Ngăn chặn thất thu thuế, siết chặt kê khai, thu thuế từ BĐS ghi nhận tăng hàng chục nghìn tỷ đồng
Trái ngược với sự trầm lắng của thị trường BĐS từ đầu năm 2022 đến nay, số tiền thu thuế từ chuyển nhượng BĐS vẫn đạt gần 27.000 tỷ đồng, tăng hơn 13.200 tỷ đồng, tức trên 96% so với cùng kỳ 2021.
Từ đầu năm 2022, thị trường BĐS rơi vào trầm lắng khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về viễn cảnh của giai đoạn suy thoái đang cận kề.
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, Nhu cầu tìm mua các loại hình BĐS đều giảm mạnh trong tháng 9, lượt tìm kiếm đất nền cả nước giảm 50%, căn hộ giảm 9%, nhà riêng giảm 25% và biệt thự liền kề giảm 12% so với giai đoạn đầu năm 2022.
Trong quý 3 mức độ quan tâm bất động sản bán giảm mạnh tại các khu vực như Hải Phòng (giảm 19%), Cần Thơ (giảm 14%), Đà Nẵng (giảm 12%), Hà Nội (giảm 1%) và duy chỉ TP.HCM ghi nhận mức độ quan tâm trong quý 3 tăng 6% so với quý 2/2022.
Báo cáo quý III của Cushman & Wakefield còn cho biết các chính sách kiểm soát tín dụng có hiệu lực từ đầu tháng 7 năm nay đã phần nào tạo ra rào cản trong việc huy động vốn từ các ngân hàng thương mại, khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn khi triển khai các dự án mới.
Còn theo thống kê mới đây của DKRA Vietnam, phân khúc đất nền tại TP HCM và vùng phụ cận trong quý III chỉ ghi nhận 9 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 1.057 sản phẩm, giảm 65% so với quý II. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 550 nền, tương đương 52% nguồn cung mới, giảm 78% so với quý trước. TP HCM tiếp tục khan hiếm nguồn cung, trong khi nguồn cung tập trung chủ yếu ở Bình Dương.
Trái ngược với diễn biến trầm lắng của thị trường BĐS từ đầu năm 2022, nguồn thu thuế từ chuyển nhượng BĐS lại ghi nhận tăng mạnh cả chục nghìn tỷ đồng. Luỹ kế 8 tháng, số thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và quà tặng là bất động sản đạt hơn 26.860 tỷ đồng, tăng hơn 13.200 tỷ đồng, tức trên 96% so với cùng kỳ 2021.
Trên toàn quốc năm 2022, tính đến ngày 6/9, lượng hồ sơ khai giá chuyển nhượng cao hơn giá UBND chiếm 72%, trung bình một bộ hồ sơ khai giá cao hơn gần 3 lần so với giá UBND. Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình thực hiện vẫn còn các tồn tại, hạn chế như ý thức tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế của người dân chưa cao, nhận thức chưa đầy đủ về chính sách pháp luật thuế và pháp luật có liên quan, chưa nhận thức được hậu quả khi khai thuế với giá không đúng với giá thực tế chuyển nhượng.
Kết quả này được đánh giá là hiệu quả trong công tác chống thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản mà trước đó Bộ Tài chính đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, Bộ Tài chính đang rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản để sửa đổi, bổ sung đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội thực hiện Nghị quyết 62 về chất vấn tại kỳ họp 3, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết cơ quan này đã có nhiều động thái để tăng thu thuế bất động sản. Một trong số đó là yêu cầu cơ quan thuế không được gây khó khăn cho người nộp thuế, không ngăn chặn cũng như làm tồn đọng hồ sơ chuyển nhượng bất động sản; không kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ chuyển nhượng.
Theo quy định pháp luật về thuế, người nộp thuế kê khai, nộp thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng thì cơ quan thuế có quyền ấn định thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế không có chức năng điều tra nên việc thu thập thông tin làm căn cứ ấn định thuế gặp nhiều khó khăn.
Bộ Tài chính cho biết, thực tế hiện nay, việc ấn định thuế được thực hiện có hiệu quả chỉ trong trường hợp cơ quan có liên quan (Công an điều tra, Thanh tra kiểm tra…) thu thập đủ chứng cứ chứng minh giao dịch mua bán thực tế, phát hiện kết luận hành vi gian lận, trốn thuế thì căn cứ để cơ quan thuế ấn định thuế mới hoàn toàn vững chắc.
Tổng cục Thuế cũng nhận được báo cáo của một số cơ quan thuế địa phương báo cáo việc đã chuyển hồ sơ qua cơ quan cảnh sát điều tra nhưng cơ quan điều tra chuyển lại cơ quan thuế để xử lý hành chính vì không đủ căn cứ xác định hành vi trốn thuế.
Bên cạnh đó, liên quan đến đất đai có nhiều cơ quan quản lý như: Bộ Tài nguyên và Môi trường hay Bộ Xây dựng..., văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành hiện nay cũng chưa đồng bộ, mặt khác dữ liệu về đất đai của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa được xây dựng đồng bộ, liên thông để trao đổi phục vụ quản lý thông tin liên quan đến đất.
Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan thuế, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí triển khai tuyên truyền, hướng dẫn phổ biến chính sách thuế. Ngoài ra, tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan nhằm hoàn thiện, đồng bộ các quy định của pháp luật, xây dựng Bộ tiêu chí rủi ro đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.