Lấn biển làm BĐS và kinh doanh: ĐBQH chỉ rõ nguy cơ, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói gì?
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, việc khai thác sử dụng tài nguyên biển thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, các dự án đầu tư về du lịch, công nghiệp, đô thị dọc bờ biển đều cần phải đánh giá tác động môi trường thật kỹ lưỡng.
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn đã đề cập đến giải pháp khắc phục nguy cơ xói lở bờ biển trong hoạt động lấn biển và khai thác cát biển.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh: "Hoạt động lấn biển và khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng sẽ có tác động lớn tới môi trường biển, nhất là tác động của dòng chảy dọc và ngang, dẫn tới khả năng xói lở bờ biển".
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, biển là một thể thống nhất, việc khai thác sử dụng tài nguyên biển thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, các dự án đầu tư về du lịch, công nghiệp, đô thị dọc bờ biển đều cần đánh giá tác động môi trường thật kỹ lưỡng, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường biển, hệ sinh thái biển, vận tải biển, hàng hải, nuôi trồng thủy hải sản.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, để giải quyết những vấn đề chồng lấn, giao thoa này, Quy hoạch biển quốc gia đã có những phân vùng sử dụng, định hướng không gian phát triển, quy hoạch gắn với quy hoạch các ngành, quy hoạch của các địa phương có biển, cần thực hiện nghiêm túc việc quy hoạch để giải quyết vấn đề này, để vừa phát triển được kinh tế vừa bảo vệ được môi trường.
Liên quan đến hoạt động lấn biển, vì tính chất quan trọng nên Luật Đất đai quy định về lấn biển đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4/2024 thay vì tới đầu năm 2025.
Hiện nay, Việt Nam đã có một số dự án lấn biển. Nổi bật có khu đô thị lấn biển Cần Giờ quy mô lên đến 2.800ha. Đây là siêu đô thị với các chức năng hoàn chỉnh, đáp ứng về khu đô thị xanh, tiết kiệm điện, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường… Hay khu đô thị lấn biển ở Quảng Ninh đã hình thành cả một khu công nghiệp ô tô hay các khu đô thị hiện đại.
Theo đề xuất gửi đến Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng các quy định về hoạt động lấn biển mang lại lợi ích về quốc phòng, đô thị, công nghiệp, cảng biển du lịch, nuôi trồng thủy hải sản, làm thủy cung, đường hầm đi dưới đáy biển, dự án điện gió ngoài khơi… nên rất cần thiết.
Theo đó, ông Lê Hoàng Châu đề xuất để sớm thực thi các quy định trong luật phải có nghị định hướng dẫn. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm hoàn thiện nghị định để sớm ban hành, làm cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp làm và các địa phương quản lý.
"Luật này sẽ tháo gỡ cho các dự án lấn biển đang ách tắc hiện nay. Đồng thời cũng định hướng hoạt động lấn biển theo quy hoạch quốc gia, quy hoạch chung cấp tỉnh. Không phải chỗ nào cũng lấn biển mà phải thuận theo tự nhiên, nhất là những khu vực bồi lắng phù sa rất cao như khu vực Kim Sơn (Ninh Bình) hay vùng biển mũi Cà Mau… phù hợp lấn biển. Còn khu vực biển bị xâm thực cần phải bảo vệ chứ không thể lấn biển. Nếu có quy hoạch thì hoạt động lấn biển mới bền vững", ông Châu nêu.