Làm sống lại hơn 1 triệu tỷ đồng “vốn chết”

Quy mô nợ xấu toàn nền kinh tế đã vượt 1 triệu tỷ đồng. Đây được cho là số “vốn chết” khổng lồ đang gây lãng phí nguồn lực. Vậy làm sao để hóa giải “cục nợ”, rã băng khối tiền này, đưa quay lại nền kinh tế?

Nợ xấu toàn nền kinh tế vượt 1 triệu tỷ đồng

Thống kê từ báo cáo tài chính quý I của các ngân hàng cho thấy, nợ xấu tại nhóm các ngân hàng niêm yết tiếp tục xu hướng gia tăng. Tính đến 31/3, tổng dư nợ cho vay tại 28 ngân hàng đạt hơn 12,3 triệu tỷ đồng (tăng gần 4% so với đầu năm) trong khi tổng nợ xấu tính ở mức 266.403 tỷ đồng (tăng gần 16%). Trong đó, có tới 22/28 nhà băng ghi nhận quy mô nợ xấu tăng so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản đang tăng nhanh.

Nguyên nhân nợ xấu tăng được Ngân hàng Nhà nước nhận định chủ yếu do: nền kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, chịu tác động khó lường của tình hình kinh tế thế giới và diễn biến phức tạp của thiên tai; thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản phục hồi chậm; thị trường mua bán nợ chưa phát triển như kỳ vọng, một số nội dung của Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu chậm được luật hóa đã ảnh hưởng đến việc xử lý, thu hồi nợ của một số tổ chức tín dụng và tổ chức mua bán, xử lý nợ; năng lực quản trị của một số tổ chức tín dụng còn bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng và mức độ rủi ro.

Làm sống lại hơn 1 triệu tỷ đồng “vốn chết” - Ảnh 1

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, thông tin hiện quy mô nợ xấu toàn nền kinh tế đã vượt 1 triệu tỷ đồng. Số “vốn chết” khổng lồ này không chỉ lãng phí nguồn lực trong bối cảnh nền kinh tế thiếu vốn hiện nay mà còn là nguyên nhân khiến mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cao. Thêm nữa, tài sản thế chấp gắn với các khoản vay cũng không thể sử dụng, khai thác do vướng rủi ro pháp lý, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu vốn trong nền kinh tế.

Đại diện một số ngân hàng cho hay Chính phủ rất mong muốn giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng, nhưng đây là thách thức đối với các ngân hàng, vì có một lượng lớn nợ xấu tồn kho. Để giải quyết vấn đề nợ xấu, đa phần ngân hàng phải sử dụng giải pháp trích lập dự phòng rủi ro. Nhưng giải pháp này tác động ngay tới lợi nhuận, buộc các nhà băng phải tìm giải pháp gia tăng thu nhập từ việc huy động và cho vay với mặt bằng lãi suất có xu hướng đi lên.

Khó thu hồi nợ, các ngân hàng vừa không thể quay vòng vốn, vừa phải trả lãi cho người gửi tiền, vừa phải cắt một phần lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro cho “cục nợ” khổng lồ này.

Xử lý nợ xấu thế nào?

Nếu hơn 1 triệu tỷ đồng nợ xấu được xử lý, dòng tiền mới sẽ quay lại thị trường, doanh nghiệp được cứu, tài chính ngân hàng "khỏe" và nhà nước thu được thuế. Đây là bài toán tổng thể, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, không thể chỉ để doanh nghiệp tự xoay xở.

Theo luật sư Lê Trung Phát - Đoàn luật sư TP. HCM, việc xử lý tài sản nhằm đảm bảo cho việc thu hồi nợ, nhìn tưởng rất đơn giản nhưng quả thật có rất nhiều vấn đề đặt ra. Mới đầu, nhìn các ngân hàng cho vay và nhận thế chấp bằng bất động sản, cứ ngỡ là đơn giản và không mấy rủi ro, nhưng thực tế tiềm ẩn nhiều rủi ro để lấy lại được quyền lợi chính đáng. Các ngân hàng sẽ phải tốn nhiều thời gian, công sức nếu gặp phải các khách hàng không thiện chí khi bản thân họ không trả được nợ, bàn giao tài sản. Nhiều trường hợp ngân hàng cầm được bản án, quyết định thi hành án, chờ việc bán đấu giá tài sản để thu hồi tiền nhưng đến lúc đó vẫn chưa xong vì lại phát sinh các tranh chấp.

Làm sống lại hơn 1 triệu tỷ đồng “vốn chết” - Ảnh 2

Theo các chuyên gia, xử lý nợ xấu không chỉ giúp thu hồi nợ mà còn là cơ hội phục hồi thị trường, do đó cần xem xét ban hành cơ chế đặc thù để xử lý nợ xấu một cách quyết liệt, đồng bộ, minh bạch và hạn chế tranh chấp trong phát mãi tài sản.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận một trong những vướng mắc lớn hiện nay là pháp lý đối với tài sản đảm bảo. Nhiều dự án có giá trị lớn đang bị mắc kẹt do thủ tục phức tạp, tranh chấp pháp lý kéo dài, khiến ngân hàng không thể phát mãi và doanh nghiệp không thể tái cấu trúc. Vì vậy, hành lang pháp lý cần hoàn thiện theo hướng minh bạch, rút ngắn quy trình xử lý tài sản đảm bảo, kể cả thông qua đấu giá công khai hoặc chuyển nhượng dự án.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng chỉ khi pháp luật minh bạch, đồng bộ, tạo điều kiện lưu chuyển tài sản, khơi thông dòng tiền, thì mới có thể xử lý tận gốc nợ xấu. Ông Châu đề xuất Chính phủ cần xem xét ban hành cơ chế đặc thù để xử lý nợ xấu một cách quyết liệt, đồng bộ.

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, trọng tâm là luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu và phân cấp thẩm quyền cho vay đặc biệt. Ba nhóm chính sách của Nghị quyết 42 được luật hóa gồm: cho phép thu giữ tài sản bảo đảm có thỏa thuận, hạn chế kê biên tài sản trong các vụ thi hành án dân sự và hoàn trả tài sản là vật chứng sau khi được xác minh. Tất cả đều nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho tổ chức tín dụng trong thu hồi nợ.

Các chuyên gia phân tích VNDirect nhìn nhận việc luật hóa 3 điều khoản trong Nghị quyết 42 sẽ giúp giảm tỷ lệ nợ xấu ngành ngân hàng xuống dưới 3%. Tính đến tháng 1/2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ở mức 4,3%, tập trung tại một số ngân hàng yếu kém và diện kiểm soát đặc biệt.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng việc đưa các quy định của Nghị quyết 42 vào luật sẽ tạo cơ sở pháp lý ổn định, lâu dài, giúp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ quyền lợi của tổ chức tín dụng, người gửi tiền và người vay.

Ngoài luật hóa quyền thu giữ tài sản đảm bảo, một giải pháp quan trọng nữa để giải quyết rốt ráo nợ xấu chính là phát triển thị trường mua bán nợ. Thời gian tới, có thể các công ty mua bán nợ sẽ được thành lập nhiều hơn và phạm vi hoạt động được mở rộng hơn.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo thông tư quy định về hoạt động của công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC). Theo dự thảo này, khoản nợ mà AMC thực hiện quản lý, khai thác theo ủy quyền là nợ xấu bao gồm cả nội bảng, ngoại bảng. Khoản nợ công ty AMC được mua, bán chỉ bao gồm các khoản nợ xấu nội bảng, ngoại bảng phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay cho bảo lãnh, khoản phải thu từ hợp đồng cho thuê tài chính.

Theo TS Cấn Văn Lực, việc mở rộng phạm vi hoạt động của các công ty mua bán nợ là rất cần thiết. Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng nên cho phép các công ty mua bán nợ đáp ứng đủ điều kiện được thu giữ tài sản đảm bảo, nhằm tăng cường khả năng thu hút nguồn vốn từ xã hội cho hoạt động xử lý nợ xấu.

Ông Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, việc sửa đổi đồng bộ hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu, trong đó có sửa Luật Các tổ chức tín dụng và ban hành thông tư mới về quản lý nợ và khai thác tài sản sẽ kích thích thị trường nợ phát triển. Hiện gần 50% nợ xấu được các nhà băng xử lý bằng trích lập dự phòng rủi ro. Nhưng kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, biện pháp xử lý nợ xấu hiệu quả và bền vững nhất vẫn là phát triển thị trường mua bán nợ.

Hồng Yến

Theo Vietnamfinance