Lộ diện cực phát triển mới của vùng Nam ĐBSH: Là tỉnh có thành phố hơn 760 tuổi - vùng “đất học” của cả nước

Tỉnh có thành phố cổ thứ 2 sau Thủ đô Hà Nội với lịch sử 760 tuổi sẽ là cực phát triển quan trọng của tiểu vùng Nam Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH).

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều này được xem là bước ngoặt mới có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Nam Định, đồng thời cũng là bước cụ thể hóa cho khát vọng, tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu cũng như định hướng phát triển cho toàn tỉnh và từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương trên địa bàn.

Cụ thể, tỉnh Nam Định được xác định sẽ trở thành một cực phát triển quan trọng của tiểu vùng Nam ĐBSH; là trung tâm kinh tế hiện đại và động lực phát triển quan trọng; là điểm kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng ĐBSH.

Tỉnh Nam Định sẽ trở thành cực phát triển quan trọng của tiểu vùng nam Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Internet  
Tỉnh Nam Định sẽ trở thành cực phát triển quan trọng của tiểu vùng nam Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Internet  

Do đó, từ "kim chỉ nam" này mà việc quy hoạch tỉnh Nam Định có vai trò đặc biệt quan trọng. Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, bứt phá và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tỉnh Nam Định xác định việc lập quy hoạch là nhiệm vụ hàng đầu có tính khoa học để làm định hướng phát triển.

Vì thế ngay khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch, ngày 29/12/2023, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo tổ chức và triển khai thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch.

Theo đó, việc quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng cũng như phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH.

Theo chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc, quy hoạch tỉnh được phê duyệt với "3 vùng kinh tế động lực, 4 trung tâm đô thị động lực, 5 hành lang kinh tế, 7 nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển"; đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng nhất nhằm triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực.

Lãnh đạo tỉnh Nam Định cũng kỳ vọng việc quy hoạch sẽ khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, mở ra cánh cửa lớn nhằm thu hút đầu tư, phấn đấu đến năm 2030, Nam Định sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước và là một trong những trung tâm phát triển quan trọng của vùng Nam ĐBSH.

Việc quy hoạch tỉnh Nam Định được kỳ vọng sẽ khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, mở ra cánh cửa lớn nhằm thu hút đầu tư. Ảnh: Internet  
Việc quy hoạch tỉnh Nam Định được kỳ vọng sẽ khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, mở ra cánh cửa lớn nhằm thu hút đầu tư. Ảnh: Internet  

Để việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, Phó Thủ Tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ ra tỉnh Nam Định cần rút ra những bài học phát triển của các địa phương trong vùng, tiếp tục đổi mới sáng tạo và phát huy nội lực, đặc biệt khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng được các thời cơ và tìm ra lối đi riêng để Nam Định trở thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng sống.

Tiếp thu góp ý của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định bày tỏ địa phương sẽ tập trung vào một số lĩnh vực chính như: Phát triển công nghiệp tiêu dùng, xuất khẩu; đẩy mạnh du lịch; phát triển kinh tế đô thị, kinh tế biển, ven biển...

Ngoài việc quan tâm đầu tư phát triển văn hóa hài hòa với kinh tế, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh... tỉnh Nam Định cũng sẽ tập trung thu hút nguồn lực nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN, CCN, khu du lịch, phát triển đô thị, dự án hạ tầng cung cấp điện...

Tỉnh Nam Định nằm ở trung tâm vùng Nam ĐBSH với diện tích gần 1.700km2, dân số khoảng 2 triệu người.

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 10,19%, đứng thứ 3 vùng ĐBSH và đứng thứ 6 cả nước. Mức GRDP bình quân đầu người đạt 54,9 triệu đồng/người, tăng 12% so với năm trước đó.

Được xem là điểm sáng của cả nước trong việc xây dựng nông thôn mới, đặc biệt đối với ngành giáo dục đào tạo, Nam Định liên tục đứng top đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục trong suốt gần 3 thập kỷ qua.

TP. Nam Định (tỉnh Nam Định) được xem là thành phố cổ thứ 2 chỉ sau TP. Hà Nội, có lịch sử xây dựng trước Phố Hiến và Hội An với hơn 760 năm tuổi. Theo như Quyết định 1729/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Nam Định sẽ mở rộng địa giới thông qua việc sáp nhập toàn bộ huyện Mỹ Lộc và trở thành đô thị loại I.

An Nhiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống