Làn sóng rao bán khách sạn 3 đến 5 sao trong bối cảnh thị trường ảm đạm
Giữa lúc thị trường bất động sản ảm đạm thì phân khúc khách sạn từ 3 đến 5 sao đồng loạt được rao bán rầm rộ. Điều này có vẻ đang nghịch lý khi thời điểm hiện nay đang vào lúc cao điểm của ngành du lịch.
Khi gặp áp lực về tài chính thì phân khúc bất động sản là khách sạn tưởng chừng dễ hái ra tiền nhất cũng phải rơi vào cảnh bị rao bán. Đáng chú ý, thời điểm các khách sạn này được rao bán lại rơi đúng vào độ cao điểm của ngành du lịch.
Qua đây cũng cho thấy, bức tranh du lịch nửa đầu năm 2023 chưa thực sự được khởi sắc, chưa kể, xu hướng tiết kiệm chi tiêu trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn cũng khiến cho người tiêu dùng dè dặt, cân nhắc khi lựa chọn nơi lưu trú. Phần nào khiến cho doanh thu của các khách sạn bị sụt giảm nghiêm trọng, nhiều khách sạn trên cả nước buộc phải đóng cửa hoặc sang nhượng, rao bán. Giá trị rao bán các khách sạn từ vài chục tỷ đến cả trăm tỷ.
Đơn cử như tại Đà Nẵng, thông tin rao bán và chuyển nhượng khách sạn, resort tại Hội An diễn ra rầm rộ. Một khu resort 4 sao tại Hội An rộng 11.000m2 đang được rao bán. Cũng tại Đà Nẵng, một căn khách sạn có diện tích 1.500m2, nằm trên đường Bạch Đằng đang được bán với giá 1.100 tỷ đồng, tương đương 733 triệu đồng/m2. Theo người bán, căn khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao và mới hoàn công năm 2023. Đây là 1 trong những tòa khách sạn đẹp nhất Đà Nẵng, có view sông Hàn. Tòa khách sạn được xây dựng 33 tầng, trong đó thiết kế 286 phòng, đầy đủ phòng hội nghị bể bơi,...
Tại Yên Bái cũng đang rao bán một khách sạn trung tâm thành phố Yên Bái với view hồ, diện tích lên tới 2170m2. Toàn bộ khách sạn này là đất thổ cư 100% với 70 giường ngủ. Giá rao bán là 68 tỷ đồng.
Ngoài ra, qua khảo sát tại các trang rao bán bất động sản, một số khách sạn tại Hà Nội cũng được rao bán rầm rộ như một khách sạn 4 sao tại phố Mã Mây (Hà Nội) có diện tích 328m2, xây dựng 10 tầng, trong đó có 66 phòng kinh doanh. Do nằm ở vị trí đắc địa bậc nhất Thủ đô, nên căn khách sạn có giá 520 tỷ đồng, tương đương gần 1,6 tỷ đồng/m2.
Trước đó, thống kê của UBND TP Hà Nội, tính đến tháng 5/2023, trên địa bàn Hà Nội có 3.756 cơ sở lưu trú với 70.218 phòng. Trong đó, 603 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 - 5 sao. Song công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 - 5 sao ước chỉ đạt khoảng 60%, dù tăng mạnh 32,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Một khách sạn nằm trên phố Hàng Gai đang được rao bán với giá là 125 tỷ đồng với diện tích 130m2, 8 lần, 20 phòng ngủ hay một căn khách sạn mặt phố Ba Đình, nằm cạnh Hồ Tây, lô góc với 26 căn hộ đang được rao bán với mức giá 52 tỷ đồng.
Vừa qua, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) thông báo hơn 350 khách sạn nằm trong danh sách tài sản bảo đảm cần xử lý để thu hồi nợ. Các tài sản này nằm ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó chủ yếu là bất động sản ở những điểm du lịch.
Trong đó có một quyền sử dụng đất và khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng có diện tích 1.220 m2, diện tích xây dựng 21.707,61 m2, quy mô 236 phòng. Tài sản này được VietinBank chào bán với giá 600 tỷ đồng.
Tại quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), một khu khách sạn – condotel đang bỏ trống, diện tích đất 1.432m2, toạ lạc tại vị trí hai mặt tiền, trong đó hướng chính là mặt tiền đường Võ Nguyên Giáp, được ngân hàng rao bán với giá 100 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng địa bàn tỉnh Quảng Nam, ngân hàng này rao bán khoảng 35 tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và biệt thự, nhà hàng, khách sạn 3-4 sao trị giá từ vài chục tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng. Tại Đà Nẵng, VietinBank cũng rao bán một bất động sản là khách sạn 5 sao có diện tích 1.220m2 với giá 600 tỷ đồng. Chưa dừng lại, ở các địa phương khác như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, ngân hàng này cũng rao bán nhiều bất động sản với giá từ vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng.
Hai khách sạn 4 sao tại Hội An (Quảng Nam) với quy mô 98-104 phòng được chào đồng giá 420 tỷ đồng cho mỗi bất động sản. Riêng tại Hội An, VietinBank còn rao bán gần 60 khách sạn, bất động sản khác nhau, phân khúc phổ biến là các khách sạn 3-4 sao, homestay và biệt thự với giá bán từ vài chục tới vài trăm tỷ đồng.
Lý giải về nguyên nhân nhiều khách sạn bị rao bán, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho biết, các chủ khách sạn có thể gồng trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra vì khi đó lãi suất thấp, tiền dự trữ có một khoản nhất định. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái lãi suất tăng cao, áp lực tài chính ngày càng lớn khiến các chủ đầu tư không thể tiếp tục “gồng” nên đành rao bán.
Số liệu của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, cho thấy, tính đến hết tháng 6.2023, cả nước có 235 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao với 77.895 buồng và 354 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao với 47.502 buồng. So với cuối năm 2022, số lượng cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 4-5 sao trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng thêm 20 cơ sở, với 7.275 buồng. Tức là nguồn cung đang ngày một gia tăng trong khi lực cầu lại ít.
Một yếu tố khác cũng được cho là nguyên nhân ảnh hưởng đến doanh thu của khách sạn là sự xuất hiện của các dòng sản phẩm chất lượng cao hơn, mang tính riêng biệt hơn, phù hợp với nhu cầu du lịch trải nghiệm, ngắn ngày của du khách.