tránh phát sinh chi phí cao và bảo vệ quyền lợi pháp lý.
Đối với những trường hợp gặp vướng mắc về hồ sơ, người dân có thể liên hệ cơ quan tài nguyên và môi trường hoặc các đơn vị tư vấn pháp lý uy tín để được hỗ trợ, đảm bảo tiến độ giải quyết trước khi bảng giá đất mới được áp dụng.