Lợi nhuận ngân hàng quý III/2022 kém khả quan

Về kết quả kinh doanh, trong quý III/2022, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý III/2022 chưa được như kỳ vọng. Tuy vậy, kết quả điều tra cho thấy, 70,4-75,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý tới.

Room tín dụng “hẹp”, lợi nhuận ngân hàng thêm mỏng

Mặc dù đã được nới thêm hạn mức tín dụng, song room nới thêm chỉ ở mức thấp từ 4% trở xuống, vì vậy, lãnh đạo các nhà băng thừa nhận sẽ có khó khăn trong nửa cuối năm. Đáng chú ý là khi nguồn thu đóng góp chính vào lợi nhuận vẫn từ tín dụng.

Thực tế, dù 18 ngân hàng đã được nhận thêm hạn mức tín dụng, song tỷ lệ nới thêm không nhiều mà mục tiêu của NHNN kiểm soát tăng trưởng tín dụng 14% năm nay. Cụ thể, hạn mức tín dụng được cấp của một số ngân hàng nằm trong danh sách được NHNN nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lần này gồm: Sacombank: 4%; Agribank: 3,5%; HDBank: 3,4%; MB và SHB mỗi ngân hàng được nới thêm room tín dụng 3,2%; OCB: 3,1%; VIB (3%), Techcombank, Vietcombank (2,7%)... 

Cuộc điều tra được Ngân hàng Nhà nước tiến hành trước thời điểm tăng lãi suất điều hành song đến thời điểm này mới công bố. Mặc dù vậy, tại kỳ điều tra này, đa số các tổ chức tín dụng đều nhận định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục tăng trong quý IV/2022 và cả năm 2022.

Cụ thể, có 59-61% tổ chức tín dụng kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,37 điểm phần trăm trong quý IV/2022 và 66-69% tổ chức tín dụng kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,56-0,57 đpt trong năm 2022 (có 8-10% tổ chức tín dụng kỳ vọng lãi suất giảm). Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng dự báo cả lãi suất biên và phí dịch vụ đều có xu hướng tăng nhẹ trong quý IV/2022 và cả năm 2022.

Lợi nhuận quý III/2022 kém khả quan, hơn 88% ngân hàng vẫn lạc quan về lợi nhuận cả năm
Lợi nhuận quý III/2022 kém khả quan, hơn 88% ngân hàng vẫn lạc quan về lợi nhuận cả năm

Về tăng trưởng tín dụng và huy động vốn: các tổ chức tín dụng kỳ vọng tín dụng năm nay tăng 14,9% và huy động vốn tăng 10.2%.

Thanh khoản hệ thống quý III/2022 được các tổ chức tín dụng nhận định tiếp tục duy trì ở trạng thái “tốt” nhưng mức độ cải thiện chậm dần trong quý IV/2022.

Hơn 88% ngân hàng vẫn lạc quan về lợi nhuận cả năm

Dự báo cả năm 2022, các tổ chức tín dụng tiếp tục kỳ vọng tình hình thanh khoản “cải thiện” so với năm 2021. Việc xử lý nợ xấu cũng được các tổ chức tín dụng kỳ vọng khả quan trong các tháng cuối năm 2022.

Theo đánh giá của các tổ chức tín dụng, nhu cầu vay vốn, dịch vụ thanh toán và thẻ, gửi tiền của khách hàng trong quý III/2022 tiếp tục đà phục hồi bền vững kể từ quý IV/2021 với mức cải thiện của quý sau cao hơn quý trước, trong đó nhu cầu vay vốn được nhận định cải thiện mạnh nhất.

Nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp được nhận định ở mức cao hơn nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân và các tổ chức tín dụng khác. Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng “tăng” với tốc độ mạnh hơn trong quý IV/2022 và cả năm 2022 so với kỳ trước, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Về kết quả kinh doanh, trong quý III/2022, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý III/2022 chưa được như kỳ vọng. Tuy vậy, kết quả điều tra cho thấy, 70,4-75,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý tới. Mức độ cải thiện kinh doanh cả năm 2022 theo kỳ vọng của tổ chức tín dụng đã thấp hơn so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.

Lợi nhuận trước thuế trong năm 2022 được 88,3% tổ chức tín dụng dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2021. Bên cạnh đó, vẫn có 6,8% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022 và 4,9% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

VnDirect đưa ra dự báo, các ngân hàng sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao 29% và tỷ suất sinh lời ROE 22% trong cả năm nay dựa trên tăng trưởng tín dụng cao, thu nhập từ phí ổn định và chi phí tín dụng được kiểm soát tốt.

Nhóm phân tích của FiinGroup cũng cho rằng, ngành ngân hàng sẽ gặp nhiều thách thức. Trước hết thu nhập lãi thuần khó tăng mạnh khi các yếu tố hỗ trợ tăng biên lãi ròng (NIM) cân bằng với việc tăng tỷ lệ chi phí huy động vốn. Room tín dụng tác động lợi nhuận ngân hàng cuối năm, triển vọng lợi nhuận cuối năm của các ngân hàng không giống nhau, tùy thuộc nhiều yếu tố.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục đánh giá các nhân tố nội tại và khách quan có tác động tích cực giúp cải thiện tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng hơn so với quý trước. Theo các tổ chức tín dụng, trong số các nhân tố khách quan. Sự cạnh tranh từ các tổ chức tín dụng khác tiếp tục được đánh giá là nhân tố quan trọng nhất có thể ảnh hưởng làm “suy giảm” tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng trong năm 2022.

Trong khi đó, cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị cùng với điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng được kỳ vọng là những nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2022 của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước tiến hành cho thấy, đa phần ngân hàng vẫn kỳ vọng lợi nhuận cải thiện năm nay. 

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống