Một năm vượt khó của các doanh nghiệp bất động sản
Dù liên tiếp gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn có kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2020, tạo đà cho bước tăng trưởng mới trong năm 2021.
Năm 2020 được đánh giá là một năm vượt khó của các doanh nghiệp bất động sản khi những chiến lược đặt ra từ năm 2019 đều bị chặn lại bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy vậy, cùng với nhưng diễn biến khả quan của công tác phòng chống dịch bệnh, càng về những tháng cuối năm 2020, các doanh nghiệp bất động sản càng tăng tốc gấp nhiều lần để hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh đặt ra.
Báo cáo kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp mới được công bố đã cho thấy những tín hiệu sáng. Một số doanh nghiệp lần lượt báo lãi. Đứng đầu danh sách đến thời điểm hiện tại là Vinhomes với mức lãi kỷ lục 27.839 tỷ đồng trong năm 2020.
Cụ thể, quý IV/2020, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vinhomes đạt 21.512 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2019 nhờ bàn giao 4 dự án: Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Grand Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Symphony.
Lũy k ế cả năm 2020, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vinhomes ghi nhận đạt 70.890 tỷ đồng, tăng 37% theo năm. Lãi sau thuế của công ty mẹ đạt 27.839 tỷ đồng, tăng 28%.
Quý IV/2020, Văn Phú - Invest cũng ghi nhận doanh thu 1.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 215 tỷ đồng. Tính cả năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận mức lợi nhuận 312 tỷ đồng, vượt kế hoạch đặt ra.
Trong năm 2020, lợi nhuận của Văn Phú - Invest chủ yếu đến từ dự án The Terra - An Hưng (Tố Hữu, Dương Nội, Hà Đông) và Grandeur Palace - Giảng Võ (số 138B Giảng Võ, Ba Đình). Trong đó, doanh thu đến từ The Terra - An Hưng đạt 2.150 tỷ đồng, còn Grandeur Palace - Giảng Võ góp 1.938 tỷ đồng trên tổng doanh thu quý IV năm 2020.
Novaland cũng vượt kế hoạch lãi 2020, đạt gần 3.900 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 của Novaland, doanh thu thuần trong quý doanh nghiệp đạt gần 1.223 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Lãi thuần của doanh nghiệp đạt gần 862 tỷ đồng.
Kết quả cả năm 2020, Novaland đạt hơn 5.000 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 3.900 tỷ đồng lãi ròng, giảm hơn một nửa về doanh thu nhưng tăng gần 14% về lợi nhuận so với năm trước đó. Như vậy, Novaland đã thực hiện được khoảng 35% kế hoạch doanh thu và vượt hơn 6% kế hoạch lợi nhuận mà ĐHĐCĐ thường niên 2020 thông qua.
Báo cáo kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hà Đô cũng cho thấy đơn vị này cũng vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2020. Quý IV/2020, doanh thu thuần của Hà Đô đạt gần 1.168 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của Hà Đô đạt hơn 298 tỷ đồng, giảm nhẹ 7%, trong đó lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là gần 204 tỷ đồng, giảm 29%. Tuy nhiên, lũy kế cả năm 2020, Hà Đô mang về gần 4.998 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 13% lên hơn hơn 1.260 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng nhẹ 4%, đạt hơn 968 tỷ đồng.
CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV/2020 với doanh thu thuần đạt hơn 574 tỷ đồng, tăng mạnh 97% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của TTC Land trong quý đạt hơn 90 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 18 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt hơn 87 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, TTC Land mang về hơn 918 tỷ đồng doanh thu thuần và 278 tỷ đồng.
Các chuyên gia nhận định, bất động sản là một trong những ngành chịu ảnh hưởng khá lớn từ những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là phân khúc du lịch, nghỉ dưỡng. Trước khi dịch bệnh bùng phát, các doanh nghiệp bất động sản cũng đã gặp những khó khăn nhất định về các vấn đề thủ tục hành chính, cấp phép dự án dẫn đến thị trường đã có sự trầm lắng so với những năm trước. Nên có thể nói, dịch bệnh khiến các doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh khó khăn chồng khó khăn khi nhu cầu, sức mua giảm, thanh khoản kém đi, hoạt động kinh doanh, bán hàng bị trì trệ, doanh thu sụt giảm...
Tuy nhiên, đây không phải là những khó khăn không thể vượt qua. Chính phủ cũng đã có những giải pháp hỗ trợ liên quan đến vốn, giãn thuế cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thị trường vẫn còn rất nhiều cơ hội cho những doanh nghiệp biết tận dụng.
“Khách hàng, đối tác không chờ đợi các doanh nghiệp. Dù khó khăn nhưng sự cạnh tranh trên thị trường vẫn còn. Nếu các doanh nghiệp không tự mình vực dậy, không chuẩn bị nguồn lực để phục hồi sau khủng hoảng thì sẽ mất cơ hội.
Do vậy, giai đoạn thị trường trầm lắng và khó khăn hiện nay cũng chính là cơ hội để các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản có quỹ thời gian để rà soát, tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, hiệu quả, cắt giảm chi phí, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, điều chỉnh chiến lược kinh doanh... đồng thời vẫn phải tìm cách để duy trì hoat động và cần thay đổi để thích ứng tốt nhất với tình hình”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, đây là thời điểm hợp lý để đưa bất động sản lên nền tảng số. Các doanh nghiệp bất động sản hoàn toàn có thể áp dụng hình thức kinh doanh online, sử dụng các ứng dụng công nghệ để giới thiệu sản phẩm với khách hàng, thậm chí cho phép khách hàng có thể đặt chỗ, thanh toán đặt cọc mua nhà mà không phải gặp mặt trực tiếp.
“Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp có thể phát huy hiệu quả của kinh tế số vào hoạt động kinh doanh, giới thiệu sản phẩm giúp tiết kiệm thời gian, chi phí bán hàng... Đồng thời, thay đổi thói quen của khách hàng, nhà đầu tư để tiến tới áp dụng trong dài hạn. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn họ đang làm theo cách này và vẫn bán hàng tốt, giao dịch vẫn sôi động và ít nhất là có thêm nguồn thu để duy trì hoạt động”, ông Thịnh nói.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có các hoạt động mang tính chất chuẩn bị như tìm hiểu đối tác, tìm hiểu thị trường, mở rộng thị trường, tiếp cận các nhóm khách hàng, đưa ra những chiến lược dài hạn để tạo đà cho sự bứt phá sau khi hết dịch. Bản thân doanh nghiệp phải luôn xác định tâm thế lạc quan, chủ động, cùng đất nước vượt qua khó khăn.
Với những bước tiến như vậy, các chuyên gia đánh giá, dù dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường, nhưng thị trường bất động sản năm 2021 vẫn có thể trụ vững nhờ những doanh nghiệp có “sức khỏe” kinh doanh tốt và sức chống chịu tốt.