Nền tảng nào cho kế hoạch lợi nhuận 125 tỷ của Fecon?

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Fecon (HoSE: FCN) đã thông qua kế hoạch doanh thu 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng, tăng lần lượt 25% và 140% so với năm trước. Đằng sau những con số này, có nhiều hơn một chuyện để kể.

Sự khác biệt

Cách đây tròn 1 năm, FCN đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 để thông qua một kế hoạch kinh doanh đầy táo bạo: doanh thu 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 280 tỷ đồng, đều là những kỷ lục. Tuy nhiên, kết thúc năm 2022, FCN chỉ hoàn thành được 61% kế hoạch doanh thu và 18% kế hoạch lợi nhuận.

Căn nguyên của tình trạng “vỡ kế hoạch” đó là các cú sốc đột ngột, những diễn biến quá bất ngờ trong năm 2022 đã làm đảo lộn mọi kỳ vọng hồi đầu năm. Có thể nói, FCN đã trải qua một trong những năm kinh doanh “hồi hộp” nhất, khi lợi nhuận chỉ được cứu vãn ở những ngày cuối cùng.

Bước sang năm 2023, FCN một lần nữa lại đặt ra kế hoạch kinh doanh táo bạo: doanh thu 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng - những con số dễ dàng khiến người ta liên tưởng tới một năm vừa qua. Song, điều khác biệt của kế hoạch 2023 nằm ở chỗ: FCN đã bước vào một năm kinh doanh mới với tâm thế hoàn toàn khác trước. Không còn dựa trên những hồ hởi hay kỳ vọng, FCN đã xây dựng kế hoạch 2023 với tất cả khó khăn hiện hữu của ngành xây dựng. Điều đó phần nào cho thấy kế hoạch kinh doanh này đã được hoạch định khá kỹ lưỡng, mang tính thực tế và cũng phản chiếu sự tự tin của FCN.

Cơ sở của sự tự tin đó trước hết tới từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là xây dựng. Tổng giám đốc Nguyễn Văn Thanh cho biết giá trị backlog 2022 chuyển tiếp sang 2023 là 2.500 tỷ đồng, từ đây FCN ước tính gặt hái được 1.800 tỷ đồng doanh thu. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2023 tới nay, FCN đã ký mới được khoảng 700 tỷ đồng. Dự kiến cả năm, FCN sẽ ký mới được khoảng 6.000 tỷ đồng. Đó đều là những con số khá ấn tượng.

Cơ sở thứ hai là việc thoái vốn tại dự án Quốc Vinh Sóc Trăng. Đây là một trong hai dự án năng lượng mà FCN đã đầu tư từ lâu (cùng với Vĩnh Hảo 6). Trong một lần trao đổi với VietnamFinance, Chủ tịch FCN Phạm Việt Khoa đã nhấn mạnh ý định thoái vốn tại 2 dự án này ngay trong 2022. Tuy nhiên, năm 2022, FCN chỉ kịp thoái vốn tại Vĩnh Hảo 6. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi FCN tiếp tục đặt mục tiêu thoái vốn tại Quốc Vinh Sóc Trăng trong năm 2023.

Tại đại hội năm 2023, Chủ tịch FCN Phạm Việt Khoa cho biết FCN đã tìm được người mua cho dự án này. “Nếu thuận lợi thì quý III, còn chậm nhất là quý IV/2023, FCN sẽ đóng được thỏa thuận với người mua”, ông Khoa khẳng định.

Cần biết rằng Vĩnh Hảo 6 chính là yếu tố quan trọng nhất mang lại lợi nhuận cho FCN trong năm 2022. Bởi vậy, việc thoái vốn tại Quốc Vinh Sóc Trăng chắc chắn sẽ giúp FCN ghi nhận một khoản lợi nhuận không nhỏ trong năm nay.

Một cơ sở khác cho mục tiêu lợi nhuận lớn của FCN là công ty đã trở thành chủ đầu tư cụm công nghiệp Danh Thắng – Đoan Bái tại Bắc Giang có quy mô 75ha, tổng mức đầu tư 945 tỷ đồng và khu đô thị Nam Thái tại Thái Nguyên có tổng mức đầu tư 2.250 tỷ đồng. Mặc dù theo hoạch định, các dự án này gần như sẽ chỉ ghi nhận doanh thu vào năm 2024, tuy nhiên theo Chủ tịch FCN Phạm Việt Khoa, dự án khu đô thị Nam Thái đang rất có triển vọng mang lại tiền tươi ngay năm nay, bởi FCN đang mời nhà đầu tư Pháp tham gia. Nếu việc mời gọi này thành công, FCN sẽ ngay lập tức có doanh thu, nhờ việc chia sẻ quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, ông Khoa cũng cho biết thêm thông tin rất đáng chú ý là FCN đang đồng hành với Bắc Giang để xúc tiến cho một dự án khu công nghiệp khác quy mô 256ha, chưa kể là công ty vẫn đang tìm kiếm thêm một số dự án khu công nghiệp khác tại Đồng Nai.

Nền tảng nào cho kế hoạch lợi nhuận 125 tỷ của Fecon? - Ảnh 1

Không lo tài chính

Một nội dung cũng rất quan trọng khác tại đại hội 2023 của FCN là công ty quyết định chia cổ tức 5% bằng tiền, tương đương chi ra khoảng 78,7 tỷ đồng. Đây là động thái cho thấy FCN khá tự tin về kết quả lợi nhuận năm nay cũng như dòng tiền hoạt động. Điều này càng trở nên đặc biệt trong bối cảnh cơn khát tiền đang “hành hạ” cả thị trường bất động sản – xây dựng như hiện nay.

Lãnh đạo FCN cũng tỏ ra khá bình thản trước việc Quỹ đầu tư hạ tầng Red One muốn rút ngắn thời gian hạn chế chuyển nhượng đối với 16 triệu cổ phiếu FCN từ 2 năm xuống còn 17 tháng. “Chúng tôi thấy đề nghị của Red One không ảnh hưởng gì nhiều tới FCN cũng như sự hỗ trợ của quỹ với FCN. Thực tế, Red One đã có những hỗ trợ tương đối tốt cho FCN trong thời gian quỹ tham gia công ty, như cử người vào HĐQT để giúp HĐQT có cái nhìn khách quan và thấu đáo về tài chính. Mặt khác, Red One cũng đang có những cam kết hỗ trợ giới thiệu nhà đầu tư lớn để FCN có thêm nguồn việc”, Chủ tịch FCN Phạm Việt Khoa nói.

Về vấn đề trái phiếu, FCN hiện có dư nợ khoảng 112 tỷ đồng, đều đáo hạn trong năm 2023. Theo bà Nguyễn Thị Nghiên, thành viên HĐQT kiêm Giám đốc tài chính, các biến động của thị trường trái phiếu không tạo ra ảnh hưởng xấu tới FCN, bởi khoản vay trái phiếu đang phục vụ cho hoạt động sản xuất và các điều khoản mua lại mang tính định kỳ, do đó phù hợp với dòng tiền kinh doanh của công ty.

Điều khiến lãnh đạo FCN lo lắng hơn cả có lẽ là chi phí tài chính. Năm qua, chi phí tài chính rất lớn đã bào mòn đáng kể lợi nhuận của công ty. Dự kiến năm nay, chi phí tài chính vẫn là một vấn đề không dễ giải quyết.

Tuy vậy, lãnh đạo FCN cho biết đang cố gắng tìm kiếm những nguồn tài chính tốt hơn nhằm thay thế cho những khoản vay có lãi suất cao, đơn cử như việc thông qua đối tác chiến lược Corio Generation để có được vốn vay từ phía Nhật Bản.

Trong bối cảnh còn nhiều biến số khó lường, lãnh đạo FCN đã thận trọng trước các mảng hoạt động xây dựng hạ tầng có vốn đầu tư công cũng như năng lượng tái tạo. Rất khó để nói về tính “khôn ngoan” trong tâm thế này, nhưng chí ít với các điều kiện hiện nay, đó vẫn là một quyết định nhiều phần hợp lý.

Ái Châu Tử

Theo VietnamFinance