Ngân hàng MB huy động thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 5/2022
Tháng 5/2022, ngân hàng MB đã huy động thành công 2.500 tỷ đồng từ trái phiếu thông qua 5 đợt phát hành. Tuy nhiên, các thông tin về lãi suất,...
Tháng 5/2022, ngân hàng MB đã huy động thành công 2.500 tỷ đồng từ trái phiếu thông qua 5 đợt phát hành. Tuy nhiên, các thông tin về lãi suất,...
Theo đó, ngày 24/5 Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB, mã: MBB) công bố phát hành thành công 1.300 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Trước đó, ngày 13/5, ngân hàng công bố chào bán thành công 1.010 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 7 năm.
Ngoài ra, MB cho biết đã phát hành thành công 190 tỷ đồng trái phiếu trong ba đợt 6/5/2022, 9/5/2022 và 12/5/2022 với kỳ hạn 5 năm 1 ngày và kỳ hạn 7 năm.
Trước đó, trong tháng 4/2022, ngân hàng MB đã phát hành thành công 4.960 tỷ đồng trái phiếu. Như vậy, từ đầu năm đến nay, MB đã huy động được 7.460 tỷ đồng vốn rẻ.
Tuy nhiên, các thông tin về lãi suất, mục đích và người mua trái phiếu không được ngân hàng tiết lộ.
Theo báo cáo tài chính quý 1/2022, tính đến 31/3/2022, ngân hàng MB đang nắm giữ hơn 50.620 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng 20% so với đầu năm.
Thực tế, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng là một trong những chủ đề làm nóng hội trường đại hội cổ đông nhiều ngân hàng năm nay.
Theo báo cáo tài chính của 24 ngân hàng, tổng số dư trái phiếu các tổ chức kinh tế mà các ngân hàng đầu tư tính đến hết 31/3/2022 là hơn 344.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cuối năm trước đó.
Trong đó, Techcombank là ngân hàng nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất với 76.583 tỷ đồng, tăng 22% so với cuối năm 2021. Xếp vị trí thứ hai là ngân hàng MB, VPBank, TPBank, Sacombank,…
Đáng chú ý, “ôm” lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn nhưng ngân hàng MB không thuộc diện thanh tra đột xuất hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng. Chỉ có 8 ngân hàng thuộc diện thanh tra gồm Techcombank, HDBank, TPBank, SHB, PVcomBank, VietBank, SeABank và BaovietBank.
Trả lời tại phiên họp chất vấn sáng 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thi Hồng cho biết, điểm quan trọng nhất là phải kiểm soát được rủi ro khi tổ chức tín dụng tham gia vào thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. Bởi các tổ chức tín dụng khi tham gia những thị trường này mà không kiểm soát được rủi ro, sẽ không có khả năng thu hồi các khoản đầu tư, từ đó gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu chi trả cho người gửi tiền.
Quý đầu năm 2022, ngân hàng MB báo lãi trước thuế gần 5.910 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nợ xấu tại MB tính đến 31/03/2022 tăng đến 26% so với đầu năm, lên mức 4.129 tỷ đồng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ có khả năng mất vốn tăng tới 55% và nợ nghi ngờ lên tới 52%. Kết quá, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của MB từ 0,90% lên 0,99%.