Lợi nhuận quý 1/2021 tăng 68%, HDBank muốn chia cổ tức 25% bằng cổ phiếu

Quý 1/2021, HDBank ghi nhận lãi trước thuế đạt trên 2.100 tỷ đồng, thu nhập dịch vụ tăng trưởng trên 98%. Ngoài ra, HDBank muốn chia cổ tức 25% bằng cổ phiếu.

HDBank báo lãi quý 1/2021 tăng 68%.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank, HOSE: HDB) vừa công bố BCTC quý 1/2021 với con số ấn tượng.

Cụ thể, quý 1/2021, lợi nhuận trước thuế hợp nhất tại HDBank đạt trên 2.100 tỷ, tăng 68% so với quý 1/2020. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ vượt 1.800 tỷ đồng, tăng tới 88% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 7.281 được đề ra cho cả năm 2021, HDBank đã thực hiện được gần 29% sau 3 tháng đầu năm.

Tính đến 31/3/2021, huy động vốn và phát hành giấy tờ có giá tại HDBank đạt 219.266 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt 197.970 tỷ đồng, tăng 5,2% với động lực tăng trưởng đến từ tất cả các mảng kinh doanh chính, bao gồm bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và tài chính tiêu dùng.

Đồng thời, hoạt động dịch vụ tăng trưởng ấn tượng. Thu nhập thuần từ dịch vụ quý 1/2021 tại HDBank tăng trên 98% so với cùng kỳ 2020. Đây là quý thứ ba liên tiếp thu nhập thuần dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Lợi nhuận quý 1/2021 tăng 68%, HDBank muốn chia cổ tức 25% bằng cổ phiếu - Ảnh 1

Đáng chú ý, dư địa  phát triển mảng bancassurance của HDBank còn lớn và nhiều đối tác bảo hiểm nhân thọ quốc tế đang mong muốn hợp tác độc quyền. Mảng thẻ tín dụng và các sản phẩm dịch vụ khác cũng có nhiều tiềm năng phát triển trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Ngoài ra, trong quý 1/2021, các chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt lần lượt 26.3% và 2.1%. Chất lượng tài sản, các chỉ tiêu an toàn vốn, thanh khoản duy trì ở mức cao. Hệ số an toàn vốn CAR (Basel II) trên 12%.

Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn chỉ 23,4% so với mức 40% theo quy định. Hiệu quả quản trị chi phí tiếp tục nâng cao với hệ số chi phí/tổng thu nhập (CIR) chỉ 39,1% so với mức 51% quý 1/2020.

HDBank muốn chia cổ tức 25% bằng cổ phiếu 

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 diễn ra ngày 23/4 tới, HDBank cho biết 2021 là năm chuyển giao, kết thúc chiến lược 2017-2021, hoạch định tầm nhìn cho 10 năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, HDBank đề ra kế hoạch tăng trưởng từ 25-26% cho các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh năm 2021.

Dự kiến đến cuối năm 2021, tổng tài sản tăng 25%, lên mức 399.320 tỷ đồng. Tổng huy động vốn (bao gồm tiền gửi khách hàng, phát hành giấy tờ có giá, vốn tài trợ ủy thác đầu tư, tiền gửi và vay TCTD) và dư nợ tín dụng tăng trưởng 25% và 26%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay kiểm soát dưới 2%.

Lợi nhuận trước thuế năm 2021 được HDBank đề ra đạt 7.281 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 25% so với kết quả năm 2020.

Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 tại HDBank.  
Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 tại HDBank.  
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2020, HDBank dự kiến trình ĐHĐCĐ chia cổ tức 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25% trên nguồn lợi nhuận chưa phân phối năm 2020 sau khi đã thực hiện nghĩa vụ thuế và trích lập các quỹ để tăng vốn điều lệ năm 2021. Như vậy, vốn điều lệ của HDBank được dự kiến tăng từ mức 16.088 tỷ đồng (31/12/2020) lên mức gần 20.111 tỷ đồng.

Nhà băng này cũng dự kiến chào bán hơn 15 triệu cp quỹ cho người lao động với giá chào bán cụ thể sẽ do HĐQT quyết định theo từng thời kỳ. Thời gian thực hiện trong vòng 3 năm từ năm 2021 - 2023 và được tiến hành thành nhiều đợt. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày hoàn thành từng đợt phát hành.

HDBank là một trong số ít nhà băng giữ được mức tăng trưởng kết quả kinh doanh cũng như kế hoạch chi trả cổ tức đều đặn hàng năm.

Đáng chú ý, HDBank sẽ chấm dứt việc sáp nhập PGBank.

Cụ thể, ngày 07/09/2018, NHNN đã có chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vào HDBank.

Sau khi được NHNN chấp thuận nguyên tắc, HDBank đã trình tiếp hồ sơ xin chấp thuận chính thức tại NHNN. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan đến thời điểm hiện tại, NHNN vẫn chưa có chấp thuận chính thức việc sáp nhập PGBank vào HDBank, do đó các bên vẫn chưa thể tiến hành sáp nhập.

Bên cạnh đó, ngày 02/06/2020, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) – cổ đông lớn nhất chiếm 40% vốn điều lệ cảu PGBank đã gửi công văn tới HDBank, thông báo sẽ thực hiện thoái vốn tại PGBank theo quy định trong trường hợp phương án sáp nhập không được chấp thuận trước ngày 31/08/2020. Đồng thời, PGBank cũng đã có đề nghị chấm dứt việc sáp nhập theo Công văn ngày 22/02/2021. Do đó, HDBank sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua chấm dứt việc sáp nhập PGBank vào HDBank.

 

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ