Nghịch lý nhà ở xã hội không đủ nguồn cung nhưng có nơi ế ẩm hàng ngàn căn
Các dự án nhà ở xã hội luôn được cho rằng đang hạn chế, vắng bóng trên thị trường. Nhưng tại một số tỉnh tập trung nhiều người lao động lại kêu cứu vì có quá nhiều căn hộ giá rẻ ế khách, thậm chí bỏ hoang.
Ai cũng nghĩ nguồn cung nhà ở xã hội “nhỏ giọt”, không đủ cầu
Theo thông tin từ Reatimes, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng thiếu nguồn cung nhà ở xã hội là vấn đề nhức ngối của toàn thị trường trong vài năm gần đây. Không những không đạt được về mặt số lượng mà ngay cả những chủ trương đầu tư của nhà đầu tư và địa phương cũng chưa dành nhiều sự chú ý đến nhà ở xã hội. Lượng nhà ở xã hội những năm gần đây rất thấp, rất khó tìm được dự án nhà ở xã hội chất lượng.
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến “Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản” do Văn phòng Chính phủ tổ chức đầu tháng 8/2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết giai đoạn 2021-2025, cả nước hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân với quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn. Như vậy là đã quá nửa thời gian của giai đoạn 2021-2025 nhưng số căn hộ hoàn thành thực tế chỉ đạt khoảng 4,5% so với kế hoạch.
Nhìn chung sự phát triển của nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội vẫn còn quá xa vời so với nhu cầu của người dân, do đó việc chấn chỉnh lại trật tự kỷ cương, xem xét lại các biện pháp để đáp ứng nhu cầu ở của người lao động bình dân, phát triển nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ là một trong những nhiệm vụ cấp bách của cơ quan quản lý.
Mặc dù nhà ở giá rẻ được nhiều người săn đón, nhưng hiện nay, trên thị trường nhà ở xã hội tại Bắc Ninh, TP.HCM… lại liên tục xuất hiện hàng ngàn căn nhà ở xã hội ế ẩm, thậm chí bị bỏ hoang.
Nghịch lý một số nhà ở xã hội từ Bắc vào Nam nằm trong trạng thái ế khách
Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành 7 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với 4.000 căn hộ đủ điều kiện đưa vào sử dụng. Các chủ đầu tư đã rao bán 1.681 căn nhưng rất ít công nhân đăng ký mua, khiến còn tồn đọng 1.324 căn. Nguyên nhân là hơn 70% công nhân tại địa phương này từ nơi khác đến.
Trong đó, lực lượng lao động trẻ 18 - 30 tuổi đến làm việc chỉ có nhu cầu thuê thay vì mua nhà. Ngoài ra, công nhân cũng khó đáp ứng về tài chính để mua nhà khi thu nhập 9 - 10 triệu đồng một tháng. Bên cạnh trang trải sinh hoạt phí, người lao động đã khó khăn còn thường phải dành dụm để gửi tiền về quê cho gia đình. Không chỉ vậy, đa số công nhân ở Bắc Ninh có tính chất cư trú không ổn định, thường xuyên thay đổi công việc.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng người lao động chưa có thói quen ở nhà cao tầng. Từ đó, Bắc Ninh đề nghị việc đầu tư xây dựng nhà ở công nhân cần được thực hiện cả ở bên ngoài các khu công nghiệp để loại hình này có thể phục vụ rộng rãi cho các đối tượng là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất tất cả các ngành, nghề. Đồng thời, tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung các cơ chế ưu đãi đặc biệt hơn nữa với dự án nhà lưu trú công nhân.
Không riêng Bắc Ninh, tình trạng ế nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng xảy ra ở TP.HCM, nơi vẫn kêu thiếu lâu nay. Khi làm việc với HĐND TP.HCM, lãnh đạo TP.Thủ Đức cho biết dự án nhà ở công nhân của Công ty Phước Thành có hơn 1.000 căn dự kiến bàn giao cuối năm nay, nhưng chỉ khoảng 100 hồ sơ đăng ký thuê nhà.
Đại diện chủ đầu tư lý giải thực tế có nhiều khách hàng thuộc nhóm đối tượng được hưởng chính hỗ trợ về nhà ở xã hội đã tìm hiểu, song rất ít hồ sơ đạt yêu cầu. Người đủ điều kiện mua thì không có tiền, không dám vay ngân hàng với lãi suất gói tín dụng 120.000 tỉ đồng lên đến 7,7%/năm, chỉ kéo dài trong 5 năm và chỉ thấp hơn lãi vay thương mại 1 - 1,5%/năm. Trong khi đó, những người có tiền thì không nằm trong đối tượng là công nhân. Để bán được số căn hộ trên, hiện chủ đầu tư dự án này đang "liều" rao bán cho cả các đối tượng mua nhà ở xã hội khác ngoài công nhân.
Theo thông tin từ báo Thanh niên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ: “Nói thẳng mức lãi suất trong gói 120.000 tỉ đồng là quá cao, là gánh nặng của những người mua nhà ở xã hội”.
Ngoài ra, theo quy định hiện hành, người thuộc diện được mua nhà ở xã hội cần đáp ứng 3 điều kiện về nhà ở, cư trú và mức thu nhập. Trong đó, điều kiện về cư trú là phải có đăng ký thường trú tại nơi có dự án nhà ở xã hội hoặc đăng ký tạm trú từ một năm trở lên. Đối tượng mua nhà ở xã hội cũng không được thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân, tức lương không quá 11 triệu đồng mỗi tháng.
Những quy định này được một số chuyên gia đánh giá là đã lỗi thời. Ví dụ giá nhà ở xã hội tăng gần gấp đôi sau 5 năm, nhưng cách xác định thu nhập thấp - điều kiện quan trọng để được mua nhà - vẫn như 8 năm trước.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng thừa nhận chương trình xây dựng nhà ở xã hội mặc dù đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa như kỳ vọng. Nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất, vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, thiếu nguồn vốn ưu đãi, cơ chế khuyến khích chưa thực chất, chưa đủ mạnh; thủ tục đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn phức tạp, kéo dài. Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ quy định pháp luật về nhà ở xã hội do các chế tài xử lý còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh.