Loạn phân lô bán nền, Lâm Đồng ra "tối hậu thư" về tách thửa từng loại đất

Trước tình trạng phân lô bán nền đang diễn ra tràn lan trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, mới đây UBND tỉnh ban hành quy định điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích đất tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định số 04/2021/QĐ-UBND thay thế cho Quyết định số 33/2015/QĐ-UBND ngày 16/4/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng quy định về điều kiện tách thửa, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, Quyết định mới này thì có 2 điểm khác biệt lớn so với Quyết định 33 trước đó.

Cu thể, trường hợp hình thành đường giao thông mới để đủ điều kiện xem xét tách thửa thì chiều rộng mặt đường tối thiếu là 5,5 m đối với khu vực đô thị, tối thiểu là 7m đối với khu vực nông thôn và việc hình thành đường giao thông này phải được cấp có thẩm quyền cho phép và nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng.

Đối với trường hợp thửa đất nông nghiệp thuộc quy hoạch sử dụng đất (hoặc quy hoạch phân khu) là đất ở mà người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa theo mục đích đất ở thì thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng một phần (hoặc toàn bộ thửa đất) sang đất ở theo quy định, sau đó lập thủ tục tách thửa theo quy định tại quyết định này.

Những đồi chè ở TP.Bảo Lộc đang bị san gạt để phân lô bán nền.  
Những đồi chè ở TP.Bảo Lộc đang bị san gạt để phân lô bán nền.  

Đồng thời, Quyết định này cũng nêu cụ thể về diện tích tối thiểu và kích thước chiều rộng mặt đường (mặt tiền) đối với thửa đất ở đô thị cho từng trường hợp nhà phố, nhà liền kề có sân vườn, nhà song lập, biệt lập, biệt thự…

Đối với thửa đất ở nông thôn (thuộc địa bàn các xã) thuộc quy hoạch sử dụng đất là đất ở nông thôn, trường hợp có quy định dạng kiến trúc nhà ở (theo quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn hoặc quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt) thì thực hiện việc tách thừa theo quy hoạch đó.

Trường hợp chưa có quy hoạch dạng kiến trúc nhà ở thì diện tích thửa đất mới hình thành sau tách thửa không nhỏ hơn 72m2 và chiều rộng mặt đường tối thiểu 4,5m.

Đất ở thuộc quy hoạch sử dụng đất là đất nông nghiệp thì diện tích tối thiểu tách thửa là 500m2. Với đất nông nghiệp, diện tích tối thiểu tách thửa cũng là 500m2.

Những thửa đất có nhiều mục đích sử dụng, nếu thuộc quy hoạch đất ở mà muốn tách thửa đất ở đồng thời có đất nông nghiệp thì thực hiện theo quy định nêu trên. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp không cần đảm bảo tối thiểu 500m2.

Nếu thuộc quy hoạch đất nông nghiệp, diện tích tối thiểu tách thửa là 500m2 nhưng diện tích đất ở chỉ thuộc một trong các thửa đất sau khi tách. Trường hợp tách đất ở ra thuộc các thửa đất khác nhau thì diện tích đất ở trong từng thửa đất sau khi tách tối thiểu phải 500m2.

Những hồ sơ tách thửa đã nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh hoặc chi nhánh tại các huyện, TP Đà Lạt và TP Bảo Lộc trước ngày quy định mới có hiệu lực thì sẽ thực hiện theo Quyết định số 33/2015. Trường hợp thu hồi đất để làm đường giao thông hoặc triển khai các dự án khác, nếu diện tích đất còn lại không đủ điều kiện hình thành thửa đất mới theo quy định thì người đang sử dụng đất có quyền tiếp tục sử dụng.

Quy định mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 8/2/2021.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp vừa ra Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 16/12/2020. Nội dung chỉ thị này chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, những năm qua, công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Diện mạo đô thị, nông thôn ngày một khang trang, từng bước hiện đại và văn minh;…

Mặc dù vậy, công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: tiến độ lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết còn chậm, thiếu đồng bộ; chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa cao; tình hình vi phạm trật tự xây dựng tại một số địa phương (TP Đà Lạt, Bảo Lộc, huyện Đức Trọng, Lâm Hà...) diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng các hành vi vi phạm.

Văn Đức

Theo Doanh nghiệp Việt Nam