Lời hứa Bầu Đức mãi chưa thành hiện thực, HAGL chưa thế xóa lỗ luỹ kế
Đây là năm thứ 8 mà HAGL nhận được ý kiến của kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục, bắt đầu từ năm 2017 với nguyên nhân nợ ngắn hạn của doanh nghiệp vượt quá tài sản ngắn hạn, đồng thời vi phạm một số điều khoản của các khoản vay và trái phiếu.
Tại báo cáo tài chính soát xét 2024 được công bố mới đây, kiểm toán viên đã nhấn mạnh đến thuyết minh số 2.6 của báo cáo hợp nhất tại ngày 31/12/2024, về khoản lỗ luỹ kế hơn 422,6 tỷ đồng và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền hơn 2.687 tỷ đồng.
“Các điều kiện này cùng với những vấn đề khác được nêu trong thuyết minh số 2.6 cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn này”, kiểm toán viên nêu rõ.

Bên cạnh đó, thuyết minh 2.6 về giả định hoạt động liên tục còn cho thấy HAG cũng đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng trái phiếu và đang chưa thanh toán các khoản lãi trái phiếu, nợ gốc và lãi của các khoản vay đến hạn.
Giải trình trước những ý kiến của kiểm toán, HAGL cho biết ở thời điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024, doanh nghiệp đã lên kế hoạch tài chính cho 12 tháng tiếp theo, bao gồm dòng tiền dự kiến từ thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thanh lý tài snar, thu hồi các khoản cho vay từ các đối tác, tiền đi vay các ngân hàng trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay và trái phiếu có liên quan, đồng thời đàm phán tái cơ cấu một số khoản nợ quá hạn.
HAGL cũng nhấn mạnh, hoạt động kinh doanh từ heo và chuối sẽ tiếp tục tạo ra nguồn tiền lớn trong năm 2025.
Được biết, đây là năm thứ 8 mà HAGL nhận được ý kiến của kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục, bắt đầu từ năm 2017 với nguyên nhân nợ ngắn hạn của doanh nghiệp vượt quá tài sản ngắn hạn, đồng thời vi phạm một số điều khoản của các khoản vay và trái phiếu.
Kể từ báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, kiểm toán viên đã thêm ý kiến về khoản lỗ luỹ kế của HAGL để dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục, và ý kiến này đã tồn tại cho tới tận báo cáo vừa qua cho năm 2024.
Dù HAGL đã cắt được giai đoạn thua lỗ từ năm 2021, và liên tục có lợi nhuận hơn nghìn tỷ đồng trong 3 năm 2022-2024, nhưng hai khoản lỗ lớn ghi nhận lần lượt trong năm 2019 và 2020 (lỗ hơn 1.800 tỷ đồng và lỗ hơn 2.300 tỷ đồng) đã khiến doanh nghiệp phải gánh khoản lỗ luỹ kế khá lớn.
Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) dù từng nhiều lần thể hiện mong muốn và quyết tâm xoá lỗ luỹ kế cho doanh nghiệp, nhưng lại không ít lần trễ hẹn. Ở ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, bầu Đức cũng dự định sẽ dùng nhiều cách để xoá lỗ luỹ kế trong năm 2024, như thanh lý tài sản, hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển,…

Tuy nhiên, so với những dự định đã đề ra, việc HAGL chưa hoàn thành các mục tiêu về doanh thu và lợi nhuận cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình xoá lỗ luỹ kế của doanh nghiệp. Theo đó, năm 2024, HAGL lên kế hoạch doanh thu 7.750 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế mục tiêu 1.320 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và giảm 26% so với mức thực hiện năm 2023.
Dù lợi nhuận mục tiêu đã hạ thấp kỳ vọng tương đối nhiều so với những “quả ngọt” mà HAGL thu về trong năm 2023, doanh nghiệp chỉ hoàn thành 80% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận thu về thấp hơn kỳ vọng, khiến HAGL chưa thể tiến gần nhất tới mục tiêu xoá lỗ luỹ kế.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của HAGL sẽ được tổ chức vào tháng 5 tới đây. Với những kết quả mà doanh nghiệp có thể ghi nhận được trong quý I/2025, nhiều khả năng HAGL sẽ có được những bước tiến mới trong hành trình xoá lỗ gian nan này, thậm chí tiến tới xoá toàn bộ.
Bởi bầu Đức từng cho biết, điểm rơi lợi nhuận trong mảng heo của doanh nghiệp dự kiến trong quý IV/2024, trong đó doanh số heo có thể vượt doanh số trái cây vào năm 2025. Những kết quả của quý IV vừa qua chưa ghi nhận sự đóng góp đáng kể của mảng heo, do đó nhiều nhà đầu tư kỳ vọng HAGL sẽ thu được trái ngọt với mảng heo trong năm 2025, như những doanh nghiệp cùng ngành như Dabaco, BAF đã đón sóng giá heo thành công trong thời gian qua.