Lợi nhuận của doanh nghiệp cao su “đi lùi” trong năm 2022
Năm 2022, lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất cao su không những không tăng trưởng mà còn đi lùi do đối diện với nhiều số khó khăn.
Thống kê của Hải quan Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành cao su trong năm 2022 ước đạt 3,31 tỷ USD, sản lượng 2,14 triệu tấn, tăng 2,16% so với năm 2021; trong đó, sản phẩm từ cao su ước đạt 1,08 tỷ USD.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành cao su trong năm 2022 tăng so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất cao su không những không tăng trưởng mà còn "đi lùi".
Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh mủ cao su sụt giảm chính là sự biến động về tỷ giá trong năm qua. Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới về giá trị xuất khẩu mủ cao su thiên nhiên nên vấn đề tỷ giá đóng vai trò quan trọng trong việc ghi nhận lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu.
Trong bối cảnh đô la Mỹ tăng giá mạnh dưới ảnh hưởng của lạm phát, chi phí tài chính của phần lớn các doanh nghiệp cao su đều tăng lên đáng kể do lỗ chênh lệch tỷ giá, bào mòn kết quả kinh doanh.
Trong đó, "ông lớn" đầu ngành là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã: GVR) đã ghi nhận doanh thu thuần của GVR đạt 25.315 tỷ trong năm 2022, lợi nhuận sau thuế 4.797 tỷ, giảm lần lượt 3,3% và 10% so với năm 2021.
Cuối năm 2022, Hội đồng quản trị GVR đã thông qua việc điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh năm 2022 với doanh thu hợp nhất giảm 5% so với kế hoạch cũ, từ 29.707 tỷ đồng xuống 28.280 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 4.900 tỷ đồng, giảm 24% so với kế hoạch ban đầu.
Như vậy so với kế hoạch mới, GVR đã thực hiện được 89% kế hoạch doanh thu và vượt 17% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022.
Kế đến, Công ty CP Cao su Đồng Phú (mã: DRP) là doanh nghiệp có lợi nhuận giảm nhiều. Cụ thể, lãi sau thuế quý 4/2022 chỉ đạt 62 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu thuần giảm mạnh với mức giảm 25%.
Cả năm 2022 doanh thu CTCP Cao su Phước Hòa đạt 1.709 tỷ đồng, giảm 12,2% so với năm 2021. Tỷ lệ giảm chi phí vốn thấp hơn, tương ứng chi phí vốn tăng cao khiến lợi nhuận gộp giảm 24,5% xuống 390 tỷ đồng.
Nhờ khoản thu đền bù đất 696 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế vượt nghìn tỷ lệ 1.129 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 927 tỷ đồng, tăng 80,6% so với số lãi 513 tỷ đồng đạt được năm 2021.
Nguyên nhân trong quý 4, Cao su Phước Hòa có phát sinh khoản thu nhập gần 409 tỷ đồng từ bàn giao đất để thực hiện dự án Khu công nghiệp Việt nam - Singapore III (VSIP III) theo các quyết định của UBND thị xã Tân Uyên và UBND huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương).
CTCP Cao su Tân Biên (Mã: RTB) công bố kết quả kinh doanh quý 4/2022 với doanh thu giảm 5% so với cùng kỳ về mức 235,7 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm tới hơn 50% về còn 40,7 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến việc lợi nhuận của công ty giảm mạnh là do giá vốn bán hàng tăng cao khiến lợi nhuận gộp của RTB giảm về mức 84,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt gần 127 tỷ đồng.
Tính chung năm 2022, tổng doanh thu của Cao su Tân Biên đạt 937 tỷ đồng, tăng gần 45 tỷ đồng so với năm trước đó. Lợi nhuận gộp giảm và khoản lợi nhuận khác cũng giảm mạnh trong khi chi phí hoạt động biến động không đáng kể so với cùng kỳ. Cùng với đó chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp cũng tăng gần gấp đôi năm 2021 (ở mức 60,5 tỷ đồng) khiến lãi ròng của RTB giảm 27% về mức 247,5 tỷ đồng.
Trong năm 2022, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của CTCP Cao su Sao Vàng (SRC) đồng loạt “đi lùi” so với cùng kỳ, xuống mức 915 tỷ đồng và 38 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp cao su chỉ hoàn thành 46% mục tiêu doanh thu và 35% chỉ tiêu lợi nhuận.
Nhận định về năm 2023, Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA) cho biết Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam khi chiếm đến hơn 60% tổng lượng xuất khẩu.
"Trong năm 2023, dự báo việc tiêu thụ và xuất khẩu cao su thiên nhiên Việt Nam sẽ tốt hơn khi Trung Quốc nới lỏng hạn chế COVID-19 và mở cửa biên giới từ tháng 1/2023, có thể cải thiện sự phục hồi kinh tế toàn cầu và tăng nhanh nhu cầu cao su", đại diện VRA dự báo.
Cũng theo đại diện của VRA, ngoài những tín hiệu tích cực từ thị trường, ngành cao su vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, hạn chế năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong năm 2023. Ngoài ra, hệ thống quản lý chất lượng cao su thiên nhiên chưa chặt chẽ, đồng bộ và chưa có sự kiểm soát.
Cùng với đó, một số chính sách vẫn còn gây vướng mắc và nhiều khó khăn cho doanh nghiệp cao su như chính sách thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, chính sách tài chính đối với đất đai, chính sách môi trường trong sản xuất chế biến cao su…