Nghệ An: Sau cơn sốt đất "ảo" là làn sóng rao bán "cắt lỗ"
Nhiều nhà đầu tư bất động sản ở Nghệ An vội làm giàu, thiếu kinh nghiệm, chạy theo đám đông dẫn đến lao đao bán cắt lỗ trong cơn sốt đất.
Thấy bạn bè xung quanh xây nhà lầu, đổi xế hộp từ bất động sản, anh Nguyễn Văn Linh (trú huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cũng muốn thử vận may.
Đầu tháng 3, anh Linh được một người bạn dẫn vào "vòng xoáy" của cơn sốt đất ở vùng ven như Nghi Ân, Nghi Đức (TP Vinh), Nghi Trường, Nghi Thịnh (Nghi Lộc)… khi có quy hoạch mở rộng thành phố Vinh. Việc đầu tư đất và hưởng chênh lệch hàng trăm triệu đồng chỉ trong thời gian ngắn nhờ giá đất lên, khiến anh Linh cũng muốn thử một lần làm giàu từ bất động sản.
Vợ chồng anh Linh chấp nhận mạo hiểm thế chấp căn nhà đang ở vay ngân hàng 600 triệu đồng mua miếng đất 120 m2 ở xã Nghi Trường, rồi chờ cơ hội để lướt sóng.
Tuy nhiên, mọi dự định của anh Linh đành dang dở khi thị trường bất động sản đột ngột hạ nhiệt, cùng với việc dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại vào đầu tháng 4, mọi giao dịch của thị trường bất động sản chững lại. Trong khi đó, với 600 triệu đồng vay ngân hàng mỗi tháng vợ chồng anh phải "còng lưng" trả lãi gần 5 triệu đồng. Để thu hồi vốn, anh Linh bất đắc dĩ đăng thông tin bán cắt lỗ nhưng vẫn không thấy khách hàng nào hỏi han đến, trong khi đó tiền lãi ngân hàng vẫn phải trả hàng tháng, anh đành chạy xe ôm trả nợ.
May mắn hơn anh Linh, chị Lê Kim Oanh (trú thị xã Cửa Lò) vừa bán cắt lỗ 180 triệu đồng mảnh đất 200 m2 mới mua ở xã Nghi Ân cách đây 2 tháng.
Chị Oanh chia sẻ, đầu tháng 4, sẵn có tiền chồng đi xuất khẩu lao động từ nước ngoài gửi về chị mạnh dạn vay thêm 300 triệu đồng theo một người bạn tìm cơ hội đầu tư vào bất động sản. Sau khi nghe môi mới tư vấn về việc sốt đất vùng ven thành phố và cam kết đầu tư sẽ sinh lời cao, chị quyết định đặt cọc 80 triệu đồng mua 200 m2 đất Nghi Ân với giá 850 triệu.
Tuy nhiên, sau 1 tháng xuống tiền chị phát hiện mình mua trúng vào thời điểm “sốt ảo”, cao hơn thị trường 100 triệu. Trong khi đó, mảnh đất chị mua ở khu vực thưa dân, đường nhỏ, khả năng sinh lời không tốt. Bị chồng nói ra nói vào, chị Oanh đành bán cắt lỗ 180 triệu đồng để trả nợ.
Nhiều nhà đầu tư “lao đao” sau cơn sốt ảo
Ông Nguyễn Hoàng Ly, Giám đốc Sàn bất động sản Hoàng Ly cho biết, thị trường đất nền các vùng ven TP Vinh tại thời điểm sốt đất dao động từ 5- 8 triệu đồng/m2 tùy vào vị trí, nay giảm 2- 4 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư ôm hàng chờ lướt sóng, kiếm tiền chênh lệch, nào ngờ rút chậm nên lao đao khi cơn sốt hạ nhiệt.
Cơn sốt đất như một cơn gió, đến nhanh và cũng tan nhanh, khi nó qua đi cũng là lúc thị trường chứng kiến cảnh "kẻ cười, người khóc". Có người bỗng dưng "được biếu" không cả trăm triệu khi các nhà đầu tư chấp nhận bỏ cọc để rút chân khỏi vụ đầu tư hụt, nhưng cũng có người "chết chìm" vì gán cả tài sản vào ngân hàng.
Theo ông Ly phân tích, những người “chết chìm” trong cơn sốt bất động sản là những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, chạy theo tâm lý đám đông, đầu tư theo cảm xúc. Họ bị dẫn dắt bởi những câu chuyện của môi giới, không tìm hiểu giá cả thị trường xung quanh. Họ không so sánh cùng vị trí như vậy, giá đất thế nào? Họ cũng bỏ qua cả việc xem lô đất nằm ở đâu, ra sao? Họ thường mua đất ở thời điểm giá đất đã lên cao.
“Thời điểm giá đất lên đỉnh, có ngày một môi giới có thể chốt 4-6 giao dịch, kiếm được hàng chục triệu hoa hồng. Nhiều người lại nảy lòng tham, ôm đất để bán giá chênh lệch. Tuy nhiên, khi thị trường trầm lắng, nhiều nhà môi giới có kinh nghiệm cũng không cân đối được tài chính cũng rơi vào tình trạng lao đao trong cơn sốt đất”, ông Ly nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Anh Tâm, Sàn bất động sản Hương Quê lại cho rằng: Đa số nhà đầu tư bán cắt lỗ là những nhà đầu tư "tay ngang". Còn những nhà đầu tư chuyên nghiệp họ sẽ tính toán rất kỹ, vị trí, tiềm năng sinh lời của lô đất để lên phương án hợp lý, chính vì vậy họ ít khi bị “mắc cạn”. Thế nên, khi đầu tư, họ xác định kinh doanh lâu dài.