Mạng lưới tài khoản ngầm và bí mật 4 tỷ USD: Credit Suisse lại vướng án trốn thuế

Ngân hàng Credit Suisse mới đây đã đồng ý nộp phạt 511 triệu USD và thừa nhận đã giúp người nộp thuế Mỹ che giấu hơn 4 tỷ USD khỏi cơ quan chức năng, theo một thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ). Ngân hàng này cũng thừa nhận đã vi phạm một thỏa thuận từng ký với DoJ cách đây một thập kỷ vì những hành vi tương tự.

UBS, đơn vị đã mua lại Credit Suisse trong khuôn khổ kế hoạch giải cứu khẩn cấp năm 2023, ngày 5/5 cho hay Credit Suisse Services sẽ phải nộp hai khoản phạt với tổng trị giá hơn nửa tỷ USD.

Cụ thể, khoản phạt bao gồm 372 triệu USD cho hành vi hỗ trợ chuẩn bị tờ khai thuế thu nhập giả mạo và gần 139 triệu USD theo thỏa thuận không truy tố liên quan đến người nộp thuế Mỹ được ghi danh tại trung tâm giao dịch cũ của Credit Suisse tại Singapore.

“UBS không liên quan đến hành vi vi phạm gốc và áp dụng chính sách không khoan nhượng đối với hành vi trốn thuế”, ngân hàng này cho biết trong một tuyên bố. Trước đó, UBS từng đạt thỏa thuận giải quyết trị giá 780 triệu USD với các công tố viên Mỹ vào năm 2009 liên quan đến hành vi tương tự.

UBS đã ký thỏa thuận nhận tội với các công tố viên liên bang, đồng thời đại diện ra tòa tại Virginia để chính thức nhận tội thay mặt Credit Suisse.

Thỏa thuận nhận tội lần này đánh dấu hồi kết cho cuộc điều tra kéo dài nhiều năm của Bộ Tư pháp Mỹ. Theo cơ quan này, Credit Suisse đã hỗ trợ người Mỹ che giấu tài sản và thu nhập trong ít nhất 475 tài khoản nước ngoài, vi phạm thỏa thuận nhận tội mà ngân hàng đã ký với chính quyền Mỹ vào năm 2014.

Trong thông cáo phát hành, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết: “Trong số các hành vi gian lận, các nhân viên Credit Suisse đã làm giả hồ sơ, xử lý giấy tờ quyên góp không có thật và quản lý hơn 1 tỷ USD trong các tài khoản không có tài liệu chứng minh tuân thủ thuế”.

Trước đó, vào năm 2014, Credit Suisse đã đồng ý nộp phạt 2,6 tỷ USD, mức phạt lớn nhất trong một vụ án hình sự về thuế của Bộ Tư pháp Mỹ, do hỗ trợ người nộp thuế Mỹ gian lận trong kê khai thuế.

Cũng trong thỏa thuận được công bố ngày 5/5, Credit Suisse đồng ý tránh bị truy tố hình sự liên quan đến các tài khoản mà ngân hàng này nắm giữ tại Singapore thay mặt cho khách hàng Mỹ sử dụng để trốn thuế. Bộ Tư pháp cho biết, các tài khoản này, được duy trì từ năm 2014 đến 2023, có tổng tài sản lên đến hơn 2 tỷ USD.

Theo các công tố viên liên bang, sau khi sáp nhập với Credit Suisse, UBS đã phát hiện nhiều tài khoản tại Singapore có dấu hiệu chưa khai báo với chính quyền Mỹ và sau đó chủ động cung cấp thông tin về các tài khoản này cho Bộ Tư pháp.

Các thỏa thuận mới không miễn trừ trách nhiệm cá nhân, tức là các cá nhân liên quan tại Credit Suisse vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, cả Credit Suisse Services và UBS đều buộc phải tiếp tục hợp tác với các cuộc điều tra đang diễn ra của Bộ Tư pháp Mỹ.

Thỏa thuận được công bố sau khi Ủy ban Thượng viện Mỹ trong năm 2023 phát hiện Credit Suisse đã tiếp tay cho hành vi trốn thuế của giới siêu giàu Mỹ, đồng thời không báo cáo gần 100 triệu USD trong các tài khoản bí mật thuộc sở hữu của một gia đình người Mỹ.

Cuộc điều tra được khởi động sau khi một số cựu nhân viên Credit Suisse – những người đã từng tố giác hành vi sai phạm của ngân hàng – tiếp tục cung cấp thông tin cho thấy hành vi trốn thuế vẫn tiếp diễn “ngay cả sau thỏa thuận nhận tội và tuyên án năm 2014”.

Vào tháng 3/2023, Chính phủ Thụy Sĩ đã buộc "ông lớn" ngân hàng UBS phải tiếp quản Credit Suisse với giá 3,25 tỷ USD. Thương vụ sáp nhập diễn ra sau khi Credit Suisse rơi vào khủng hoảng niềm tin và đối mặt với nguy cơ phá sản, buộc Chính phủ Thụy Sĩ phải can thiệp.

UBS đã buộc phải tiếp quản đối thủ nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng và bảo vệ danh tiếng của Thụy Sĩ về hệ thống ngân hàng ổn định, minh bạch. Kể từ đó, Credit Suisse trở thành công ty con của UBS.

Quang Đăng

Theo VietnamFinance