Loạt tỉnh thành sắp được 'nâng cấp' lên TP trực thuộc Trung ương: Tỉnh nhỏ nhất, giàu nhất và có mức sống cao nhất Việt Nam đều góp mặt
Danh sách bao gồm 5/8 tỉnh giáp Hà Nội, 3/6 tỉnh giáp TP. HCM, 1/3 tỉnh giáp Hải Phòng và cả 2 tỉnh giáp Đà Nẵng
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt loạt quy hoạch các tỉnh giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050. Đáng chú ý, nhiều tỉnh lân cận các thành phố lớn cũng đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo quy hoạch, Bắc Ninh đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Ngoài ra, tỉnh nhỏ nhất cả nước này sẽ trở thành trung tâm kinh tế và văn hóa năng động của khu vực phía Bắc, là một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội. Bắc Ninh cũng hướng đến phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân từ 8-9% mỗi năm, và GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 346,6 triệu đồng.
Với diện tích 822,7km², Bắc Ninh là tỉnh nhỏ nhất Việt Nam. Tuy nhiên, đây lại là địa phương có nền công nghiệp phát triển mạnh mẽ, với số lượng khu công nghiệp đang hoạt động lớn nhất miền Bắc, lên đến 15 khu.
Vĩnh Phúc cũng lên kế hoạch đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030, nhằm tạo tiền đề cho việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sau thời điểm đó. Tỉnh này phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 10,5-11% mỗi năm, với GRDP bình quân đầu người khoảng 285 triệu đồng.
Hà Nam đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050. Tỉnh này đang hướng tới phát triển thành một đô thị thông minh và hiện đại, đồng thời là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế, giáo dục, du lịch và thương mại của vùng đồng bằng sông Hồng. Hà Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 11,2% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2030, với GRDP bình quân đầu người trên 230 triệu đồng.
cũng không nằm ngoài xu hướng này, với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050. Tỉnh này dự định phát triển thành một đô thị xanh, thông minh, có bản sắc riêng biệt, và trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại của khu vực Thủ đô Hà Nội và cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP dự kiến đạt khoảng 8-8,5% mỗi năm, với GRDP bình quân đầu người khoảng 216 triệu đồng.
Ngày 12/12/2023, ông Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, đã công bố lộ trình quy hoạch của tỉnh. Theo kế hoạch, Hưng Yên dự kiến sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2037 và hiện đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu hình thành 3 quận bao gồm TP. Hưng Yên, Văn Giang và Văn Lâm.
Bình Dương cũng được quy hoạch để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Tỉnh này dự định trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động của khu vực Đông Nam Á, dẫn đầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, và là trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại.
Bình Dương luôn nằm trong top đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Với tốc độ phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp, tỉnh này đang trở thành "mảnh đất màu mỡ" thu hút nhiều doanh nghiệp FDI, đặc biệt trong lĩnh vực logistics.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê và các chỉ số GDP bình quân đầu người năm 2023, Bình Dương hiện là tỉnh giàu nhất Việt Nam, với GDP bình quân đầu người đạt 113 triệu đồng/người/năm.
Đồng Nai đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050. Tỉnh này phấn đấu đứng đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, thông minh và hiện đại, đồng thời trở thành trung tâm giao thương quốc tế, du lịch và dịch vụ. Đồng Nai cũng sẽ chú trọng đến kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0".
Bà Rịa - Vũng Tàu hướng đến việc đạt tiêu chuẩn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, và đóng vai trò là một trong những cực phát triển quan trọng của hệ thống đô thị vùng Đông Nam Bộ.
Quảng Ninh cũng nằm trong quy hoạch trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Tỉnh này dự định phát triển thành một vùng nội thị gồm các thành phố liên kết qua hệ thống hạ tầng kỹ thuật tiên tiến, thay vì hình thành các quận.
Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) là thước đo (tính bằng %) phản ánh xu hướng, mức độ biến động giá sinh hoạt của 63 tỉnh thành và 6 vùng kinh tế xã hội theo chu kỳ năm. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nếu không xét đến các thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Quảng Ninh là tỉnh có mức sống đắt đỏ nhất Việt Nam với chỉ số SCOLI bằng 97,94% Hà Nội. Chỉ số này đứng đầu là Hà Nội (100%), thứ hai là TP. HCM với chỉ số SCOLI bằng 98,44% Hà Nội.
Quảng Nam đặt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2030 và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050. Tỉnh này sẽ tập trung vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và chất lượng, và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cuối cùng, Thừa Thiên - Huế dự kiến sẽ là một trong những tỉnh đầu tiên đạt tiêu chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Đến năm 2030, tỉnh này sẽ trở thành đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam và là một trong những trung tâm lớn về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á.