Ngân hàng hết “room”, cần lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về gói hỗ trợ 2%

Ngân hàng hết “room”, khách hàng doanh nghiệp không mặn mà vì khó tiếp cận, nhiều doanh nghiệp từ chối vì sợ bị thanh tra, doanh nghiệp vừa và nhỏ thì không có tài sản bảo đảm. Theo PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê đây là một trong nhiều khó khăn khiến việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% nói riêng và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ nói chung còn chưa đạt kỳ vọng.

Nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm phục hồi trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Giá trị xuất nhập khẩu sắt thép các loại từ 2014 đến tháng 6/2022 - (Đơn vị: Triệu đô la Mỹ).  
Giá trị xuất nhập khẩu sắt thép các loại từ 2014 đến tháng 6/2022 - (Đơn vị: Triệu đô la Mỹ).  

Theo đó, một số những nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh bao gồm miễn giảm thuế, phí, lệ phí, giảm tiền thuê và gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất, chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất được những sản phẩm sắt thép có khả năng cạnh tranh với sắt thép nhập khẩu và xuất khẩu ra nước ngoài. Kim ngạch xuất nhập khẩu sắt thép tăng trưởng mạnh một phần cũng nhờ các chính sách ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu mà Nhà nước đã ban hành và điều chỉnh trong thời gian qua.

Ngân hàng hết “room”, cần lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về gói hỗ trợ 2% lãi suất .  
Ngân hàng hết “room”, cần lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về gói hỗ trợ 2% lãi suất .  

Mặc dù lượng thép nhập khẩu vào thị trường trong nước vẫn duy trì ở mức cao qua các năm; tuy nhiên, giá trị sắt thép xuất khẩu cũng đã tăng trưởng vượt bậc từ 2018 – 2022. Nếu như năm 2020, giá trị xuất khẩu chỉ khoảng 4,5 tỷ USD, thì năm 2021, giá trị xuất khẩu đã tăng lên gần 12 tỷ USD và trong 6 tháng đầu năm 2022 cũng đạt khoảng 5 tỷ USD.

Điều đó, cho thấy các doanh nghiệp trong ngành sắt thép đã từng bước tự chủ được công nghệ, tiến hành cải tiến kỹ thuật, xây dựng và điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả, giảm chi phí sản xuất, phát triển các chuỗi giá trị, có khả năng sản xuất phôi thép, thép xây dựng, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong nước.

Đối với chương trình ưu đãi thuế với sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó đã sửa đổi, bổ sung quy định về kỳ xét ưu đãi thuế đã giúp doanh nghiệp có thể linh hoạt lựa chọn kỳ 6 tháng hoặc 12 tháng. Trên thực tế, chương trình ưu đãi thuế đã khiến một số doanh nghiệp trong nước tiếp tục quay trở lại đầu tư để sản xuất, lắp ráp một số dòng xe đã dừng sản xuất trước đó. Một số doanh nghiệp đã đầu tư thêm trang thiết bị để tăng công suất và năng lực sản xuất để cung cấp cho nhu cầu thị trường trong nước.

Với việc giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ, ước tính khoảng 25,685 nghìn tỷ đồng.

Việc giảm thuế GTGT nhìn chung đã tạo cho doanh nghiệp những lợi thế về tiết kiệm chi phí thuế nhưng lại làm tăng chi phí tuân thủ thuế của doanh nghiệp (bao gồm tăng chi phí thời gian xử lý của kế toán và chi phí sử dụng hóa đơn) vì đối với cùng một khách hàng, thay vì lập 01 hóa đơn ghi nhiều thuế suất khác nhau (5%, 8%, 10%) thì doanh nghiệp phải lập 02 hóa đơn: 01 hóa đơn ghi thuế suất 8% và 01 hóa đơn ghi các thuế suất khác (5%, 10%).

Toàn cảnh Hội thảo.  
Toàn cảnh Hội thảo.  

Chính vì vậy, để tháo gỡ các vướng mắc trong việc lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, đảm bảo phù hợp với các nội dung trên hóa đơn, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2022/NĐ-CP để sửa đổi một vài điểm trong Nghị định 15/2022/NĐ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong xử lý hành chính đối với các khoản giảm thuế GTGT trên hóa đơn.

Về nội dung gia hạn tiền nộp thuê đất, Nghị định 34/2022/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022, được ban hành ngày 28 tháng 5 năm 2022, đã cụ thể hoá nội dung liên quan đến gia hạn tiền thuê đất được nêu trong Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị quyết 11/NQ-CP.

Theo đó thực hiện gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2022 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh cá nhân thuộc đối tượng quy định tại Điều 3 Nghị định này đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Thời gian gia hạn là 06 tháng kể từ ngày 31 tháng 5 năm 2022 đến ngày 30 tháng 11 năm 2022.

Dự kiến số tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn khoảng 3.500-3.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu NSNN của năm 2022 không giảm do doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 30/11/2022.

Ngày 20/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định.

Sau hơn 3 tháng triển khai Nghị định 31 về hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước (với 40.000 tỉ đồng trong năm 2022 và 2023), doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.100 tỉ đồng với gần 550 khách hàng. Số tiền lãi đã hỗ trợ đạt chỉ 1 tỉ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất là 3.966 tỉ đồng.

Lý giải về vấn đề này, PGS. TS. Nguyễn Trúc Lê (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: chính sách tốt nhưng điều kiện quá bất cập, doanh nghiệp khó thụ hưởng, chưa kịp thời điều chỉnh các bất cập.

PGS. TS. Nguyễn Trúc Lê lấy ví dụ: Việc tiếp cận nguồn vốn rẻ với chính sách hỗ trợ lãi suất 2% khá khó khăn do doanh nghiệp khó đáp ứng được các điều kiện cho vay. Có doanh nghiệp không được giải ngân vì không có tài sản thế chấp, trong khi ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn cho vay. Có hộ kinh doanh dịch vụ thu nhập thấp, song không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, vì lý do tỉnh đó chưa quy định mức thu nhập bao nhiêu là thấp. Có hợp tác xã đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu của Bộ Tài chính, mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, hợp đồng mua bán. Ngoài các vướng mắc nêu trên, một nguyên nhân khác khiến khách hàng vay vốn e ngại tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% là tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền.

Một trong những khó khăn là các thủ tục hành chính còn rất rườm rà, phức tạp, làm giảm hiệu quả của chính sách, đặc biệt là có quá nhiều giấy phép con liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp. Các điều kiện để được hưởng chính sách chưa rõ ràng, các mục tiêu chưa được cụ thể, đặc biệt nhóm giải pháp thuộc chính sách tiền tệ.

Ví dụ: Để nhận một khoản tiền nhỏ hỗ trợ Covid-19, người lao động phải hoàn thiện quá nhiều hồ sơ giấy tờ phức tạp, dẫn tới họ không có động lực thực hiện việc này. Ngoài ra, các hộ kinh doanh tuy là đối tượng thực sự khó khăn và mong muốn được giảm lãi vay, lại khó tiếp cận chính sách vay hỗ trợ lãi suất 2% do điều kiện phải có giấy phép đăng ký kinh doanh.

Lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp

Một trong những đề xuất được PGS. TS. Nguyễn Trúc Lê đưa ra là  ý kiến cộng đồng doanh nghiệp. Đó là cách dễ tiếp cận của chính sách, kể cả khi chính sách đã ban hành vẫn nên tiếp thu và có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn; Tăng cường thông tin, truyền thông đưa các giải pháp đến gần hơn các đối tượng cần được hỗ trợ; Cần xác định đúng, chính xác các đối tượng cần hỗ trợ, tìm ra các đối tượng có khả năng dẫn dắt ngành, lĩnh vực để tập trung hỗ trợ.

Tiếp đó, Đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm cả thủ tục tư vấn, thành lập doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa và trong một số lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, nông thôn, dịch vụ vận tải, logistics.

Tăng tốc số hóa, xây dựng hệ thống dữ liệu lớn trong quản lý hành chính, tích hợp các loại giấy tờ lên cùng một hệ thống để giúp các cơ quan hành chính thuận tiện hơn trong việc quản lý doanh nghiệp và công dân, từ đó hỗ trợ được doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh của mình; bổ sung các giải pháp phi tài chính: Cải cách thể chế, đơn giản thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

 

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022

Phiên thảo luận chuyên đề về “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”.

Văn Trì

Theo Chất lượng và Cuộc sống