Mải mê ôm đất, Nam Cường có đang 'đuối' và đánh mất lợi thế cạnh tranh?
Thời gian qua, có một số điểm cho thấy tín hiệu kinh doanh của Tập đoàn Nam Cường không mấy khả quan. Nhiều dự án bị chậm đối mặt rủi ro ngày càng lớn về chính sách, pháp luật. Cộng với sự cạnh tranh gay gắt của thị trường bất động sản, khiến Nam Cường dần mất đi lợi thế cạnh tranh. Phải chăng, đây là hậu quả của việc mải mê ôm đất, phân tán nguồn lực?
Tập đoàn Nam Cường được thành lập năm 1984, với tên ban đầu là Tổ hợp dịch vụ Vận tải vật tư nông nghiệp & xây dựng Xuân Thủy, sau đó đổi tên thành Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường từ ngày 20/12/2007 và đến tháng 8/2009 được đổi tên giao dịch thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội.
Nhiều năm qua, Tập đoàn Nam Cường được biết đến thông qua hàng loạt dự án bất động sản "đình đám" như: Khu ĐTM Dương Nội, Khu ĐTM Cổ Nhuế tại Hà Nội; Khu ĐTM Hòa Vượng và Thống Nhất tại TP. Nam Định; Khu văn hóa thể thao và Đô thị mới phía Đông, Khu đô thị phía Tây tại TP. Hải Dương và hệ thống khách sạn Nam Cường tại các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội, Kiên Giang và một số địa phương khác.
Tập đoàn Nam Cường cũng được biết đến là một trong những doanh nghiệp sở hữu quý đất "khủng". Và để có được quỹ đất như vậy, đa phần nhờ Nam Cường thực hiện các dự án BT.
Theo tìm hiểu, thời gian qua, tình hình hoạt động của Tập đoàn Nam Cường có một số điểm cho thấy tín hiệu kinh doanh không mấy khả quan. Trong đó, nợ phải trả tăng cả về ngắn hạn và dài hạn. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn cũng tăng. Chính những điều này khiến lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp giảm sút.
Điển hình, đến cuối năm 2019, số dư hàng tồn kho tăng mạnh. Điều này đồng nghĩa kinh doanh bất động sản không còn là mảnh đất màu mỡ của Nam Cường nói chung cũng như các doanh nghiệp bất động sản nói riêng.
Đáng chú ý, hàng tồn kho chủ yếu nằm trong nhóm dự án vướng mắc, bị dừng triển khai, làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay ngày càng lớn. Trong đó, có thể kể đến Dự án đường trục kinh tế Bắc - Nam tỉnh Hà Tây (cũ), Nam Cường được giao quỹ đất hai dự án Khu đô thị Quốc Oai (huyện Quốc Oai), quy mô 1.124 ha và Khu đô thị Thạch Thất (huyện Thạch Thất), quy mô 922 ha. Tuy nhiên, đến năm 2013, dự án đường trục kinh tế Bắc Nam ngừng triển khai, Nam Cường buộc phải trả lại cho Hà Nội 2 dự án trên.
Bên cạnh đó, nhiều dự án tại các khu đất Nam Cường được cấp đối ứng cũng trở thành những bãi đất hoang rộng hàng chục ha. Điển hình là dự án Khu đô thị Phùng Khoang. Dự án này có mục đích xây dựng thành khu đô thị với các chức năng chính như Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng, biệt thự và căn hộ cao cấp, dự kiến hoàn thành vào năm 2010 nhưng hiện khu đất này đang để hoang, cỏ dại mọc um tùm.
Một dự án khác rất đáng chú ý là Dự án 5,2 km đường trong trục phát triển phía bắc của quận Hà Đông. Điểm đầu của tuyến đường thuộc phường Vạn Phúc, điểm cuối thuộc phường Yên Nghĩa. Dự án có tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, Nam Cường được cấp đối ứng tới 200 ha đất Dương Nội. Đây được coi là khu vực đất "vàng" bởi sau khi tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông được hình thành, giá đất ở đây sẽ lên đến 30-40 triệu đồng/m2, trong khi tại thời điểm bàn giao quỹ đất, giá đất được áp vào khoảng 8,5tr đồng/m2. Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra 1 khoảng chênh lệch lên tới 200 tỷ đồng giữa giá trị hợp đồng BT và giá trị đối trừ tiền sử dụng đất... Thế nhưng, hơn 10 năm qua, dự án BT khu đô thị Dương Nội vẫn "đắp chiếu".
Không những vậy, Nam Cường còn một số dự án tại Hà Nội như khu đô thị sinh thái Chúc Sơn (Chương Mỹ) quy mô 750 ha hiện cũng chưa được triển khai xây dựng; KĐT Thạch Phúc với quy mô hơn 500 ha... hiện cũng chỉ là những cánh đồng cỏ hoang.
Chưa dừng lại ở sự bết bát tại các khu đất "vàng", cuối năm 2019, Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng NCC thuộc Tập đoàn Nam Cường còn từng bị "tố" có dấu hiệu "bùng" hơn 50 tỷ đồng tiền mua vật liệu xây dựng của các nhà cung cấp, khiến các công ty này rơi vào cảnh kiệt quệ, vì tiền vốn bị Công ty NCC chiếm dụng, dù đơn vị này đã hứa trả nhiều lần.
Điều này đặt ra nhiều nghi vấn và câu hỏi liên quan: Công ty NCC thuộc Tập đoàn Nam Cường vì sao chưa thanh toán số tiền hơn 50 tỷ đồng tiền mua vật liệu xây dựng của đối tác? Các dự án sử dụng vật liệu này đã hoàn thành và thu hồi vốn hay chưa? Nếu đã thu hồi vốn thì tiền đi đâu mà không trả cho bên cung cấp? Còn nếu chưa thu hồi được vốn thì đây là đơn vị không có năng lực thực tế mà phải duy trì bằng việc chiếm dụng vốn?