Loại hình BĐS nào ‘dẫn đầu’ thị trường trong 6 tháng tới?
Chuyên gia bất động sản nhận định nền kinh tế đang có sự phục hồi tích cực và rõ nét, mức độ quan tâm BĐS trên cả nước trong quý 2/2022 đang tiệm cận về ngưỡng trước khi dịch bùng phát.
Tại buổi công bố báo cáo thị trường bất động sản quý 2/2022 của Batdongsan.com.vn, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó TGĐ Batdongsan.com.vn cho biết, từ nay đến cuối năm 2022, đất nền vẫn sẽ là loại hình triển vọng nhất của thị trường.
Đây là tài sản đầu tư gắn với tâm lý “ăn chắc mặc bền” của người dân. Đặc biệt, nguồn cung đất nền tại các thị trường vùng ven vẫn dồi dào, mức giá vẫn còn thấp tại nhiều khu vực nên tiềm năng sinh lời cao.
Được biết, đất nền từng là loại hình đầu tư khuấy đảo thị trường bất động sản phía Bắc trong các đợt sốt đất năm 2020 và 2021. Đất nền tại một số khu vực, thị trường trước đây là tâm điểm của cơn sốt nóng, hiện tại đang ghi nhận mức giảm mạnh về mức độ quan tâm của người tìm kiếm bất động sản. Tuy nhiên, trái ngược với nhu cầu giảm, giá bán vẫn tiếp tục leo thang.
Giá đất nền vẫn tăng dù mức quan tâm giảm
Với loại hình đất nền, theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, trong giai đoạn 2020 đến nửa đầu 2022 thị trường đất nền đã hoàn thiện một đợt sóng với vùng đáy rơi vào quý 2/2020 - khi dịch Covid-19 bùng phát. Thời điểm này mức độ quan tâm toàn thị trường sụt giảm khoảng 11% so với trước dịch (quý 2/2019), giao dịch toàn thị trường đóng băng do giãn cách xã hội và tâm lý bất an của người mua, nhà đầu tư.
Tuy nhiên thị trường sau đó đã nhanh chóng cân bằng trở lại với các nhịp hồi phục mạnh khi các đợt dịch được kiểm soát. Các đợt sốt đất nền cục bộ cũng xuất hiện tại nhiều tỉnh thành trên cả nước với mức giá tăng mạnh.
Đến quý 2/2021, vùng đỉnh của thị trường được xác lập khi lượt quan tâm tìm kiếm tăng khoảng 17% so với trước dịch (quý 2/2019) và khoảng 23% so với vùng đáy (quý 2/2020). Giai đoạn này các đợt sốt đất lan rộng ở nhiều thị trường do dịch bệnh được kiểm soát tốt, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công và lãi suất ngân hàng ở mức hấp dẫn. Các đợt sốt đất nền sau đó vẫn xuất hiện rải rác tại các thị trường cho đến thời điểm đầu năm 2022 và dần hạ nhiệt.
Theo dữ liệu, trong quý 2/2022 lượt tìm kiếm đất nền giảm khoảng 13% so với đỉnh quý 2/2021, một chỉ báo cho thấy cơn sốt đất nền đã đi qua vùng nóng và đang trong quá trình hoàn thiện một chu kỳ. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm trước dịch, cụ thể là quý 2/2019, lượt tìm kiếm vẫn tăng nhẹ khoảng 4% cho thấy hiện tại đất nền vẫn là loại hình bất động sản thu hút sự quan tâm của người mua, nhà đầu tư. Thời gian tới, dự báo thị trường đất nền tiếp tục chững hoặc giảm nhẹ để tìm điểm cân bằng sau giai đoạn sốt giá.
Các thị trường giáp ranh Hà Nội cũng ghi nhận kịch bản tương tự. Đất nền Bắc Ninh giá tăng 9% nhưng mức độ quan tâm giảm 20%, đất nền Hưng Yên giá tăng 8% nhưng mức độ quan tâm giảm 17%.
Điểm đáng chú ý là thị trường đất nền có sự phân hóa rõ về khu vực. Trong khi miền Bắc, miền Nam giảm dần sức nóng thì đất nền tại miền Trung vẫn tiếp tục được quan tâm tìm kiếm. Nhiều tỉnh thành như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Thanh Hóa, Phú Yên, Quảng Nam... đều ghi nhận lượt tìm kiếm tăng từ 25% đến 57% so với trước dịch. Điểm chung của các thị trường này đều là các tỉnh ven biển, những nơi phát triển mạnh bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, loại hình đang dần phục hồi sau dịch.
Chia sẻ chung về tình hình kinh tế cả nước trong 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Quốc Anh, cho biết, thời gian qua do động thái kiểm soát huy động vốn vào BĐS, hạn mức cho vay và các điều kiện với doanh nghiệp BĐS khi phát hành trái phiếu, siết chặt thu thuế và thực hiện giao dịch BĐS, siết phân lô, tách thửa, cấp quyền sử dụng đất... đã tác động lớn đến hoạt động của thị trường.
Ông Quốc Anh cho rằng, trong ngắn hạn sẽ khó có khả năng giá bất động sản giảm. Qua những biến động lớn của thị trường thời gian qua, nhà đầu tư đang có tâm lý cẩn trọng hơn. Nguyên nhân là bởi bên cạnh mục đích để ở với nhu cầu luôn hiện hữu, xu hướng đầu tư của thị trường đang hướng tới các mục đích dài hạn. Với chiến lược đầu tư dài hạn, nhà đầu tư có tâm thế vững vàng, họ không bị những yếu tố ngắn hạn tác động. Giá bán do đó sẽ không có xu hướng giảm.
Bên cạnh đó, các yếu tố hỗ trợ thị trường như một số địa phương nới lỏng tiêu chí tách thửa đất và Tổng cục Thuế yêu cầu các địa phương không trả lại hồ sơ kê khai thế chuyển nhượng bất động sản sẽ kích thích thị trường đất nền phát triển.
Còn về nguyên nhân khiến giá BĐS TP.HCM vẫn duy trì xu hướng tăng trong quý vừa qua, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Namcho biết, yếu tố khiến giá BĐS TP.HCM vẫn tăng mạnh đến từ sự chênh lệch cung - cầu. Nhu cầu tìm kiếm BĐS trong quý 2 có xu hướng giảm so với cùng kỳ, nhưng so sánh với thời điểm 2019 thì vẫn tăng cao hơn.
Nếu xét trên phương diện nguồn cung, rào cản pháp lý và cấp phép xây dựng khiến lượng dự án chung cư triển khai trong 6 tháng đầu năm rất thấp dẫn đếnnguồn cầu thực tế không đáp ứng tương xứng với nhu cầu mua của thị trường. Cầu nhiều cung thiếu đã tác động mạnh đến giá BĐS TP.HCM thời gian qua.
Bên cạnh đó, chi phí phát triển dự án leo thang do giá nguyên vât liệu xây dựng dội lên cùng với chi phí phát triển kéo dài khiến nhiều CĐT buộc phải tính toán lại mức giá mở bán. Điều này vô hình khiến thị trường thời gian qua thiếu hụt các sản phẩm giá rẻ, bình dân và chủ yếu là nhà ở cao cấp. Tuy nhiên, quý vừa qua, hầu hết các dự án có nguồn hàng chào bán đều ghi nhận tỷ lệ tiêu thụ đạt 80-100% nguồn cung cho thấy nhu cầu của thị trường rất lớn.
Với loại hình đất nền, theo ông Đinh Minh Tuấn, đây là dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu đầu tư nên việc siết tín dụng vào BĐS và ngưng phân lô, bán nền tại nhiều địa phương đã đánh mạnh vào đối tượng đầu cơ, đầu tư khiến giao dịch đất nền, đất nông nghiệp giảm mạnh.
Dự báo về thị trường BĐS 6 tháng cuối năm, ông Tuấn nhận định, thị trường BĐS để ở sẽ còn đối mặt nhiều thách thức khi nguồn cung chưa mấy cải thiện và giá BĐS sẽ vẫn trong xu hướng tăng cao.