Nợ xấu tại ngân hàng MB ra sao trước khi nhận tiếp quản một ngân hàng yếu kém?

Dù chưa nhận tiếp quản một ngân hàng yếu kém, nhưng nợ xấu của ngân hàng MB đã tăng mạnh trong quý I/2022. Đồng thời, nhà băng này đang \'sở hữu\' hơn 134.761 tỷ đồng...

Ngân hàng MB sẽ nhận về một ngân hàng yếu kém

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ông Lưu Trung Thái – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - mã MBB) cho biết nhà băng này sẽ nhận chuyển giao bắt buộc 1 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Từ đó, mở ra cơ hội để ngân hàng MB tăng tốc từ 1,5 - 2 lần tốc độ phát triển quy mô tài sản, tín dụng, mạng lưới, góp phần sớm hoàn thành mục tiêu chiến lược phục vụ trên 20 triệu khách hàng.

Mặc dù nhận chuyển giao bắt buộc nhưng ngân hàng MB và tổ chức tín dụng (TCTD) bị chuyển giao vẫn sẽ là hai pháp nhân độc lập, hạch toán riêng và không ảnh hưởng tới chính sách cổ tức của ngân hàng.

"Báo cáo tài chính của ngân hàng sẽ không phải hợp nhất cho tới khi MB quyết định sáp nhập với tổ chức tín dụng này", ông Thái cho biết.

Tổng Giám đốc MB nhận định: "Việc nhận chuyển giao bắt buộc là một việc khó nhưng khi nhận nhiệm vụ này chúng ta có sự ủng hộ của Nhà nước và có được không gian phát triển".

Ông chia sẻ với cổ đông những mặt lợi ích hay "phần thưởng" sẽ không phải nhận được ngay mà cần phải thực hiện nhiệm vụ trước. Ông cũng khẳng định về dài hạn việc nhận sáp nhập có ý nghĩa quan trọng với chiến lược dài hạn của MB.

Đặc biệt, Tổng Giám đốc cũng đánh giá việc thực hiện tái cơ cấu TCTD là việc khó và có những rủi ro cho người thực thi. Trong quá trình thực thi, có thể nhanh hơn hoặc chậm hơn, do đó, nhóm tái cơ cấu đề xuất xem xét việc miễn trách nhiệm cho các cá nhân thực hiện.

Hiện chưa thể công bố danh tính ngân hàng yếu kém mà ngân hàng MB nhận chuyển giao, nhưng ngân hàng này sẽ có quy mô tài sản thấp hơn 10% so với tổng tài sản của MB và lỗ lũy kế không vượt quá 20.000 tỷ đồng.

Nợ xấu tại ngân hàng MB ra sao trước khi nhận tiếp quản một ngân hàng yếu kém? - Ảnh 1

Danh sách 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua bắt buộc là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank).

Trước đó vào đầu tháng 2, Thủ tướng cũng giục triển khai ngay việc xử lý, cơ cấu lại hai ngân hàng thương mại yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương và tiếp tục xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại cho hai ngân hàng yếu kém còn lại.

Trong quá khứ các ngân hàng thương mại, điển hình là Sacombank từng sáp nhập ngân hàng Phương Nam, tuy nhiên đến nay vẫn chưa khắc phục hết tồn đọng. Vì vậy, tại ĐHCĐ ngân hàng MB, vấn đề “nóng” liên quan tới nhận chuyển giao TCTD đã được cổ đông liên tục chất vấn Ban lãnh đạo.

Trả lời chất vấn cổ đông về việc nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, ông Lưu Trung Thái cho biết, việc nhận chuyển giao vừa là nhiệm vụ, vừa là tự nguyện. MB là một trong 7 ngân hàng được mời đến trong đó Vietcombank đã sẵn sàng, MB là ngân hàng thứ hai. Có một phần nhiệm vụ chính trị vì MB là ngân hàng lớn, có hiệu quả, có khả năng thực hiện.

MB nhận sáp nhập cũng là tự nguyện vì hàng năm trong giai đoạn vừa qua ngân hàng đều tăng trưởng và khả năng tăng trưởng còn lớn hơn thực tế đang đạt được. Cụ thể, tăng trưởng hàng năm khoảng 20-25% nhưng khả năng thực tế có thể 30 - 35%. Do đó, phương án này tạo không gian mới để MB thực hiện tăng trưởng theo.

"MB sẽ không phải bỏ một đồng vốn nào để mua ngân hàng yếu kém này mà được chuyển giao bắt buộc từ Ngân hàng Nhà nước. Để cứu ngân hàng yếu kém không đổ vỡ, họ bắt buộc phải chuyển giao về Nhà nước với giá 0 đồng và thuộc sở hữu nhà nước" - ông Thái nhấn mạnh.

Về biện pháp tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, ngân hàng chuyển giao bắt buộc được vay khoản tín dụng ưu đãi có lãi suất 0% trong thời gian tái cơ cấu. Dự kiến, trong 7-9 năm, MB sẽ giải quyết được lỗ lũy kế của ngân hàng yếu kém này. Phương án tái cơ cấu dự kiến là ngân hàng được mua có thể sẽ sáp nhập với MB. Hoặc MB có thể bán ngân hàng này sau mấy năm tái cơ cấu bởi đây được coi như một khoản đầu tư của MB.

Nợ xấu tại ngân hàng MB có thực sự đáng lo ngại?

Hoạt động kinh doanh của ngân hàng MB trong quý đầu năm khởi sắc hơn cùng kỳ năm trước. Thu nhập lãi thuần tăng 41%, thu được hơn 8.385 tỷ đồng. Trong quý, MB dành ra 2.126 tỷ đồng để trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 17% so với cùng kỳ. Kết quả, Ngân hàng báo lãi trước thuế gần 5.910 tỷ đồng, tăng 29%.

Nếu so với kế hoạch 20.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đặt ra cho cả năm, ngân hàng MB đã thực hiện được 29% sau quý đầu năm.

Tuy nhiên, xét về chất lượng nợ vay lại không mấy khả quan khi tổng nợ xấu tại MB tính đến 31/3/2022 tăng tới 26% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn giảm nhẹ 8% ghi nhận gần 1.323 tỷ đồng nhưng nợ nghi ngờ lại tăng tới 52% lên hơn 1.538 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn cũng tăng tới 55% lên gần 1.269 tỷ đồng. Do đó, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của MB từ 0,9% hồi đầu năm lên 0,99%.

Cơ cấu các nhóm nợ xấu tại MB (nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2022)  
Cơ cấu các nhóm nợ xấu tại MB (nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2022)  
Chưa kể, nợ cần chú ý với khoản vay quá hạn 10-90 ngày tại ngân hàng MB tăng 24% so với đầu năm, lên hơn 4.859 tỷ đồng. Dù chưa bị xếp vào nhóm nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn nhảy vọt bất thường cho thấy nhiều người đi vay không có khả năng trả nợ đúng hạn đang gia tăng đáng kể.

Đáng nói, ngoài khối nợ xấu trên, ngân hàng MB còn đang ‘sở hữu’ hơn 134.761 tỷ đồng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn nằm ngoài bảng cân đối kế toán. Trong đó, cam kết bảo lãnh vay vốn ghi nhận hơn 162 tỷ đồng; cam kết trong nghiệp vụ L/C (bảo lãnh qua thư tín dụng) ghi nhận 32.987 tỷ đồng và cam kết trong bảo lãnh khác ghi nhận 101.612 tỷ đồng. Các khoản nợ này được phát sinh khi ngân hàng và khách hàng ký các cam kết tín dụng, hạn mức thấu chi chưa sử dụng hoặc thư tín dụng….

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2022 tại MB.  
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2022 tại MB.  
Theo định nghĩa của Chuẩn mực kế toán, nợ tiềm ẩn là nghĩa vụ nợ có khả năng phát sinh từ các sự kiện đã xảy ra và sự tồn tại của nghĩa vụ nợ này sẽ chỉ được xác nhận bởi khả năng hay xảy ra hoặc không hay xảy ra của một hoặc nhiều sự kiện không chắc chắn trong tương lai mà doanh nghiệp không kiểm soát được. Hoặc nghĩa vụ nợ hiện tại phát sinh từ các sự kiện đã xảy ra nhưng chưa được ghi nhận vì không chắc chắn có sự giảm sút về lợi ích kinh tế do việc phải thanh toán nghĩa vụ nợ hoặc giá trị của nghĩa vụ nợ đó không được xác định một cách đáng tin cậy.

Trừ khi xảy ra giảm sút lợi ích của doanh nghiệp và ngân hàng phải trả thay thì ngân hàng phải trích lập dự phòng cho nghĩa vụ trả thay nói trên. Đồng thời, khoản dự phòng này phải được đưa vào nội bảng do chúng làm sụt giảm thu nhập ngân hàng.

Nói theo định nghĩa của Chuẩn mực kế toán là như vậy, nhưng chúng ta có thể hiểu các chỉ tiêu ngoại bảng trong báo cáo tài chính của ngân hàng là các cam kết giao dịch hối đoái và nghĩa vụ nợ tiềm ẩn. Các cam kết giao dịch hối đoái chủ yếu là các hợp đồng phái sinh nên rủi ro thấp. Còn nghĩa vụ nợ tiềm ẩn bao gồm cam kết bảo lãnh vay vốn, cam kết trong nghiệp vụ L/C (bảo lãnh qua thư tín dụng) và cam kết trong bảo lãnh khác. Cam kết bảo lãnh vay vốn thì nhiều rủi ro hơn các nhiệp vụ L/C, nhưng lại thường chiếm tỷ trọng nhỏ, trong khi đó, cam kết trong nghiệp vụ L/C lại có rủi ro thấp nhất và cam kết trong bảo lãnh khác nhiều rủi ro hơn L/C.

Vì vậy, dù chỉ nằm ở ngoại bảng và chưa được coi là nợ xấu nhưng rủi ro từ các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của các ngân hàng luôn hiện hữu, nó như ‘quả bom’ nổ chậm bất cứ lúc nào.

Thực tế, tỷ lệ nợ xấu chỉ phản ánh phần nợ xấu hiện rõ và được ghi nhận trong bảng cân đối kế toán. Vì vậy, nếu một phần “nợ tiềm ẩn” được ghi nhận vào nội bảng ít nhiều tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng MB sẽ có loạt thay đổi, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Cổ đông của ngân hàng MB khó có thể yên tâm khi chưa nhận về một ngân hàng yếu kém, nhưng nợ xấu của MB đã tăng mạnh trong quý đầu năm và kèm theo đó là khối nợ tiềm ẩn.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ