Liên tục đứng ra bảo lãnh cho công ty con vay gần 6.000 tỷ đồng từ ngân hàng VietinBank và OCB, “sức khỏe” tài chính của Nhà Khang Điền đang ra sao?
Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Mã CK: KDH) vừa thông qua phương án cho Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Phúc (Khang Điền nắm 100% vốn) vay vốn và thế chấp tài sản tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Trước đó, Khang Điền cũng đứng ra bảo lãnh cho chính Nhà Khang Phúc vay tối đa hơn 4.600 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).
Bảo lãnh cho Nhà Khang Phúc vay 4.619 tỷ đồng từ Ngân hàng VietinBank
Tháng 6 vừa qua, Nhà Khang Điền đã thông qua Nghị quyết phê duyệt cho công ty con là Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Phúc (do Khang Điền nắm 100% vốn điều lệ) thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội Khu trung tâm dân cư Tân Tạo A – Khu A, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 21/08/2017 và Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 8/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Nhà Khang Điền phê duyệt thông qua việc Nhà Khang Phúc vay vốn và thế chấp tài sản đảm bảo cho khoản vay tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) – Chi nhánh TPHCM với hạn mức vay tối đa 4.619 tỷ đồng.
Thời hạn vay là 84 tháng kể từ ngày tiếp theo của ngày giải ngân đầu tiên. Mục đích vay nhằm thanh toán chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thuộc Dự án Tân Tạo A.
Đồng thời, Nhà Khang Điền cũng sẽ bảo lãnh để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ thay tại Vietinbank trong trường hợp Nhà Khang Phúc vi phạm nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn, thu xếp nguồn vốn tham gia hỗ trợ Nhà Khang Phúc nhằm đảm bảo công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với Dự án Tân Tạo A và phương án cấp tín dụng tại Vietinbank được triển khai đúng tiến độ; không giảm vốn điều lệ và duy trì vốn góp tối thiểu 99% tại Nhà Khang Phúc.
Bên cạnh đó, Nhà Khang Điền cũng phê duyệt thông qua việc Công ty TNHH Tư vấn Quốc tế (Khang Điền sở hữu 99,9% vốn điều lệ) đồng ý về việc sau khi Dự án Khu nhà ở tại địa chỉ phường Bình Trưng Đông (Dự án Bình Trưng), quận 2, TPHCM được cấp phép Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Bình Trưng (Quốc tế sở hữu 99,9% vốn điều lệ) sẽ thế chấp để đảm bảo cho khoản vay của Nhà Khang Phúc tại Vietinbank tối thiểu 1.000 tỷ đồng và thế chấp nguồn thu phát sinh từ Dự án Bình Trưng với giá trị nguồn thu chia sẻ tương đương mức cấp tín dụng tối đa của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Bình Trưng cho khoản vay của Nhà Khang Phúc tại Vietinbank.
Tiếp tục bão lãnh cho Nhà Khang Phúc vay 1.220 tỷ đồng từ OCB
Theo thông tin được công bố, Nhà Khang Điền sẽ bảo lãnh để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ, nghĩa vụ thanh toán thay cho Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Phúc (Khang Điền sở hữu 100% vốn điều lệ) tại Ngân hàng OCB – Chi nhánh Quận 4 với hạn mức vay 1.220 tỷ đồng.
Có thể thấy, với số tiền vay được, Nhà Khang Phúc dự kiến dùng tối đa 420 tỷ đồng thanh toán chi phí nộp tiền thuê đất và tối đa 800 tỷ đồng thanh toán chi phí đầu tư và xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng – Giai đoạn 1 do Công ty Khang Phúc làm chủ đầu tư.
Như vậy, kể từ thời điểm tháng 6 đến nay, Nhà Khang Điền đã liên tục đứng ra bảo lãnh cho công ty con là Nhà Khang Phúc vay tiền tại hai ngân hàng là VietinBank và OCB với tổng số tiền gần 5.839 tỷ đồng.
Quay trở lại với dự án KCN Lê Minh Xuân mở rộng, dự án có số vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Tổng diện tích 109,91ha, tọa lạc tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.
Theo dự kiến KCN Lê Minh Xuân mở rộng sẽ được xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thoát nước thải, hệ thống cấp nước, hệ thống điện và nhà máy xử lý nước thải tập trung từ tháng 12/2020 đến tháng 12/2023, sau khi được hoàn thành dự án sẽ bắt đầu kinh doanh từ tháng 1/2023. Hiện, KCN này chỉ mới thực hiện đền bù khoảng 84% diện tích và chưa triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Về KCN Lê Minh Xuân hiện hữu có quy mô 100 ha, là một trong những KCN tập trung của TP.HCM được thành lập theo quyết định số 630/TTg ngày 8/8/1997 của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động từ năm 1997 đến nay KCN này đã tiếp nhận khoảng 166 nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có khoảng 27 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, 3 doanh nghiệp liên doanh. Hiện toàn bộ diện tích đã cơ bản lấp đầy, thu hút 175 dự án và gần 200 triệu USD vốn.
“Sức khỏe” tài chính của Nhà Khang Điền
Tại Báo cáo tài chính Hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2022 của KDH, trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của doanh nghiệp giảm 55,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 875,2 tỉ đồng. Nguyên nhân là do doanh thu chuyển nhượng bất động sản giảm 56,2% cùng kỳ, đạt 847,2 tỷ đồng.
Ở hướng ngược lại, thu nhập khác của KDH tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 330,3 tỷ đồng. Trong đó, KDH ghi nhận khoản lãi 269,3 tỷ đồng từ giao dịch mua rẻ CTCP Đầu tư Bất động sản Phước Nguyên - công ty mẹ, sở hữu 100% vốn Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Nhà Đoàn Nguyên.
Trừ đi các chi phí khác, KDH ghi nhận khoản lãi ròng 625,7 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, tăng trưởng 32,2% cùng kỳ.
Được biết, trong năm 2022, Nhà Khang Điền dự kiến doanh thu 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 16% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành được 44,7% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tổng tài sản của Khang Điền tại ngày 30/6 trên 19.348 tỷ đồng, tăng 34,6% so với đầu năm và tăng 11,2% so với thời điểm cuối tháng 3. Trong đó, hàng tồn kho chiếm 62,6% tổng giá trị tài sản, tương đương 12.113 tỷ đồng.
Dòng tiền kinh doanh âm gần 1.500 tỷ đồng
Trong những năm qua, dòng tiền là một vấn đề “đau đầu” đối với Nhà Khang Điền khi kể từ năm 2018, dòng tiền kinh doanh của KDH luôn ở tình trạng âm dẫn đến việc công ty phải huy động dòng vốn bên ngoài để tài trợ. Cụ thể, dòng tiền kinh doanh năm 2018 ghi nhận âm hơn 718 tỷ đồng, năm 2019 ghi nhận âm 163,53 tỷ đồng, và năm 2021.
Bước sang năm 2022, Khang Điền tiếp tục đối mặt với áp lực dòng tiền kinh doanh khi tiếp tục ghi nhận âm 1.477 tỷ đồng trong nửa đầu năm (tăng 634 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 843,1 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, dòng tiền từ hoạt động đầu tư của KDH cũng ghi nhận âm 555 tỷ đồng (tăng 538 tỷ đồng so với cùng kỳ).
Với việc dòng tiền liên tục âm nặng, Nhà Khang Điền đã liên tục ra tăng vay nợ từ nhiều kênh như trái phiếu hay ngân hàng để bù đắp dòng tiền bị thiếu hụt.
Tuy nhiên, việc KDH liên tục vay vốn để bù đắp cho dòng tiền thiếu hụt sẽ tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng gánh nặng lãi vay cũng như rủi ro về tài chính nếu doanh nghiệp không cơ cấu được nguồn vốn để trả các khoản nợ đến hạn. Thậm chí nếu kéo dài, doanh nghiệp có thể sẽ mất khả năng thanh toán.
Về khoản nợ của KDH, tính đến ngày 30/6/2022, doanh nghiệp ghi nhận khoản nợ phải trả 8.010 tỷ đồng, tăng 3.859 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, có tới 70% là nợ tài chính (5.736 tỷ đồng), trong đó chủ yếu là các khoản vay tín dụng từ ngân hàng.
Tổng tài sản của Khang Điền tại ngày 30/6 là 19.366 tỷ đồng, tăng gần 5.000 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, hàng tồn kho chiếm khoảng 63% tổng giá trị tài sản, tương đương 12.113 tỷ đồng. Trong đó, Khu dân cư Tân Tạo (320 ha ở quận Bình Tân, TP HCM) là dự án đang chiếm giá trị lớn nhất trong danh mục tồn kho của Khang Điền với hơn 4.653 tỷ đồng, tăng 30,5% so với đầu năm.