Nghi vấn “thổi giá” cổ phiếu Tập đoàn C.E.O
(CL&CS)-Tăng dựng đứng 820% (từ 10.000 đồng lên 92.000 đồng) chỉ trong vỏn vẹn 1 năm, cổ phiếu của CTCP Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO) khiến chuyên gia phân tích và nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu có sự nhúng tay của thế lực ngầm nào đằng sau mức tăng trưởng phi mã của cổ phiếu này.
Việc một mã cổ phiếu có mức tăng trưởng tính bằng lần chỉ trong một thời gian ngắn không phải chuyện hiếm đối với thị trường chứng khoán trên thế giới nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.
Có hai nguyên nhân chủ yếu khiến giá cổ phiếu tăng trưởng thần tốc như vậy. Một là doanh nghiệp có nền tảng cơ bản (doanh thu, lợi nhuận, lãnh đạo, có sản phẩm/dịch vụ mang tính đột phá trên thị trường...) tốt. Hai là cổ phiếu đang bị đầu cơ, thổi giá.
Xét đến diễn biến giá cổ phiếu CEO trong vòng 1 năm qua so sánh với kết quả kinh doanh thảm hại của doanh nghiệp này, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư phải đặt nghi vấn theo hướng cổ phiếu CEO đang bị đầu cơ quá mức.
Quay lại một năm trước, giá cổ phiếu CEO chỉ được giao dịch trên sàn HNX ở mức 10.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng đến đầu năm 2022, cổ phiếu CEO đã tăng dựng đứng và đạt đỉnh ở mức 92.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng trưởng 820%. Điều đáng nói là, sự tăng trưởng giá cổ phiếu CEO lại trái ngược hoàn toàn với tình hình kinh doanh của công ty này.
Xem xét báo cáo tài chính của CTCP Tập đoàn C.E.O (C.E.O Group), có thể thấy một “bức tranh” kinh doanh đầy sắc màu u ám của công ty. Trong 1 năm qua, CEO Group liên tục làm ăn thua lỗ. Từ Quý I đến Quý III năm ngoái, lợi nhuận của C.E.O Group lần lượt âm khoảng 38 tỷ đồng, 127 tỷ đồng và 59 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, CEO Group đã thua lỗ khoảng 224 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020 (theo báo cáo của CTCK SBS).
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của CEO Group ở mức cao ngất ngưởng. Tính đến cuối tháng 9/2021, tiền mặt và các khoản tương đương tiền của CEO Group chỉ vỏn vẹn 50 tỷ đồng trong khi nợ ngắn hạn của công ty lên đến 2.066 tỷ đồng.
Đà tăng trưởng điên loạn của mã cổ phiếu CEO chỉ bị kìm hãm khi xuất hiện nhiều thông tin bất lợi đối với thị trường BĐS, đặc biệt là vụ việc bỏ cọc đấu giá đất của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đã kéo một loạt cổ phiếu BĐS lao dốc. Kể từ sự kiện này, cổ phiếu CEO đã “bốc hơi” gần 54% giá trị (tính đến phiên giao dịch ngày 03/06/2022).
Điều này không nằm ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia phân tích và nhà đầu tư. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng, giá cổ phiếu CEO không sớm thì muộn cũng trở về “giá trị thực” 10.000 đồng/cổ phiếu như thời điểm một năm trước.
Trước tình trạng đầu cơ, thổi giá quá mức trên TTCK, tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế vào ngày 22/4, Thủ tướng Chính phủ đã đặt câu hỏi đối với các đại biểu tham dự về vấn đề này.
“Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhưng giá chứng khoán tăng tính bằng lần không theo quy luật nào cả, nhưng chúng ta lại không biết. Có hay không việc thao túng làm giá của công ty chứng khoán khi việc xử phạt chưa đủ sức răn đe?”, Thủ tướng hỏi.
Thủ tướng nhấn mạnh cần xử lý nghiêm những sai phạm, làm lành mạnh hóa thị trường, trên cơ sở kiên định thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, có hành lang pháp lý bảo vệ nhà đầu tư tham gia thị trường trên cơ sở rà soát lại các cơ chế, chính sách hiện hành.
Được biết, cũng trong tháng 4/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đưa cổ phiếu CEO của CEO Group vào diện bị cảnh báo vì kinh doanh thua lỗ theo quy định của Quy chế niêm yết.