Ngân hàng đầu tiên báo tín dụng tăng trưởng âm

Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank, mã: PGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với lợi nhuận tăng nhưng tín dụng lại tăng trưởng âm.

 

Ngân hàng đầu tiên báo tín dụng tăng trưởng âm - Ảnh 1

Tính riêng trong quý 3/2022, nguồn thu chính của PGBank mang về hơn 333 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng trưởng 64% so với cùng kỳ 2021.

Bên cạnh đó, các nguồn thu phi tín dụng đều tăng trưởng so với cùng kỳ như lãi từ dịch vụ cao gấp 4,4 lần đạt hơn 25,5 tỷ đồng; lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối hơn 4 tỷ; lãi từ hoạt động khác đạt hơn 30 tỷ đồng, tăng 43%. Chỉ riêng mua bán chứng khoán đầu tư thua lỗ không đáng kể.

Tuy PGBank dành tới 77,3  tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập gần 2 tỷ đồng nhưng vẫn đạt 113 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 45% so cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, thu nhập lãi thuần tại nhà băng này tăng 19% lên gần 876 tỷ đồng. Các nguồn thu ngoài lãi như hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối đều tăng trưởn,... Tuy nhiên, mua bán chứng khoán đầu tư sụt giảm mạnh 48% xuống còn hơn 29 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng trong 9 tháng đầu năm 2022 cũng tăng vọt gấp 2,3 lần cùng kỳ, ghi nhận gần 220 tỷ đồng. Sau cùng, PGBank vẫn lãi trước và sau thuế lần lượt 387 tỷ đồng và gần 310 tỷ đồng, tăng 42% so cùng kỳ 2021.

Ngân hàng đầu tiên báo tín dụng tăng trưởng âm - Ảnh 2

Nếu so với kế hoạch 430 tỷ đồng lãi trước thuế đề ra cho cả năm 2022, PGBank đã hoàn thành tới 90% kế hoạch năm.

Tuy ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan song hoạt động tín dụng tại PGBank lại sụt giảm.

Cụ thể, thời điểm 30/9/2022, tổng tài sản của PGBank ghi nhận gần 46.332 tỷ đồng, tương đương tăng thêm hơn 5.800 tỷ sau 9 tháng. Trong đó, tiền gửi tại ngân hàng giảm mạnh gần 72% so đầu kỳ khi xuống vỏn vẹn 291 tỷ đồng. Ngược lại tiền gửi tại các TCTD khác tăng mạnh 55% lên 11.626 tỷ đồng. Đáng chú ý, cho vay khách hàng lại tăng trưởng âm 0,78% về mức 27.283 tỷ đồng.

Ngược lại, tiền gửi khách hàng tại PGBank lại tăng 3% lên mức 28.937 tỷ đồng. 

Một vết đen trong bức tranh kinh doanh của nhà băng này chính là nợ xấu. Tại thời điểm 30/9/2022, tổng nợ xấu tại PGBank tăng tới 17% ghi nhận 813 tỷ đồng. Trong đó, nhóm nợ có khả năng mất vốn chiếm nhiều nhất với 656 tỷ đồng, tăng mạnh 35% so với đầu năm; còn nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ đều giảm so với đầu năm. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 2,52% hồi đầu năm của lên 2,98%.

Ngân hàng đầu tiên báo tín dụng tăng trưởng âm - Ảnh 3
Cơ cấu các nhóm nợ xấu tại PGBank (nguồn: BCTC quý 3/2022).

Trước đó, hồi tháng 5/2022, PGBank bị kiểm toán nhà nước chỉ ra việc chưa phân loại nợ phù hợp. Cụ thể, sau kiểm toán, PGBank bị giảm dư nợ nhóm 1 là 45,49 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 2 là 34,07 tỷ đồng, nhóm 3 tăng 9,62 tỷ đồng, nhóm 4 tăng 0,35 tỷ đồng và nhóm 5 tăng 1,45 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngoại trừ các trường hợp năm 2021 các ngân hàng đã trích lập đầy đủ dự phòng hoặc đã tất toán nợ vay nên Kiểm toán Nhà nước không điều chỉnh tăng trích dự phòng rủi ro tín dụng. Nhưng sau khi kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước vẫn phải điều chỉnh tăng chi phí dự phòng tại PGBank 4,21 tỷ đồng.

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ