Một cổ phiếu ngân hàng tăng hơn 200% trong năm 2021
Trải qua một năm nhiều biến động, cổ phiếu ngân hàng tăng bình quân 36,6%, cao hơn 2,8% so với chỉ số VN-Index. Hầu hết các mã cổ phiếu đều tăng mạnh.
Năm 2021, sàn chứng khoán đón chào thêm 3 cổ phiếu ngân hàng mới là OCB (HOSE), SSB (HOSE) và VAB (UPCoM). Ngoài ra, 2 cổ phiếu ngân hàng chuyển nhà là cổ phiếu SHB chuyển sàn từ HNX sang HOSE và cổ phiếu BAB chuyển từ UPCoM lên HNX.
Cổ phiếu của ngành ngân hàng tăng bình quân 36,6% trong năm 2021, cao hơn 2,8% so với chỉ số VN-Index. Các cổ phiếu có hiệu suất cao nhất bao gồm SSB, TPB, LPB, MSB và VPB, với mức tăng giá trên 90% so với đầu năm. Các cổ phiếu tăng khoảng 50%-90% bao gồm: MBB, TCB, STB, OCB, VIB và SHB.
Năm 2021, sự biến động của cổ phiếu ngân hàng có thể nói gọn qua cụm từ ‘tăng sốc, giảm sâu’.
Thời điểm nửa đầu năm 2021, cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt đà tăng của VN-Index được người người tung hô. Nhiều cổ phiếu đã lập đỉnh, tăng gấp 2-3 lần so với đầu năm 2021. Tuy nhiên, từ tháng 7 đến tháng 9, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng đồng loạt “ngã ngựa” và trở thành lực cản kéo VN-Index tụt về mốc 1.300 điểm. Đến những tháng cuối năm 2021, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có những đợt bật dậy song lại lình xình đi ngang, thậm chí là sụt giảm.
Các chuyên gia phân tích cho rằng cổ phiếu ngân hàng đã tăng khá mạnh trong khoảng thời gian đầu năm và triển vọng của ngành ngân hàng trong những tháng cuối năm được dự báo không tốt như ngành khác. Thêm nữa, khi ngân hàng phát hành cổ phiếu để tăng vốn hoặc chuẩn bị niêm yết, khiến mức độ pha loãng thị trường lớn hơn, cổ phiếu ngân hàng tăng sẽ tạo áp lực bán trong nhà đầu tư.
Cụ thể, đóng phiên giao dịch ngày 31/12/2021, thị giá cổ phiếu NVB dừng ở mức 32.000 đồng/cp, tăng 219% so với đầu năm. Đáng nói, tốc độ tăng trưởng thị giá của cổ phiếu ngân hàng này có vẻ chưa tương xứng với kết quả kinh doanh khi NVB là một trong những nhà băng có lợi nhuận khá ‘lẹt đẹt’trong hệ thống.
Ngược lại, một nhà băng có lợi nhuận hàng chục nghìn tỷ đồng, đứng trong Top 10 nhưng lại là ngân hàng duy nhất ghi nhận giá cổ phiếu giảm, đó là cổ phiếu BID của ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), giảm 2% so với phiên giao dịch 31/12/2020.
Loạt cổ phiếu ngân khác cũng có giá tăng bằng lần so với phiên giao dịch ngày 31/12/2020 như TPB (gấp 2,1 lần), VIB, LPB và MSB cùng có thị giá tăng gấp đôi. Hay MBB tăng 70%, VBB tăng 80%, STB tăng 86%, VPBank tăng 98%;…
Đáng chú ý, khối lượng cổ phiếu ngân hàng cũng tăng mạnh khi các nhà băng đua nhau chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Điều này dẫn đến vốn hóa toàn ngành ngân hàng cũng vượt lên mốc hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 79% so với mức 1 triệu tỷ đồng của hồi cuối năm 2020.
Trong đó, Vietcombank (VCB) là ngân hàng có vốn hóa lớn nhất ngành, vị trí thứ hai là BIDV (BID) và vị trí thứ 3 là Techcombank (TCB).
Về thanh khoản, cổ phiếu ngân hàng trong năm qua ghi nhận hơn 188 triệu cp/ngày được chuyển giao, tăng 85% so với năm 2020, tương ứng với giá trị giao dịch gần 6.118 tỷ đồng/ngày, gấp 2,18 lần năm 2020.
Trong đó, thanh khoản cổ phiếu STB (ngân hàng Sacombank) dẫn đầu với khối lượng giao dịch bình quân gần 28 triệu cp, gấp 2,1 lần năm 2020, tương đương giá trị hơn 711 tỷ đồng, gấp 4,21 lần năm trước.
Nhiều nhà băng ghi nhận thanh khoản tính bằng lần như SHB gấp 3 lần; MBB gấp 2,2 lần; VPB gấp 2,3 lần; TPB gấp 3,7 lần;… Tuy nhiên, vẫn có một số cổ phiếu ngân hàng ghi nhận thanh khoản giảm trong năm qua như ABB giảm 54%; EIB giảm 21%;…
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, rủi ro nợ xấu và khả năng tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong 6 tháng đầu năm 2022 đã phản ánh một phần vào giá cổ phiếu ngân hàng, giúp định giá quay về mức hợp lý hơn, P/B dự phóng hiện khoảng 1,8 lần.
P/B năm 2022 các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research đang ở mức 1,6 lần, cao hơn so với mức trung bình trong lịch sử là do nhà đầu tư trả cho năng lực tài chính, khả năng phục hồi và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tốt hơn so với chu kỳ tín dụng trước đây. ROE năm 2022 đối với các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu ước đạt 19% so với mức 10,5 - 18% trong giai đoạn 2015 - 2020.
Theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2022 của CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), nhu cầu tín dụng duy trì tích cực, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ đạt 13-15% trong năm 2022. Nhóm ngân hàng có hệ số CAR cao và có mô hình hoạt động năng động sẽ tiếp tục được cấp mức room tín dụng cao hơn trung bình ngành.
Qua đó, VCBS dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng tích cực trong năm 2022. Tuy nhiên sẽ có mức độ phân hóa rõ rệt với tiềm năng thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân tiếp tục hạ được chi phí vốn.
Tuy nhiên, lợi nhuận của cổ phiếu các ngân hàng không còn ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh và đồng đều như giai đoạn nửa đầu năm 2021. Đồng thời, mức định giá của cổ phiếu các ngân hàng đã cao hơn trung bình quá khứ. Do đó, giá cổ phiếu của các ngân hàng năm 2022 kỳ vọng có sự phân hóa mạnh theo tốc độ tăng trưởng và các câu chuyện riêng.