Loạt doanh nghiệp bất ngờ hạ tỷ lệ chi trả cổ tức, vì sao?
Những ngày gần đây, một số doanh nghiệp bất ngờ thông báo lùi thời gian và giảm tỷ lệ chi trả cổ tức vì lý do chưa thể thu xếp được tài chính. Ngược lại, vẫn có doanh nghiệp lãi cao kỷ lục nên đã quyết định \'chơi lớn\' nâng tỷ lệ trả cổ tức.
Trong thông báo mới nhất, CTCP Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (TIP) cho biết sẽ thực hiện chốt danh sách cổ đông vào ngày 30/12 tới đây để thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1/2022 bằng tiền mặt. Tỷ lệ chi trả là 8%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu sẽ nhận về 800 đồng.
Đáng chú ý, ngay trước đó, TIP đã công bố Nghị quyết của HĐQT về việc hủy Thông báo chốt danh sách cổ đông ngày 13/12 để tạm ứng cổ tức bằng tiền. Trong thông báo đó, ngày chốt danh sách vẫn là 30/12/2022, tuy nhiên tỷ lệ chi trả khi ấy dự kiến là 10% bằng tiền mặt.
Được biết, thay đổi bất ngờ về tỷ lệ chi trả cổ tức của TIP có nguyên nhân lợi nhuận ròng trong 9 tháng đầu năm 2022 của doanh nghiệp này không đủ để thực hiện tạm ứng mức cổ tức cũ là 10%. Cụ thể, kết quả kinh doanh ghi nhận LNST chưa phân phối tại ngày 30/9/2022 của TIP trên BCTC công ty mẹ và hợp nhất quý 3/2022 lần lượt là 264 và 330 tỷ đồng; đặc biệt, LNST thu nhập doanh nghiệp của cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất quý 3.2022 là hơn 58,58 tỷ đồng. Trong khi với mức cổ tức 10% bằng tiền thì số tiền tạm ứng đợt lên tới hơn 65 tỷ đồng, vượt mức lãi ròng 9 tháng.
Do đó, trong ngày 16/12, Sở Giao dịch chứng khoán Thành Phố Hồ Chí Minh đã có công văn đề nghị TIP xem xét thực hiện theo đúng quy định hiện hành, thực hiện đính chính và CBTT ra thị trường và điều chỉnh thông báo ngày đăng ký cuối cùng.
Sau khi thay đổi mức cổ tức xuống còn 8%, dự kiến TIP sẽ cần chi khoảng 52 tỷ đồng để thực hiện tạm ứng cho cổ đông. Thời gian thực hiện chi trả vào ngày 16/1/2023.
Bên cạnh đó, CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico - SJS) “năm lần bảy lượt” khất trả cổ tức.
Cụ thể, SJS thông báo Nghị quyết HĐQT về việc thay đổi thời gian chi trả cổ tức năm 2016 và năm 2017 bằng tiền. Theo đó, Sudico công bố thời gian trả cổ tức năm 2016 (tỷ lệ 10%) và năm 2017 (tỷ lệ 10%) từ ngày là 30/12/2022 sang thời điểm mới là 30/06/2023.
SJS cho biết, trong trường hợp thu xếp được nguồn tiền đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sẽ thực hiện thanh toán cổ tức năm 2016 và năm 2017 cho cổ đông sớm hơn thời gian thông báo thay đổi trên.
Được biết, đây đã là lần thứ 8 SJS trì hoãn việc thanh toán cổ tức 2016 và là lần thứ 4 trì hoãn chi trả cổ tức 2017 cho cổ đông. Thậm chí, vào giữa năm 2019, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) từng phải nhắc nhở và đề nghị doanh nghiệp giải trình về nguồn tiền để trả cổ tức cho cổ đông.
Trường hợp tại CTCP Đầu tư Nam Long (mã NLG) cũng đã thông qua nghị quyết HĐQT về việc điều chỉnh phương án tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 bằng tiền. Cụ thể, tỷ lệ chi trả sẽ giảm từ 4,98% theo kế hoạch ban đầu xuống còn 3% (01 cổ phiếu nhận 300 đồng).
Bên cạnh đó, công ty cũng lùi ngày đăng ký cuối cùng từ 1/12 sang 14/12/2022. Ngày thanh toán cũng được điều chỉnh từ 19/12 sang 23/12/2022. Với hơn 384 triệu cổ phiếu lưu hành, Nam Long dự kiến sẽ chi khoảng 115 tỷ đồng cho đợt tạm ứng này.
Theo đó, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí PVFCCo (Đạm Phú Mỹ, mã DPM) vừa tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2022. Trong phiên họp, HĐQT Đạm Phú Mỹ đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, đáng chú ý nhất là mức chi trả cổ tức mới.
Cụ thể, ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 6/2022 đã quyết định mức chi trả cổ tức năm 2022 là 50%, tương ứng 5.000 đồng/cp. ). Đây là mức chia cổ tức cao nhất từ trước tới nay của doanh nghiệp phân bón này. Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm thì Đạm Phú Mỹ kiến nghị ĐHĐCĐ thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ cổ tức năm 2022 lên mức 70%, tương ứng 7.000 đồng/cp.