Nghị định số 08 sẽ là lời giải cho bài toán 119.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trong năm 2023?

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Nghị định số 08 vừa được Chính phủ ban hành có tác động tích cực đến việc xử lý nợ trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, trước mắt là với 119.000 tỷ đồng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản sẽ

Bài toán 119.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn sẽ có lời giải?

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, Hiệp hội Bất động sản TPHCM và cộng đồng doanh nghiệp nhiệt liệt hoan nghênh và trân trọng cảm ơn Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 (Nghị định) sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 08 là hết sức cần thiết vào lúc này khi sẽ có lượng lớn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn trong năm 2023 này.

Cụ thể, ông Lê Hoàng Châu cho biết, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn trong 2 năm 2023 và 2024 rất lớn, khoảng 230.000 tỷ đồng, trong đó năm 2023 khoảng 119.000 tỷ đồng, năm 2024 khoảng 111.000 tỷ đồng. Do đó, Nghị định sẽ tác động rất tích cực và hiệu quả đến việc xử lý 119.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trong năm 2023.

Nghị định số 08 sẽ là lời giải cho bài toán 119.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong năm 2023.  
Nghị định số 08 sẽ là lời giải cho bài toán 119.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong năm 2023.  

“Sau khi Nghị định số 08 đã quy định cơ chế xử lý trái phiếu doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, để tháo gỡ "vướng mắc pháp lý" và xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, Hiệp hội nhận thấy vấn đề cần được quan tâm xem xét tháo gỡ tiếp theo, là tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, giảm lãi suất vay về mức hợp lý”, ông Châu nhấn mạnh thêm.

Tuy nhiên, việc xử lý trái phiếu đến hạn phải được sự đồng thuận của các “trái chủ” với doanh nghiệp thông qua đàm phán thỏa thuận nên mất rất nhiều thời gian, mà hiện nay chỉ còn gần 9 tháng để thực hiện Nghị định. Do vậy, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị định vào đầu quý IV/2023 để tiếp tục xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh, an toàn và bền vững trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Doanh nghiệp bất động sản cần phải nỗ lực tái cấu trúc và cơ cấu lại sản phẩm

Nên lưu ý rằng, Nghị định số 08 chỉ quy định “ngưng hiệu lực thi hành” đến hết ngày 31/12/2023, đối với 3 quy định: Việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; Thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành; Kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Do đó, các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, phải rất nỗ lực để tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm theo hướng phát triển các phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu thực. Sản phẩm nhà ở phải có tính thanh khoản cao, như nhà ở giá vừa túi tiền, tích cực tham gia Chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030.

“Các doanh nghiệp cũng phải đi đôi thực hiện khuyến mãi, tăng chiết khấu, giảm giá bán nhà theo phương châm chấp nhận “bán lỗ để cắt lỗ”, để có dòng tiền, có thanh khoản trong tình hình rất khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay, để "tồn tại trước đã" rồi mới tìm cơ hội phát triển trở lại”, ông Lê Hoàng Châu khuyến nghị.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc góp phần tạo được việc làm, phát triển bất động sản, phát triển đô thị bền vững tại các địa phương, để thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn và bền vững.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và Phát triển